Các biện pháp bảo vệ học sinh từ bếp ăn trường học

Quang Minh
07:18 - 28/04/2025

Làm sao để kiểm soát chất lượng an toàn của nguồn thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn tập thể tại trường học là mối quan tâm hàng đầu.

Tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm đối với bếp ăn trường học. Ảnh minh hoạ: IT

Tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm đối với bếp ăn trường học. Ảnh minh hoạ: IT

Lo lắng về việc đảm bảo an toàn bếp ăn trường học sau nhiều vụ việc

Gần đây, dư luận tiếp tục hoang mang bởi nhiều vụ việc về liên quan đến phát hiện nguồn thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm giả, như vụ Công an thành phố Hà Nội vừa tiến hành kiểm tra đột xuất một kho lạnh chứa nhiều thực phẩm không rõ nguồn gốc và phát hiện một lượng lớn thực phẩm "bẩn" như xúc xích, lạp xưởng, há cảo, thanh cua... đều là những thực phẩm học sinh hay mua và sử dụng ở trường học, hay như vụ việc tại Phú Thọ, phát hiện thu giữ hơn 71 nghìn lít dầu ăn, khoảng 40 tấn mì chính, 22 tấn hạt nêm, 9 tấn bột canh giả; các vụ ngâm tẩm hóa chất vào giá đỗ...

Những vụ việc này lại một lần nữa cho thấy nguy cơ cao việc thực phẩm bẩn ồ ạt xuất hiện, xâm nhập vào các bếp ăn tập thể, khu công nghiệp, trường học… ảnh hưởng tới sức khoẻ, thậm chí là tính mạng của nhiều học sinh.

Đáng chú ý, hầu hết, các thực phẩm này có khả năng lưu hành là do ưu thế vượt trội là giá rẻ. Điều này khiến các bếp ăn tập thể, trong đó có các bếp ăn trường học có thể dễ dàng lựa chọn kinh doanh, sử dụng tại các khu vực tập thể, trường học.

Vừa qua, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng đã có những khuyến cáo và hướng dẫn để đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ sức khỏe học sinh tại các bếp ăn trường học, cần thực hiện đồng bộ các nhóm biện pháp.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm tại bếp ăn trường học, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể. Một trong số đó là Văn bản số 787/BYT-ATTP ngày 20/02/2023, đề nghị các địa phương tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể, đặc biệt trong trường học.

Thực phẩm an toàn, bếp ăn an toàn theo Bộ Y tế

Theo Cục An toàn thực phẩm, an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể vô cùng quan trọng, bảo đảm sức khỏe cho lực lượng sản xuất-công nhân tại các khu công nghiệp, các nhà máy và bảo đảm sức khỏe cho các học sinh, sinh viên tại các trường học, lực lượng lao động tương lai của đất nước.

Khi mất an toàn thực phẩm sẽ gây hệ lụy như số người mắc rất lớn, ảnh hưởng không chỉ tới sản xuất của doanh nghiệp, học sinh, sinh viên nghỉ học, mà gây quá tải cho hệ thống y tế, gây tổn hại đến sức khỏe, kinh tế của học sinh, sinh viên, công nhân, doanh nghiệp, gây mất ổn định xã hội.

Bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể cần tuân thủ các quy định như: Bếp ăn phải bảo đảm có đủ diện tích, bố trí theo quy tắc một chiều, bảo đảm không nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến; dụng cụ nấu nướng, chế biến phải bảo đảm an toàn vệ sinh; nơi bảo quản đủ thiết bị, dụng cụ theo yêu cầu; có đủ dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải bảo đảm vệ sinh, thu dọn hằng ngày; bảo đảm tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, kiến thức, thực hành đối với người chế biến, phục vụ.

Theo đó, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo cần thực hiện nghiêm túc 4 nguyên tắc bảo đảm an toàn bếp ăn tập thể như sau:

Thứ nhất: Lựa chọn nguyên liệu đầu vào an toàn

• Nguồn gốc rõ ràng: Chỉ nhập nguyên liệu từ các nhà cung cấp uy tín, có giấy phép kinh doanh và chứng nhận an toàn thực phẩm.

• Kiểm tra chất lượng: Nguyên liệu phải tươi, không dập nát, không có dấu hiệu hư hỏng, nấm mốc; nguyên liệu chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm, hương liệu, gia vị phải có nhãn ghi đúng quy định, còn hạn sử dụng.

• Hợp đồng minh bạch: Ký kết hợp đồng cung ứng nguyên liệu với các đơn vị cam kết bảo đảm chất lượng, có kiểm tra định kỳ, có ghi chép, truy xuất được nguồn gốc khi có sự cố xảy ra.

Thứ hai: Quy trình sơ chế, chế biến tuân thủ quy định an toàn

• Khu vực chế biến sạch sẽ, phân khu rõ ràng: thực phẩm sống và chín phải được chế biến riêng biệt.

• Vệ sinh cá nhân: người chế biến cần rửa tay thường xuyên, mặc trang phục bảo hộ, đội mũ, đeo khẩu trang trong suốt quá trình làm việc.

• Dụng cụ chế biến: phải được vệ sinh sạch sẽ trước và sau khi sử dụng.

Thứ ba: Bảo quản thực phẩm an toàn

• Kho bảo quản phải tuân thủ theo đúng quy định an toàn thực phẩm: thực phẩm cần được lưu trữ trong điều kiện nhiệt độ phù hợp, tránh nhiễm khuẩn chéo, tránh côn trùng, động vật gây hại.

• Thực hiện quy tắc FIFO ("First In, First Out") - sử dụng nguyên liệu nhập trước, tránh tồn kho quá lâu.

Thứ tư: thực hiện lưu mẫu, giám sát và kiểm tra thường xuyên

• Lưu mẫu thức ăn: thực hiện lưu mẫu theo đúng quy định để phục vụ công tác truy xuất khi cần.

• Kiểm tra nội bộ: xây dựng đội ngũ kiểm tra an toàn thực phẩm nội bộ để rà soát định kỳ và đột xuất.

• Tập huấn định kỳ: tổ chức các lớp đào tạo kiến thức an toàn thực phẩm cho toàn bộ nhân viên bếp ăn.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo các trường học phối hợp với phụ huynh trong việc giám sát chất lượng bữa ăn và giáo dục học sinh về vệ sinh cá nhân, như rửa tay trước khi ăn. Những biện pháp này nhằm phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và bảo vệ sức khỏe học sinh.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/cac-bien-phap-bao-ve-hoc-sinh-tu-bep-an-truong-hoc-179250428071758671.htm