Cách bảo vệ sức khỏe mùa thi, chống nắng nóng hiệu quả nhất

Quang Minh
08:02 - 09/05/2025

Nhiều tỉnh thành bước vào mùa nắng nóng gay gắt với nền nhiệt dao động từ 35 đến 39, 40 độ C, cần bảo vệ sức khoẻ cho học sinh trong mùa thi tới.

Nắng nóng gay gắt trải dài, có nơi lên đến 39°C  

Những ngày đầu tháng 5/2025, nhiều địa phương trên cả nước đang trải qua đợt nắng nóng gay gắt với nền nhiệt dao động từ 35 đến 39 độ C, có nơi trên 40 độ. 

Các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... ghi nhận hiện tượng “nhiệt đảo đô thị”, khiến thời tiết càng trở nên oi bức và ngột ngạt, nhất là vào buổi trưa và chiều tối. Trước tình trạng thời tiết cực đoan kéo dài, ngành y tế đã phát đi nhiều cảnh báo về nguy cơ gia tăng các bệnh lý mùa nắng nóng, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm và bệnh liên quan đến hệ tim mạch, hô hấp, tiêu hóa.

Nắng nóng cực đoan và những tác động trực tiếp đến sức khỏe

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mùa hè năm 2025 được dự báo sẽ có nhiều đợt nắng nóng gay gắt kéo dài, đặc biệt tập trung vào các tháng 5 đến 7. Nhiệt độ trung bình toàn quốc có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5 – 1,5 độ C. Tình trạng nắng nóng kèm theo độ ẩm thấp và tia UV cao có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống sinh hoạt của người dân, đặc biệt tại các khu vực đô thị và miền Trung – nơi thường xuyên chịu tác động mạnh mẽ của thời tiết cực đoan.

Đợt nắng nóng hiện tại có cường độ mạnh và diện rộng, xảy ra trên khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ và cả miền Đông Nam Bộ. Sự oi bức không chỉ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày mà còn tạo ra nhiều nguy cơ sức khỏe cho người dân, nhất là những đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ nhỏ, người già, người lao động ngoài trời và người mắc bệnh mãn tính.

Cách bảo vệ sức khỏe mùa thi chống nắng nóng hiệu quả nhất - Ảnh 1.

Nắng nóng cực đoan và những tác động trực tiếp đến sức khỏe. Ảnh minh hoạ: IT

Nắng nóng kéo dài khiến cơ thể dễ bị mất nước, rối loạn điện giải, dẫn đến các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, chuột rút, thậm chí có thể gây đột quỵ do sốc nhiệt nếu không được xử lý kịp thời. Các bác sĩ khuyến cáo, khi làm việc hoặc hoạt động ngoài trời trong thời tiết khắc nghiệt, cơ thể tiêu hao nhiều năng lượng và dễ mất nước, nếu không bổ sung kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng còn làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh ngoài da như rôm sảy, viêm da cơ địa, viêm nang lông... Do tuyến mồ hôi hoạt động mạnh, da dễ bị kích ứng, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Ngoài ra, không khí khô nóng làm gia tăng các vấn đề về hô hấp, nhất là ở những người bị hen phế quản, viêm phổi, viêm mũi dị ứng.

Gia tăng các bệnh truyền nhiễm mùa nắng nóng

Điều đáng lo ngại là thời tiết nắng nóng kéo dài cũng tạo điều kiện cho nhiều bệnh truyền nhiễm gia tăng, đặc biệt là ở trẻ em. Theo thống kê của các bệnh viện nhi trên toàn quốc, số ca mắc bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết và rối loạn tiêu hóa có xu hướng tăng nhanh trong những tuần gần đây.

Nguyên nhân chủ yếu là do nhiệt độ cao làm thực phẩm dễ bị ôi thiu, nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, môi trường sống nhiều ruồi, muỗi, gián và chuột – là những vật trung gian truyền bệnh. Nếu không chú ý đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh cá nhân, nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất lớn.

Đặc biệt, dịch sốt xuất huyết đã bắt đầu xuất hiện rải rác ở một số địa phương miền Trung và Tây Nam Bộ. Mùa mưa sắp tới có thể là điều kiện thuận lợi để muỗi vằn phát triển mạnh, vì vậy ngành y tế đang khuyến cáo người dân chủ động vệ sinh môi trường sống, loại bỏ các ổ nước đọng – nơi muỗi sinh sản.

