Các nhà cung cấp linh kiện cho Apple tăng tốc sản xuất ngoài Trung Quốc
Ấn Độ và Việt Nam đang nổi lên như những trung tâm sản xuất tiếp theo của Apple, khi các đối tác cung cấp linh kiện cho hãng tìm cách tăng khả năng phục hồi cho chuỗi cung ứng, vốn dựa nhiều vào Trung Quốc và đã bị lung lay do những thách thức về địa chính trị cũng như y tế.
Theo hai nhà phân tích Ivan Lam và Shenghao Bai của trung tâm Counterpoint Research, các nhà sản xuất thiết bị điện tử chủ chốt đang thúc đẩy nỗ lực đa dạng hóa năng lực của họ trên toàn cầu, thông qua việc tận dụng nhiều chính sách khuyến khích của địa phương.
Cả hai cho biết nỗ lực kéo dài nhiều năm này, đã bắt đầu từ trước dịch COVID-19, có thể dẫn tới kết quả là Hon Hai - đối tác hàng đầu của Apple - chuyển tới 30% năng lực sản xuất sang Ấn Độ, Việt Nam và Brazil.
Họ thận trọng cho biết hiện chưa có sẵn sự thay thế trực tiếp cho Trung Quốc. Tuy nhiên Hon Hai, tên khác là Foxconn, và công ty Pegatron Corp. (Đài Loan - Trung Quốc) đang thiết lập các nền tảng cho việc chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
"Dẫn đầu bởi Foxconn và Pegatron, nhiều công ty đã đầu tư vào các nhà máy, dây chuyền sản xuất, quy trình sản xuất tương đối tiên tiến cũng như đào tạo nhân sự ở Ấn Độ", họ cho biết.
Dân số đông và tỷ lệ sinh cao khiến Ấn Độ trở thành thị trường hấp dẫn cho các sản phẩm cuối, cũng như trở thành các cổng sản xuất. Trong khi đó, lực lượng lao động của Việt Nam có chi phí thấp hơn so với Trung Quốc.
Việt Nam hiện đã thu hút 21 nhà cung cấp của Apple tới đây hoạt động, dù vẫn thiếu khả năng sản xuất điện thoại iPhone - một sản phẩm quan trọng của Apple. Cũng theo nghiên cứu của Counterpoint, điện thoại thông minh được sản xuất tại Ấn Độ đã tăng 16% trong quý 2 năm nay, đạt hơn 44 triệu chiếc.
Về phần mình, Trung Quốc đã chứng kiến lực lượng lao động trong nước bị thu hẹp đi từ năm 2020, theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới. Cần nhớ rằng một đội ngũ lao động lành nghề, những người đã được giáo dục và đào tạo về mặt nào đó trước khi tham gia hệ thống lao động, chính là xương sống cho sự trỗi dậy của Trung Quốc để trở thành công xưởng của thế giới. Vì thế, việc lực lượng lao động bị thu nhỏ đi là điều đáng lưu ý.
Counterpoint cho biết Apple cũng đã tìm cách giảm sự phụ thuộc vào các nhà máy riêng lẻ, hoặc các quốc gia có lao động lành nghề, thông qua việc mô đun hóa sản phẩm và việc sản xuất các mô đun này có thể được chuyển giao giữa các cơ sở khác nhau. Công ty còn tập trung nghiên cứu để sản phẩm của mình dễ bảo trì hơn, cũng như việc triển khai dây chuyền lắp ráp sản phẩm mới trở nên dễ dàng hơn.
Theo các nhà phân tích, tình trạng khó khăn trong sản xuất đã giảm đáng kể với các mẫu iPhone 14 và iPhone 14 Plus. "Giờ đây, các nhà máy ở Ấn Độ đã có thể sản xuất iPhone 14 gần như đồng thời với các nhà máy ở Trung Quốc. Apple đã bắt đầu sản xuất iPhone ở Ấn Độ trong năm nay nhanh hơn nhiều so với các thế hệ trước", hai chuyên gia nhận định.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/cac-nha-cung-cap-linh-kien-cho-apple-tang-toc-san-xuat-ngoai-trung-quoc-179221219175824701.htm