Cả nước không còn tụ điểm ma túy phức tạp, gây bức xúc dư luận

19:03 - 09/08/2022

Trong Báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công an tại Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có nhóm vấn đề về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm.

Theo báo cáo của Bộ Công an, về cơ bản, những nhiệm vụ, chỉ tiêu Quốc hội giao trong Nghị quyết đều đã thực hiện đạt và vượt; như: 100% tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đều được tiếp nhận, thụ lý giải quyết, 100% các vụ việc có dấu hiệu tội phạm đều phải được thụ lý điều tra, xác minh, và khởi tố vụ án khi có đủ căn cứ. 

Tỷ lệ điều tra khám phá các loại tội phạm trung bình hằng năm đều đạt trên 75%; trong đó các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt trên trung bình trên 90% tổng số án khởi tố. Tỷ lệ thu hồi, kê biên tiền, tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế, tham nhũng đạt tỷ lệ trên 60%. 

Tai nạn giao thông giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Số vụ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, số đối tượng bị tạm giữ, tạm giam chết thuộc trách nhiệm quản lý của cơ sở giam giữ, số người bị kết án phạt tù trốn ngoài xã hội, các trường hợp phạm nhân chết do đánh nhau, tự sát, vi phạm pháp luật, phạm tội mới trong các cơ sở giam giữ… đều giảm so với những năm trước.

Sử dụng ma túy, “ngáo đá” gây ra nhiều vụ việc phức tạp về an ninh trật tự

Tình hình tội phạm ma túy trên thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nhất là tại các tuyến, địa bàn trọng điểm. Tình trạng trồng cây có chứa chất ma túy vẫn xảy ra tại một số địa phương khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên. Đáng lưu ý, tình trạng người dân trồng cây cần sa tại nhà riêng, vườn nhà; người nước ngoài thuê đất để trồng cần sa trái phép ở một số thành phố, đô thị lớn vẫn diễn ra. Tình hình tổ chức, chứa chấp, lôi kéo người khác sử dụng trái phép ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp, các đối tượng đang có xu hướng thuê, sử dụng nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn, căn hộ chung cư, resort nghỉ dưỡng cao cấp để tổ chức sử dụng trái phép ma túy.

Tổng số người nghiện ma túy trên toàn quốc là 217.059 người; số người sử dụng trái phép chất ma túy là 59.537 người. "Đây là nguồn cầu ma túy rất lớn, là nguy cơ làm phát sinh, phát triển các loại tội phạm và tệ nạn xã hội khác, gây phức tạp về trật tự an toàn xã hội ở nhiều địa phương, nhất là số đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy bị loạn thần, “ngáo đá” gây ra các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự" - báo cáo của Bộ Công an phân tích.

Trước tình hình đó, Bộ Công an đã chỉ đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và Công an các đơn vị, địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Kết quả, năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy toàn quốc đã phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 38.734 vụ, 56.676 đối tượng; thu giữ 1.070 kg heroin; 3.519,83 kg và 4.545.644 viên ma túy tổng hợp; 1.128,49 kg cần sa;...

"Về cơ bản, toàn quốc không còn tụ điểm ma túy phức tạp, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân" - báo cáo nêu rõ.

Tuy nhiên, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp; các đường dây tội phạm đẩy mạnh hoạt động mua bán, vận chuyển số lượng ma túy còn tồn đọng sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy vẫn còn thiếu về số lượng, trình độ không đồng đều, đặc biệt là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. Các loại trang bị, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ tuy đã được bổ sung, nhưng còn thiếu, một số đã lạc hậu chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn... Số lượng người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy ở nước ta còn cao, trong khi đó, công tác cai nghiện, quản lý sau cai hiệu quả thấp.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm về ma túy, trong thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp, trong đó tập trung đấu tranh giải quyết các điểm, tụ điểm mua bán, tổ chức, chứa chấp, cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy, nhất là tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, các địa bàn giáp ranh.

Vay "tín dụng đen" qua mạng (app) khó phát hiện, đấu tranh, xử lý

Thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các địa phương rà soát, phát hiện các cơ sở kinh doanh, cá nhân, băng nhóm, đối tượng có biểu hiện hoạt động tín dụng đen và tăng cường xử lý các vi phạm. Đã khởi tố 1.575 vụ/3.399 bị can; xử phạt hành chính 719 vụ/1.182 đối tượng. Riêng tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đã khởi tố 1.038 vụ/2.025 bị can; xử lý hành chính 359 vụ/485 đối tượng.

"Do đấu tranh trấn áp quyết liệt nên tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” đã được kiềm chế; nhiều chỗ tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Tuy nhiên, có lúc, có nơi tình trạng này còn diễn biến phức tạp, nhất là hoạt động biến tướng cho vay qua mạng (app) khó phát hiện, đấu tranh, xử lý hơn" - báo cáo của Bộ Công an đánh giá.

Công tác đấu tranh với tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Công tác quản lý nhà nước đối với các nền tảng mạng xã hội còn hạn chế. Các đối tượng thông qua mạng xã hội (zalo, facebook), các app, website để cho nhiều bị hại vay lãi nặng, đòi nợ, siết nợ gây bức xúc nhưng việc tiếp nhận, xác minh, xử lý các tin báo tố giác tội phạm gặp khó khăn do các đối tượng sử dụng tài khoản ảo, sim điện thoại rác, sử dụng công nghệ cao để thực hiện chế tài xử lý về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự quá nhẹ (hình phạt cao nhất là 3 năm tù) chưa đủ sức răn đe. Một bộ phận người dân vẫn tìm đến “tín dụng đen”, chưa nâng cao ý thức cảnh giác và ý thức chấp hành pháp luật và các quy định, thỏa thuận về vay mượn dân sự dẫn đến việc các đối tượng thực hiện các hành vi đòi nợ, siết nợ trái pháp luật.

Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Đáng chú ý có triển khai các giải pháp chia sẻ, kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân với các bộ, ngành để phòng chống tội phạm. Trước mắt là phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông để hỗ trợ xác thực các thông tin về nhân thân của khách hàng vay vốn, giúp giảm tải, rút ngắn thời gian kiểm tra, xác minh; khắc phục, hạn chế tình trạng làm giả các giấy tờ, thông tin khách hàng để vay vốn, chiếm đoạt tài sản; hỗ trợ ngành ngân hàng triển khai các gói vay nhỏ, qua số căn cước công dân không cần thế chấp, phục vụ các nhu cầu cấp bách chính đáng.

Bên cạnh đó là nghiên cứu phối hợp với ngành ngân hàng tham mưu cấp có thẩm quyền quy định hoạt động vay tín chấp, cho vay trực tuyến, vay qua app hiện nay. Bộ Công an sẽ xử lý trách nhiệm đối với đơn vị, cá nhân có liên quan không chủ động phát hiện, đấu tranh, để đơn vị, địa phương khác xử lý. Lực lượng Công an xử lý triệt để, nghiêm minh các vụ án liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, nhất là các vụ án liên quan đến các cán bộ thuộc các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tiếp tay, cung cấp vốn cho “tín dụng đen” hoạt động...

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/ca-nuoc-khong-con-tu-diem-ma-tuy-phuc-tap-gay-buc-xuc-du-luan-179220809155602054.htm