Các giải pháp nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề của sinh viên trong giai đoạn hậu COVID-19

Đại dịch COVID-19 đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế toàn thế giới, và tất cả các lĩnh vực trong xã hội Việt Nam đều bị tổn thất nặng nề, bao gồm cả giáo dục.

CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO KỸ NĂNG GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ CỦA SINH VIÊN TRONG GIAI ĐOẠN HẬU COVID-19 - Ảnh 1.

Kỹ năng giải quyết vấn đề cần được người học quan tâm và rèn luyện mỗi ngày. Ảnh: studentspace.org.uk

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh khó khăn ấy, người ta nhận ra rằng khi con người đủ sức khỏe, khả năng đứng trước những tình huống khó khăn và tìm được những giải pháp vượt qua được hoàn cảnh khắc nghiệt, sẽ vượt qua đại dịch thành công. 

Vậy loại năng lực ấy là gì? 

Năng lực cần nhấn mạnh ở đây chính là năng lực giải quyết vấn đề, là khả năng được hình thành khi con người có khả năng tư duy, suy luận, thực hành, phát hiện và giải quyết các vấn đề nảy sinh trong học tập, trong lao động và cuộc sống hàng ngày, tạo điều kiện để người học có thể thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của khoa học kĩ thuật trong nền kinh tế xã hội hiện đại. Khi đại dịch đã dần qua, người ta lại nhận thấy tầm quan trọng không nhỏ của kỹ năng này, nó sẽ giúp con người sớm thích nghi với hoàn cảnh khắc nghiệt và giúp họ có thể hòa nhập với mọi thay đổi bất ngờ của cuộc sống. Nhưng thực tế cho thấy rằng, khi đứng trước một vấn đề hay khó khăn, con người hay cụ thể ở đây là người học - không chủ động suy nghĩ để tìm cách giải quyết mà thường hỏi ý kiến để lấy kinh nghiệm giải quyết của người khác, hay tìm cách giải quyết trên công cụ tìm kiếm Google. 

Rõ ràng, người học chưa hiểu hết tầm quan trọng của kỹ năng này và mỗi vấn đề của một người tùy hoàn cảnh, mối quan hệ,… sẽ có những mức độ dễ khó khác nhau. Vì thế, khả năng này cần được người học quan tâm và rèn luyện mỗi ngày.

Tầm quan trọng của kỹ năng giải quyết vấn đề

Kỹ năng giải quyết vấn đề thể hiện sự quan trọng cấp thiết ở mọi nghề nghiệp cũng như mọi cấp độ. Vì vấn đề luôn xuất hiện xung quanh chúng ta mọi lúc mọi nơi, và để giải quyết được nó cần phải có các kỹ năng kỹ thuật đặc thù của từng lĩnh vực. Sẽ có những vấn đề rất đơn giản, nhưng cũng sẽ có những vấn đề phức tạp và để giải quyết nó đòi hỏi nhiều suy nghĩ, cảm xúc và nghiên cứu từng bước rõ ràng. Việc giải quyết cũng phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó năng lực của mỗi người đóng vai trò quan trọng, nó chính là kỹ năng ra quyết định. Khi quyết định đúng, người đó sẽ thành công, ngược lại sẽ gây ra thất bại trong cuộc sống, dễ chán nản, bỏ cuộc… 

Vì vậy, kỹ năng giải quyết vấn đề đóng vai trò tiên quyết cần trang bị cho người học và đó cũng là kỹ năng mà con người luôn quan sát và rèn luyện hàng ngày. Đặc biệt, sau một cơn đại dịch kinh hoàng như COVID-19, người học càng hiểu rõ tầm quan trọng của việc rèn luyện kỹ năng này thông qua các hoạt động giao tiếp, rèn luyện thể lực hay tự học, tự nghiên cứu mỗi ngày. Các vai trò của kỹ năng này bao gồm:

