Các "ông lớn" viễn thông Việt trước sức ép chuyển đổi
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và lộ trình chuyển đổi số quốc gia đang gia tăng sức ép buộc các "ông lớn" viễn thông Việt Nam phải chuyển đổi từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông thành nhà cung cấp các sản phẩm và dịch vụ số mới.
Trước thực tế thị trường viễn thông năm 2022 tăng trưởng chậm lại, các "ông lớn" viễn thông phải tìm kiếm dư địa phát triển mới ở dịch vụ công nghệ số. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2022, tổng doanh thu dịch vụ viễn thông đạt 138.000 tỷ đồng, chỉ tăng 1,6% so với năm 2021; lợi nhuận sau thuế của ngành viễn thông năm 2022 ước đạt 44.500 tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm 2021; đóng góp vào GDP ước đạt 76.452 tỷ đồng.
Dịch vụ viễn thông truyền thống đến nay ngày càng bão hòa và mức độ cạnh tranh hiện rất khốc liệt. Các doanh nghiệp chủ yếu cạnh tranh về giá là chính, còn chất lượng không được cải thiện nhiều. Các thông số từ các "ông lớn" viễn thông Việt cho thấy rõ sự suy giảm của dịch vụ viễn thông truyền thống. Viettel, nhà mạng đang dẫn đầu về thị phần thuê bao di động (chiếm khoảng 54,5%) kết thúc năm 2022 doanh thu hợp nhất (cả trong nước và nước ngoài) tăng trưởng 6,06%, nhưng doanh thu dịch vụ viễn thông trong nước chỉ tăng 3,8%. Còn MobiFone, năm 2022 chỉ đạt 94,43% kế hoạch năm. Trong kế hoạch năm 2023, MobiFone đặt mục tiêu tập trung đẩy mạnh kinh doanh data để bù đắp sự sụt giảm doanh thu các dịch vụ viễn thông di động. Với VNPT, năm 2022, tổng doanh thu chỉ tăng 2% so với năm 2021, đạt 97,5% kế hoạch.
Theo nhận định của Hãng tư vấn toàn cầu EY, thị trường di động Việt Nam có tính cạnh tranh cao, ngày càng bão hòa, tỷ lệ sử dụng SIM đạt 137% (năm 2020). Cạnh tranh xoay quanh giá cả và mức giá cước thấp đã khiến ngành viễn thông di động Việt giảm khả năng sinh lời. Dịch vụ cơ bản như nhắn tin SMS, đàm thoại bị giảm sút, chỉ còn đóng góp 60% vào doanh thu dịch vụ di động… Tốc độ tăng trưởng chung của thị trường chậm lại do có quá nhiều nhà khai thác, và cuộc cạnh tranh giữa các nhà mạng ngày càng quyết liệt hơn khi thị phần di động Việt đa số thuộc sở hữu của 3 nhà mạng lớn nhất (Viettel, MobiFone, VinaPhone) chiếm trên 90% thị phần. Xu hướng tiêu dùng dữ liệu (data) bùng nổ cùng với sự phát triển công nghệ di động 4G/5G, tạo áp lực lớn lên các nhà mạng trong việc cân bằng giữa mục tiêu đầu tư phát triển vùng phủ sóng/gánh nặng đáp ứng nguồn vốn, tài chính với các mục tiêu tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận hằng năm.
Sự phát triển của công nghệ khiến các dịch vụ thoại và tin nhắn ngày càng giảm (giảm đều 10-15%/năm) nhường chỗ cho nguồn thu từ dịch vụ data và các dịch vụ OTT. Trao đổi trên nền OTT (dịch vụ nội dung trên nền tảng Internet) làm suy giảm viễn thông truyền thống, khiến thị trường bão hòa là điều tất yếu. Khi mỗi người đã dùng 2 hoặc 3 SIM điện thoại rồi, phải tìm những thứ khác để kết nối. SIM không chỉ còn dùng cho điện thoại, mà còn dùng cho các loại thiết bị khác để có "nhà máy thông minh", "ô tô thông minh", "giao thông thông minh", "văn phòng thông minh", "nhà ở thông minh",... Và như vậy, không gian mới đi cùng với đó là thách thức mới được mở ra lớn gấp nhiều lần viễn thông. Mobile Money, mạng 5G, trí tuệ nhân tạo (AI) hay Internet vạn vật (IoT)…, tác động đến việc định hình ngành viễn thông mới. Trong đó, Mobile Money và mạng viễn thông 5G đã và đang làm thay đổi tích cực ngành viễn thông Việt. Việc triển khai sớm dịch vụ 5G có thể sẽ giúp doanh thu của các nhà mạng di động Việt Nam tăng thêm khoảng 300 triệu USD/năm, kể từ năm 2025.