Các biện pháp bảo vệ sức khỏe trong mùa nắng nóng

Để phòng tránh các rủi ro sức khỏe và dịch bệnh trong mùa nắng nóng, Bộ Y tế đã đưa ra nhiều khuyến cáo quan trọng. Trước hết, người dân cần hạn chế ra ngoài trời trong khoảng thời gian từ 10h đến 16h, khi tia UV ở mức cực kỳ nguy hại. Nếu buộc phải ra ngoài, nên mặc quần áo dài tay, đội mũ rộng vành, đeo kính râm và thoa kem chống nắng.

Việc bổ sung đủ nước cho cơ thể là vô cùng cần thiết. Mỗi người trưởng thành cần uống ít nhất từ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày. Tuy nhiên, không nên uống nước quá lạnh hoặc có ga, vì có thể gây co thắt dạ dày. Thay vào đó, nên dùng nước lọc, nước ép trái cây, nước dừa hoặc các loại nước có chất điện giải.

Về chế độ ăn uống, cần ưu tiên các thực phẩm dễ tiêu hóa, giàu vitamin và khoáng chất như rau xanh, trái cây tươi, cá, đậu hũ... Hạn chế thức ăn chiên rán, nhiều dầu mỡ vì sẽ làm tăng nhiệt cho cơ thể. Đặc biệt, cần bảo quản thực phẩm đúng cách trong tủ lạnh và tuyệt đối không dùng đồ ăn đã ôi thiu hoặc để qua đêm không được bảo quản đúng nhiệt độ.

Ngoài ra, cần giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường sống sạch sẽ. Các bạn học sinh chú ý mặc quần áo mỏng, thấm hút mồ hôi tốt. Phụ huynh/nggười lớn tuổi cần được theo dõi huyết áp và nhịp tim thường xuyên. Việc sử dụng điều hòa nhiệt độ nên hợp lý, không để chênh lệch nhiệt độ quá cao so với môi trường bên ngoài để tránh bị sốc nhiệt.

Bảo vệ sức khỏe học sinh trong mùa thi trước thời tiết nắng nóng

Mùa thi năm 2025 diễn ra trong bối cảnh thời tiết nắng nóng gay gắt, học sinh và phụ huynh cần đặc biệt chú ý các biện pháp bảo vệ sức khỏe cho học sinh.

Theo đó, ngành giáo dục cũng cần phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để bảo vệ học sinh, nhất là trong giai đoạn thi cử, khi các em phải học tập và di chuyển nhiều trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Các trường học cần đảm bảo điều kiện phòng học thông thoáng, cung cấp nước sạch đầy đủ và tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh cho học sinh.

Trong mùa thi, để bảo vệ sức khỏe trước nắng nóng, học sinh cần giữ đủ nước cho cơ thể bằng cách uống nhiều nước lọc, tránh nước ngọt và nước có ga. Nên học ở nơi thoáng mát, tránh học quá khuya gây suy nhược. 

Không chỉ áp lực ôn tập mà thời tiết nắng nóng cũng là thử thách lớn đối với học sinh. Để duy trì sự tập trung, hãy xây dựng kế hoạch học tập khoa học, tập trung vào nội dung trọng tâm và luyện đề hiệu quả.

Khi ra ngoài, cần đội mũ, mặc áo dài tay, đeo khẩu trang và hạn chế ra đường lúc nắng gắt. Ăn uống đủ chất, bổ sung rau xanh và trái cây giúp tăng sức đề kháng. Ngủ đủ giấc, giữ tinh thần thoải mái và nghỉ ngơi hợp lý cũng là cách quan trọng để giữ sức khỏe và tập trung cao độ khi làm bài thi.

Cách bảo vệ sức khỏe mùa thi chống nắng nóng hiệu quả nhất - Ảnh 2.

Ngoài ra, đối với các bậc phụ huynh, người lao động ngoài trời như công nhân xây dựng, nông dân, shipper… việc trang bị đồ bảo hộ, nghỉ ngơi hợp lý và được chăm sóc sức khỏe định kỳ là điều cần thiết để đảm bảo an toàn lao động và giảm thiểu nguy cơ bệnh tật trong thời tiết nắng nóng kéo dài.

Nắng nóng là hiện tượng thời tiết cực đoan không thể tránh khỏi trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, với sự chủ động của ngành y tế và ý thức phòng bệnh của mỗi cá nhân, cộng đồng, chúng ta hoàn toàn có thể giảm thiểu tác hại của nắng nóng đến sức khỏe. Việc xây dựng lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học, bảo vệ môi trường và lan tỏa ý thức cộng đồng sẽ là chìa khóa giúp vượt qua mùa hè một cách an toàn và khỏe mạnh.


Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/cach-bao-ve-suc-khoe-mua-thi-chong-nang-nong-hieu-qua-nhat-179250509080231881.htm