- Tăng khả năng quản lý thời gian cho người học: Quản lý thời gian hiệu quả là một kỹ năng khá khó trong thời đại ngày nay, khi người học bị vướng quá nhiều rào cản cho các hoạt động giải trí, mạng xã hội, hay họ luôn dành nhiều thời gian cho những việc như lướt Facebook, chat, giảm stress… mà lơ là đi các nhiệm vụ học tập hoặc trau dồi các kỹ năng mềm khác. Kỹ năng giải quyết vấn đề cũng là một trong những kỹ năng mềm quan trọng mà các nhà tuyển dụng luôn yêu cầu cao đối với các ứng viên vì nó là sự hợp thành của nhiều kỹ năng, trong đó kỹ năng sắp xếp thời gian và thứ tự ưu tiên trong công việc là yếu tố điển hình. Khi sinh viên ra trường và quản lý được thời gian của họ hiệu quả thì họ sẽ luôn hoàn thành các nhiệm vụ được giao, họ sẽ biết sắp xếp theo thứ tự ưu tiên các công việc, tránh được tình trạng "nước đến chân mới nhảy", từ đó sẽ hoàn thành xuất sắc mọi yêu cầu của công việc hay sự sắp xếp của cấp trên.

- Nâng cao khả năng tư duy: Những ưu điểm vượt bậc của kỹ năng giải quyết vấn đề chính là giảm thiệt hại hay các rủi ro mà vấn đề gây ra đến mức thấp nhất, bên cạnh giải pháp thì kỹ năng này đòi hỏi người học phải suy nghĩ rất nhiều cái được và mất khi đưa ra một quyết định nào đó. Chính vì thế, kỹ năng giải quyết vấn đề lại đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong học tập, công việc, cuộc sống và nó cũng là một trong những kỹ năng giúp con người tăng hoạt động tư duy hiệu quả. 

Khi vấn đề xuất hiện, nó đòi hỏi con người phải quan sát, phân tích, đánh giá, rồi đưa ra các quyết định. Đặc biệt, giai đoạn bình thường mới hiện nay - giai đoạn hậu COVID-19, có rất nhiều vấn đề mà con người không thể ngờ đến đã xảy ra, trong giáo dục việc đóng cửa các trường học để phòng chóng dịch, hay giảng dạy trực tuyến,… chính là những vấn đề khó đoán trước này. Vì thế, khi đại dịch đã qua, người học đã bắt đầu tập thói quen thích nghi với việc giảng và dạy theo công nghệ, tham gia các lớp học ảo một cách chủ động, giảm các việc phụ thuộc vào giáo viên, họ đã tăng cường được khả năng tự học và sắp xếp thời gian hiệu quả. Rõ ràng, nâng cao khả năng tư duy từ việc đưa ra các quyết định bất ngờ, giúp người học ngày càng phát triển bản thân mình một cách toàn diện hơn.

- Nâng cao hiệu quả trong học tập: Học tập trong giai đoạn sau khủng hoảng dịch bệnh đòi hỏi người học dành nhiều thời gian cho việc phát triển các năng lực bản thân và đó cũng là yêu cầu cấp thiết mà các nhà tuyển dụng đòi hỏi nguồn nhân lực phục vụ cho công việc ngày nay cần phải có. Hậu COVID-19, người học sẽ biết mình đã thiếu kỹ năng nào và phát triển nó ra sao. 

Thực tế cho thấy rằng, nhiều tình huống bất ngờ xuất hiện trong quá trình học tập trong giai đoạn dịch bệnh như tham gia phòng học ảo, tham gia các diễn đàn thảo luận, tự tìm kiếm các tài liệu, tham gia các kỳ thi hay bài kiểm tra qua hệ thống Elearning… đã làm cho người học gặp nhiều bối rối thậm chí là áp lực khi đối mặt với rào cản giáo dục trực tuyến. Nhưng nếu người học nào cũng trang bị cho mình kỹ năng giải quyết vấn đề thì họ có thể bình tĩnh giải quyết những sự cố, vấn đề xảy ra. Việc bình tĩnh, suy nghĩ cẩn thận sẽ giúp họ có thể đưa ra hướng giải quyết đúng đắn, sắp xếp được thời gian, từ đó tìm hiểu được các giải pháp vượt qua được khó khăn của giáo dục trực tuyến, giúp nâng cao hiệu quả trong học tập, đáp ứng được các yêu cầu của giảng viên.