Theo dự báo của EY, lĩnh vực công nghệ thông tin Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh về quy mô: từ 7 tỷ USD năm 2020 lên 11,8 tỷ USD năm 2025 (tăng trưởng bình quân 16,5%/năm) và sẽ đạt 16,5 tỷ USD vào năm 2030 (tăng bình quân 6,9%/năm). Dự báo, đến năm 2025, các dịch vụ số chiếm tỷ trọng lớn sẽ là: thanh toán di động, thương mại điện tử, Internet vạn vật (IoT), quảng cáo số, nội dung số, giao dịch trên ứng dụng, truyền thông số, giáo dục số, game trực tuyến, nhạc số và y tế số… Vì thế các doanh nghiệp viễn thông có cơ hội tham gia cung cấp hạ tầng, kết nối và gia nhập chuỗi cung ứng dịch vụ số cho xã hội.
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) – công ty mẹ sở hữu mạng Vinaphone - xác định phải chuyển đổi thành một tập đoàn công nghệ, trong khi vẫn giữ vững các dịch vụ truyền thống vốn là thế mạnh. Năm 2022, dịch vụ truyền hình trả tiền của VNPT có tốc độ tăng trưởng doanh thu đạt trên 20%, chiếm vị trí số 1 về thị phần. Trung tâm điều hành thông minh (IOC) đã được VNPT cung cấp tại 40 tỉnh/thành, trong đó, đã khai trương 35 IOC cấp tỉnh và 40 IOC cấp huyện. Hệ thống một cửa điện tử của VNPT đã được sử dụng tại 36 tỉnh/thành, 850 đơn vị cấp huyện.
Nhà mạng Viettel đã và đang chuyển đổi từ một nhà khai thác viễn thông trở thành một tập đoàn công nghệ, trọng tâm đặt vào chuyển đổi số và công nghiệp công nghệ cao. Thuê bao Viettel Money phát triển mới tăng gấp 6 lần, vượt mốc 5 triệu thuê bao. TV 360 đạt 10 triệu người xem, trở thành nền tảng truyền hình OTT lớn nhất Việt Nam. Viettel Cloud ra mắt vào ngày 14/10/2022 là hệ sinh thái điện toán đám mây đa dạng nhất Việt Nam. Viettel đã triển khai trung tâm điều hành thông minh (IOC) cho chính quyền 35 tỉnh, thành phố, xây dựng trung tâm giám sát an toàn thông tin (SOC) cho 20 tỉnh, thành phố.
MobiFone cũng đang chuyển đổi từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trở thành công ty công nghệ, phát triển mạnh trên 3 lĩnh vực: hạ tầng số, nền tảng/giải pháp số và dịch vụ số. MobiFone đã mắt hệ sinh thái tài chính số; mở rộng thương mại điện tử; phát triển dịch vụ băng rộng cố định; hợp tác kinh doanh với các đối tác mới cung cấp dịch vụ chuyển đổi số như khối ngân hàng, truyền hình trả tiền… Tầm nhìn đến năm 2035, MobiFone hướng đến trở thành nhà cung cấp hạ tầng, giải pháp/nền tảng và dịch vụ số hàng đầu Việt Nam.
Lĩnh vực viễn thông đang co hẹp lại, song không gian phát triển lại còn nhiều, đòi hỏi doanh nghiệp viễn thông phải có cách tiếp cận mới, bước ra khỏi tư duy truyền thống. Trước sức ép chuyển đổi, ba "ông lớn" của viễn thông Việt đang phải thoát khỏi "chiếc áo truyền thống", bước vào lĩnh vực mới ở cuộc chạy đua khốc liệt.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/cac-ong-lon-vien-thong-viet-truoc-suc-ep-chuyen-doi-179230105230030632.htm