Các yếu tố ảnh hưởng đến kỹ năng giải quyết vấn đề của sinh viên trong giai đoạn hậu COVID-19

Jonassen và Tessmer (1996) cho rằng, các yếu tố tâm lý bao gồm thái độ và nhận thức đem lại nhiều ảnh hưởng đến kỹ năng giải quyết vấn đề của người học, nhận thức chính là hiểu biết để con người, học về vấn đề cần giải quyết cũng như chính khả năng của bản thân. Thái độ chính là động lực để giải quyết vấn đề thể hiện bằng sự nỗ lực, lo lắng hay tự tin, kiên trì.

- Kiến thức: Kiến thức đóng vai trò quan trọng trong giải quyết khó khăn và quyết định thành công của mỗi người. Đó cũng là yếu tố then chốt để hình thành kỹ năng giải quyết vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Và chỉ có học, chúng ta mới có thể tạo được chỗ đứng riêng của mình, khẳng định được bản thân trong xã hội. Kiến thức bao gồm kiến thức về chuyên môn hay lĩnh vực nào đó và kiến thức về xã hội. Trong một tình huống có vấn đề thì kiến thức là chìa khóa để mở cánh cửa này bởi vì người học sẽ vận dụng kiến thức để tìm tòi và giải quyết vấn đề đó bằng sự kích thích tích cực và hứng thú giải quyết nó theo cách mà các em cho là hiệu quả nhất. 

Trong giai đoạn sau dịch bệnh, kiến thức đóng vai trò là chìa khóa mở cửa mọi vấn đề vì dịch bệnh này diễn ra khắp nơi trên thế giới, nó tác động đến tất cả các tầng lớp, chính trị, tôn giáo… vì thế, đòi hỏi mỗi con người và toàn bộ hệ thống xã hội phải năng động và có khả năng chống chịu với mọi sự vật thay đổi một cách bất ngờ. Nếu có đủ kiến thức về chăm sóc sức khỏe, hiểu được các phương thức lây lan của chủng virus, cách phòng chống khi bị lây nhiễm… thì con người sẽ thích ứng với đại dịch một cách nhanh chóng và sớm vượt qua khó khăn.

- Thái độ học tập: Bên cạnh kiến thức thì thái độ học tập cũng là yếu tố then chốt cho việc hình thành kỹ năng giải quyết vấn đề của sinh viên hiện nay. Với Giảng viên thì một sinh viên có thái độ học tập nghiêm túc, tôn trọng họ hay sinh viên khác, cần cù chịu khó luôn được đánh giá cao hơn sinh viên thông minh mà thiếu thái độ học tập tích cực. Trong một tình huống có vấn đề thì thái độ tìm hiểu, suy nghĩ linh động, biết cách định hướng để cải thiện vấn đề mà Giảng viên đưa ra sẽ giúp bản thân người học tăng thêm vốn kiến thức hay kinh nghiệm trên con đường lĩnh hội tri thức. 

Tuy nhiên, thái độ học tập không phải tự nhiên mà có, nó còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố trong đó, giáo dục từ phía gia đình và bản thân người học là yếu tố then chốt quyết định đến thái độ học tập. Trong đại dịch COVID diễn ra, thái độ học tập chính là yếu tố quan trọng cho quá trình đào tạo trực tuyến. Khi người học có thái độ học tập tích cực, Giảng viên sẽ dễ dàng hơn trong quá trình truyền đạt kiến thức, vận hành các diễn đàn, và điều chỉnh phòng học ảo một cách hiệu quả nhất.

- Khả năng tư duy: nếu có khả năng này thì người học sẽ suy nghĩ một vấn đề theo nhiều hướng khác nhau cũng như có cách giải quyết khác nhau. Cụ thể, sinh viên sẽ có cái nhìn đa chiều trước một vấn đề cần giải quyết trong học tập hay trong cuộc sống (Trần Hải Yến, 2014). Đứng trước một tình huống có vấn đề, sinh viên có thể vận dụng tư duy để giải quyết nó như tìm tòi, phân tích, tổng hợp, đánh giá,… sau đó tìm ra được vấn đề mấu chốt và đề ra cách giải quyết vấn đề như thế nào cho hợp lý. Tốc độ giải quyết nhanh hay chậm là phụ thuộc vào khả năng tư duy của mỗi người và cần được rèn luyện mỗi ngày cho kỹ năng này. Như vậy, sau khi đi làm người học có thể suy nghĩ để giải quyết mọi vấn đề theo hướng xem xét kĩ mọi yếu tố hay mọi khía cạnh, từ đó đưa ra nhiều phương án khác nhau và lựa chọn được phương án tối ưu với những lập luận có cơ sở vững chắc. 

Ngay cả giai đoạn dịch bệnh diễn ra phức tạp, khi giáo dục trực tuyến dần đưa vào tất cả các cấp thì khả năng tư duy của người học chính là yếu tố mang đến thành công của Elearning, Zoom, quickcom,… chính khả năng này đã giúp người học có thể thích nghi nhanh chóng với phương pháp học mới mà họ chỉ nghe trên các phương tiện truyền thông của các nước phát triển. Bên cạnh đó, sinh viên bằng khả năng tư duy của mình cũng đã đóng góp các sáng kiến rất hay trong vấn đề phòng chống dịch. 

Cụ thể, sinh viên trường Đại học Bách khoa chế tạo khẩu trang có thể lọc được 99% bụi mịn, kháng khuẩn và ngăn chặn lây nhiễm virus cùng với ưu điểm sử dụng nhiều lần, góp phần tiết kiệm chi phí và giảm lượng chất thải ra môi trường [4]. Khi giai đoạn bình thường mới bắt đầu, người học có cơ hội nhìn lại những thành công mà họ đã đạt được, từ đó rèn luyện khả năng này nhiều hơn nữa trong tương lai.

Thực trạng về kỹ năng giải quyết vấn đề của sinh viên

Nhìn chung, sinh viên các trường đại học chưa nhận thức rõ ràng về vai trò quan trọng của khả năng giải quyết vấn đề giai đoạn sau dịch bệnh. Một số khác cho rằng kỹ năng này chính là sự thể hiện của nhóm khi tham gia giải quyết vấn đề, không phải là của cá nhân. Đặc biệt là sinh viên năm nhất, luôn luôn có những khó khăn nhất định vì sẽ có một số thay đổi trong cuộc sống cũng như học tập hay được gọi là "cú sốc văn hóa" vì sự khác nhau giữa môi trường trung học phổ thông và đại học, đa phần sinh viên lại không chuẩn bị tinh thần cho những thách thức tại môi trường mới dẫn đến bị choáng ngợp và phải dành thêm một khoảng thời gian để thích ứng với cuộc sống mới.

Trong học tập, sinh viên chưa chủ động tìm kiếm vấn đề vì khi Giảng viên đặt câu hỏi, có khoảng 78,4% sinh viên chờ câu trả lời (Nguyễn Thị Kim Chung, 2018), trong thời gian đó họ hay làm những chuyện riêng, hoặc thậm chí tìm kiếm câu trả lời trên Google. Về kỹ năng phát hiện vấn đề, vẫn còn khoảng 32.9% sinh viên chưa tốt ở kỹ năng này, chỉ khoảng hơn 20% sinh viên đạt được yêu cầu trong việc phát hiện ra vấn đề. Trong cuộc sống, vấn đề luôn xuất hiện, thậm chí nó sẽ xuất hiện một cách bất ngờ nếu sinh viên bị hạn chế việc phát hiện ra các khó khăn và không sớm đưa ra quyết định, sẽ rất khó thích nghi với hoàn cảnh mới. Trong giai đoạn hậu COVID-19, việc sớm nhận ra các vấn đề sẽ giúp người học đạt được những kết quả mong muốn, còn lại sẽ bị tụt hậu vì những vấn đề của công nghệ luôn là vấn đề mới và rất cần sự tư duy của người học. Giai đoạn giáo dục áp dụng phương pháp giảng dạy trực tuyến, nó yêu cầu Giảng viên phải giảm việc đưa sinh viên vào lối mòn lười suy nghĩ, hạn chế việc động não… nghĩa là Giảng viên phải bỏ việc đọc chép cho người học, và người học phải tư duy nhiều hơn và phải tìm ra được các nhiều cách giải quyết cho một vấn đề càng hiệu quả. Tuy nhiên, trong giai đoạn dịch bệnh diễn ra phức tạp, có rất nhiều nỗi lo như sợ sự tấn công của loại virus nguy hiểm này, làm cho người dạy và người học bị thiếu đi tinh thần vượt qua thử thách. Vì thế, Thầy Cô chưa thật sự tạo ra môi trường để các em có thể động não, suy nghĩ và tìm cách giải quyết vấn đề. Hầu hết, Giảng viên đều nêu sẵn tình huống, tự giải quyết tình huống và các em chỉ cần nghe, hiểu, ghi chép và làm theo.

Khi xét về khả năng xác định các kiến thức cần cho việc giải quyết vấn đề, khoảng 48.5% sinh viên trả lời là biết xác định (Nguyễn Thị Kim Chung, 2018) và sẽ biết cách giải quyết ở các mức độ khác nhau, tuy nhiên tỷ lệ 35.2% chưa tốt có thể là do người học chưa có nhiều thông tin hay chưa tìm thấy các mâu thuẫn xảy ra trong vấn đề, do đó không nêu được các phương án giải quyết. Nhưng khi nhìn lại tỷ lệ 16.3% sinh viên trả lời đã xác định được các kiến thức cho một vấn đề, thì cho thấy được kỹ năng này ngày càng được người học quan tâm hơn và họ sẽ sẵn sàng tham gia các khóa học đào tạo các kỹ năng này. Qua thời gian đại dịch COVID-19, người học đã dần nhận ra tầm quan trọng không nhỏ của kỹ năng giải quyết vấn đề, trong học tập cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng đến giai đoạn bình thường mới, kỹ năng này được sinh viên ưu tiên đầu tư phát triển bởi vì nhờ có nó, người học có thể dễ dàng thích nghi với các phương pháp giảng dạy trực tuyến, thảo luận qua diễn đàn, đặc biệt họ có thể tham gia bất kỳ khóa học online nào khi họ nắm được các nguyên tắc hoạt động của hệ thống Zoom, Google Meet hay quickcom,…

Các giải pháp nâng cao khả năng giải quyết vấn đề giai đoạn hậu COVID-19

Người học đã trải qua cuộc khủng hoảng của dịch bệnh, do đó đã hình thành một số thói quen và tư duy giải quyết tình huống có vấn đề, đã nhận thức được tầm quan trọng của kỹ năng này. Do đó, các giải pháp giai đoạn bình thường sẽ chú ý vào việc phát triển các kỹ năng mềm, tăng cường các hoạt động về học tập ngoại ngữ và tin học,… đặc biệt các giải pháp này phải khác với giai đoạn trước và trong quá trình dịch bệnh diễn ra. Những giải pháp này bao gồm:

- Kiểm tra đánh giá kết quả học tập của sinh viên qua các ứng dụng trực tuyến: Trong thời gian dịch bệnh diễn ra phức tạp, các trường học bắt buộc đóng cửa để giảm thiểu sự lây lan của virus này. Tuy nhiên, việc đóng cửa bao lâu lúc ấy không có một câu trả lời nào chính xác. Với phương châm "đóng cửa trường học, không ngừng việc học", giáo dục trực tuyến đã được áp dụng. Trong thời gian này, nhiều nền tảng giáo dục online đã hỗ trợ rất nhiều cho Giảng viên và người học, sớm xóa dần khoảng cách địa lý như Zoom, Google Meet, Quickcom, Team, Elearnig… với sự cập nhật những tính năng mới dễ sử dụng, thuận tiện và tối ưu của các nền tảng học trực tuyến trên đã giúp cho người học, đặc biệt là sinh viên các trường đại học tiếp tục trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết theo yêu cầu của xã hội [5]. Việc tăng cường các bài kiểm tra, bài thi hay việc thảo luận qua các forum sẽ giúp người học phát huy được năng lực bản thân, từ đó nâng cao được khả năng giải quyết vấn đề trong học tập, qua đó sớm thích nghi được với tình hình mới là giáo dục trực tuyến. 

Có rất nhiều ứng dụng giúp Giảng viên tạo ra đề thi, bài tập online trong đó nổi bật là nền tảng Azota, Khoot, Elearning,… được đánh giá khá tốt về sự tiện lợi, dễ sử dụng. Các nền tảng trực tuyến này, giúp người dạy tạo đề thi, đề kiểm tra, bài tập và upload chúng thật dễ dàng, đặc biệt chúng có chức năng trộn đề và các đáp án, từ đó hạn chế việc sao chép đáp án lẫn nhau giữa sinh viên. Tại các ứng dụng này, Giảng viên sẽ tổ chức các kỳ thi, kiểm tra, luyện tập online theo chuyên đề, người học thực hiện các yêu cầu của giáo viên để đạt kết quả cao nhất. Việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập của sinh viên qua các ứng dụng trực tuyến tạo ra rất nhiều thuận lợi cho cả người học lẫn người dạy như tiết kiệm thời gian giao, nộp bài, chấm bài tự động và trả kết quả ngay cho người học giúp giáo viên tiết kiệm thời gian và công sức, còn người học dễ dàng theo dõi, so sánh đối chiếu kết quả… 

Rõ ràng, giáo dục trực tuyến đã giải quyết được yêu cầu tiên quyết của giáo dục chính là không ngừng việc học tập của tất cả các cấp học, tuy nhiên giai đoạn sau dịch bệnh COVID-19, Giảng viên nên duy trì các hoạt động kiểm tra qua các nền tảng online, nó sẽ giúp sinh viên thích ứng với vấn đề không ngừng đổi mới của công nghệ, xóa bỏ khoảng cách địa lý giữa các khóa học dạy về kỹ năng của các trường ở Việt Nam hay thậm chí trên thế giới. Nhờ nắm rõ các nguyên tắc tham gia các lớp học qua ứng dụng của Zoom, Google meet… mà người học có thể tham gia vào bất kỳ khóa học về kỹ năng nào khiến họ thấy cần thiết cho tương lai.

 - Tăng cường các hoạt động học tập chủ động, sáng tạo, gắn liền với thực hành: học tập chủ động chính là hoạt động mà người học tự chọn cho mình phương pháp, kiến thức, địa điểm và thời gian học phù hợp nhất tùy theo hoàn cảnh của mỗi sinh viên, phương pháp này không là hình thức lắng nghe chủ động từ phía Giảng viên. Hoạt động này bao gồm tất cả mọi việc từ tập trung nghe giảng đến những bài tập vận dụng kiến thức vừa học hoặc những bài tập phức tạp để ứng dụng kiến thức đã học vào đời sống (Nguyễn Hữu Lộc, Phạm Công Bằng, Lê Ngọc Quỳnh Lam, 2014). Giảng viên là người thiết kế và tổ chức các hoạt động dạy học phù hợp với năng lực của sinh viên, để họ làm việc cùng nhau theo nhóm nhỏ để giải quyết các nhiệm vụ học tập liên quan chủ yếu đến Hình thành ý tưởng - Thiết kế - Triển khai - Vận hành. Từ các hoạt động này, người học phát huy tối đa sự tham gia vào hoạt động chung của nhóm, sinh viên đạt được mục tiêu học tập mà còn giúp người học có cơ hội thực hiện các các hoạt động liên quan đến các thành tố của năng lực giải quyết vấn đề gồm: cùng nhau xác định vấn đề, cùng nhau đề xuất phương án giải quyết vấn đề, cùng nhau thực hiện giải quyết vấn đề, cùng nhau đánh giá và điều chỉnh. Bên cạnh việc chủ động học tập lý thuyết, việc gắn liền với các bài tập thực hành sẽ giúp sinh viên tăng cường được khả năng chủ động và sẽ tìm ra các giải pháp giải quyết vấn đề mang tính sáng tạo cao hơn. Trong giai đoạn bình thường mới - hậu COVID-19, việc tham gia các dự án liên quan đến việc giải quyết các vấn đề, các tình huống giả định hoặc thực tiễn nghề nghiệp sẽ giúp sinh viên suy nghĩ, đề xuất ra những phương án phù hợp rất nhiều với thực tế. Đó là những bài tập mang tính thực tế rất cao, giúp sinh viên sớm có những định hướng và xác định được vấn đề, bên cạnh sự hỗ trợ từ phía Giảng viên, người học khi học theo các hoạt động học tập chủ động, sáng tạo, gắn liền với thực hành sẽ có những khả năng tư duy và giải quyết được các tình huống có vấn đề một cách logic nhất.

- Nâng cao năng lực tự học và tự nghiên cứu: Trong thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay, việc phát huy năng lực tự học và tự nghiên cứu sẽ giúp người học sớm hòa nhập vào sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ. Việc thiết kế chương trình đào tạo, nội dung đào tạo của một chuyên ngành nào đó, và để đánh giá được phương thức đào tạo của chuyên ngành đó có hiệu quả hay không ít nhất cần thời gian dài mới đánh giá được. Nhưng công nghệ luôn thay đổi từng giây từng phút, nếu năng lực tự học và tự nghiên cứu của người học bị hạn chế thì chắc chắn họ sẽ bị tụt hậu trong thế hệ tiên tiến. Vì thế, để bắt kịp sự thay đổi không ngừng này, ngoài việc được lĩnh hội các kiến thức trên ghế nhà trường, từ sự hướng dẫn của Giảng viên, thì sinh viên cần chủ động tìm tòi và nghiên cứu những tài liệu chuyên ngành khác để làm rõ hơn về môn học và để cập nhật những công nghệ mới. Một trong những chìa khóa vàng để mở cánh cửa công nghệ chính là năng cao năng lực ngoại ngữ và tin học. tiếng Anh ngày nay đã trở thành tiếng nói chung được rất nhiều quốc gia trên thế giới đang sử dụng rộng rãi, nếu ngoại ngữ bị hạn chế, sinh viên sẽ khó tiếp cận được với công nghệ hay các ứng dụng trực tuyến vì đa phần các ứng dụng này sử dụng ngôn ngữ chung là tiếng Anh. Chính vì thế, ngoài thời gian học tập tại trường, sinh viên nên tự sắp xếp thời gian để nâng cao năng lực ngoại ngữ và tin học của mình. Để làm được điều này, sinh viên phải có khả năng tự học, tự nghiên cứu cao thông qua những công việc như tự lập mục tiêu học tập, tự lập kế hoạch học tập, tự tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, tự cấu trúc thông tin, vận dụng thông tin vào thực tế, v.v. Như vậy, năng lực tự học, tự nghiên cứu của sinh viên là một yêu cầu bắt buộc không thể thiếu của sinh viên trong giai đoạn bình thường mới hiện nay.

Kết luận

Nâng cao khả năng giải quyết vấn đề cho sinh viên giai đoạn hậu COVID-19 đã trở thành một xu hướng thiết yếu trong giáo dục hiện nay tại các Trường đại học. Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, khả năng này đóng vai trò là chìa khóa cho các hoạt động trực tuyến, nhưng khi dịch bệnh tạm kết thúc thì khả năng này lại được rất nhiều nhà giáo dục quan tâm, nó chính là năng lực giúp người học vượt qua mọi tình huống có vấn đề và nó cũng là năng lực đặc biệt giúp sinh viên sớm thích nghi và tìm ra được các giải pháp hoàn hảo để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các nhà tuyển dụng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Jonassen, D.H., & Tessmer, M. (1996), An outcomes-based taxonomy for the design, evaluation, and research of instructional systems, Training Research Journal.

2. Trần Hải Yến (2014), Động cơ học tập của sinh viên học đại học thứ hai tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Luận văn Thạc sĩ Tâm lý học.

3. Nguyễn Thị Kim Chung (2018), Một số biện pháp phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, Tạp chí Giáo dục, số Đặc biệt tháng 6/2018, tr.76-80

4.https://vnuhcm.edu.vn/nghien-cuu_33366864/doi-song-sinh-vien-trong-boi-canh-dich-covid-19/333831316864.html.

5. http://hict.edu.vn/khoa-kinh-te/kiem-tra-danh-gia-truc-tuyen-bang-nen-tang-azota.htm

6. Nguyễn Hữu Lộc, Phạm Công Bằng, Lê Ngọc Quỳnh Lam (2014), Chương trình đào tạo tích hợp từ thiết kế đến vận hành, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, tr.134 - 135.

 

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/cac-giai-phap-nang-cao-ky-nang-giai-quyet-van-de-cua-sinh-vien-trong-giai-doan-hau-covid-19-17922112820342942.htm