Bồi dưỡng phẩm chất, nhân cách cho sinh viên các trường Cao đẳng, Đại học trước tác động cuộc Cách mạng 4.0

Phẩm chất, nhân cách là những vấn đề rất cơ bản ở mỗi con người cụ thể gắn liền với hoạt động thực tiễn, lao động sản xuất, xã hội ở mỗi cương vị, chức trách khác nhau.

Mỗi con người từ lúc sinh ra, lớn lên và trưởng thành là quá trình từng bước định hình, phát triển và hoàn thiện phẩm chất, nhân cách, trở thành công dân có ích cho xã hội. Ở mỗi người phẩm chất, nhân cách được hình thành, phát triển theo con đường, cách thức khác nhau, song đều hướng đến điểm chung, thống nhất hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ ở môi trường đang sống và làm việc. Vì vậy, bồi dưỡng phẩm chất, nhân cách cho sinh viên, các trường Cao đẳng, Đại học trước tác động Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng 4.0) là rất quan trọng. Bởi sinh viên những chủ nhân tương lai của đất nước, những nhà tri thức đem kiến thức đã được lĩnh hội ở nhà trường vào thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ ở các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau.

Bồi dưỡng phẩm chất, nhân cách cho sinh viên các trường Cao đẳng, Đại học – nội dung quan trọng hàng đầu của giáo dục

Sinh viên các trường Cao đẳng, Đại học là những người trẻ tuổi, có nhiều đam mê, khát vọng trong tương lai, năng động, sáng tạo, nhạy bén, giỏi về khoa học công nghệ, thông tin. Tuy nhiên, đây cũng là lứa tuổi chịu tác động bởi nhiều yếu tố bên ngoài, nhất là thành tựu cả tích cực và tiêu cực của Cuộc Cách mạng 4.0, dễ dao động, nản lòng, thậm trí rơi vào cô đơn, tuyệt vọng có uy nghĩ tiêu cực khi gặp khó khăn, vướng mắc, thất bại không có ai chia sẻ, cảm thông; thiếu kinh nghiệm, hiểu biết các vấn đề xã hội, dễ nổi nóng, mất phương hướng, và bị sai khiến, dụ dỗ, mua chuộc bởi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động. Đây là những đặc điểm hết sức quan trọng để các chủ thể lãnh đạo, quản lý tiền hành bồi dưỡng phẩm chất, nhân cách cho sinh viên phù hợp, hiệu quả, đạt được mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Bồi dưỡng về phẩm chất, nhân cách cho sinh viên ở các trường Cao đẳng, Đại học trước tác động Cuộc Cách mạng 4.0 là tổng thể cách thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục, quản lý của chủ thể lãnh đạo, quản lý nhằm xây dựng, định hướng giá trị văn hoá học đường trong sáng, lành mạnh, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, nội quy nhà trường, hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, rèn luyện. Theo đó, bồi dưỡng về phẩm chất, nhân cách cho sinh viên các trường Cao đẳng, Đại học cần hướng vào: 

1/ Giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đó là lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, hiểu và nắm được văn hoá đạo đức, lối sống của con người Việt Nam, kính già, yêu trẻ, lễ nghĩa, tôn ti trật tự trong gia đình, quan hệ ứng xử với người lớn, thầy cô, bạn bè. 

2/ Bồi dưỡng kiến thức về pháp luật, hiểu biết các vấn đề xã hội, tình huống xảy ra trong thực tiễn, nội quy của nhà trường, trách nhiệm của sinh viên đối với nhiệm vụ học tập, rèn luyện. 

3/ Bồi dưỡng kỹ năng sống cho sinh viên, nhất là kỹ năng ứng biến với các tình huống xảy ra trong thực tiễn khi không có người thân bên cạnh, khả năng chống chọi với tác động tiêu cực từ mạng xã hội, từ các tệ nạn xã hội, từ các mối quan hệ phức tạp…

Những nội dung bồi dưỡng trên sẽ trực tiếp góp phần hình thành, hoàn thiện và phát triển nhân cách cho sinh viên đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, mở cửa, hội nhập sâu rộng quốc tế; được thực hiện thông qua nhiều con đường, hình thức, biện pháp khác nhau, chủ yếu thông qua học tập, rèn luyện lĩnh hội tri thức ở trên lớp; quản lý, giáo dục phòng công tác sinh viên, gia đình, nhà trường và sự tự bồi dưỡng của sinh viên. Những năm qua công tác bồi dưỡng phẩm chất, nhân cách cho sinh viên ở các trường Cao đẳng, Đại học đã được các chủ thể lãnh đạo, quản lý quan tâm, chú trọng có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp để sinh viên được phát triển về mọi mặt. Đội ngũ giảng viên đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục những quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước về xây dựng văn hoá, con người Việt Nam thời kỳ mới cho sinh viên, như: Chỉ thị số 31/CT-TTg về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, ngày 4/12/2019; Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và Kết luận số 51-KL/TW ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đản khóa XI "về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế"; Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; các trường Cao đẳng, Đại học tổ chức nhiều hoạt động như cắm trại, hè tình nguyện, hiến máu nhân đạo, toạ đàm, hội thảo khoa học, giúp đỡ nhân dân vùng lũ, tiếp sức mùa thi… qua những hoạt động như vậy, đã khơi dậy phẩm chất truyền thống tốt đẹp của văn hoá, con người Việt Nam, bồi dưỡng phẩm chất, nhân cách cho sinh viên.

Tuy nhiên, bên cạnh đó bồi dưỡng phẩm chất, nhân cách cho sinh viên ở các trường Cao đẳng, Đại học trước tác động Cuộc Cách mạng 4.0 còn một số hạn chế: Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật Nhà nước, quy định đơn vị chưa thường xuyên, chưa lồng ghép các vấn đề xã hội vào nội dung bài giảng của giảng viên để bồi dưỡng cho sinh viên; nội dung, hình thức, biện pháp khô cứng, thiếu hấp dẫn, không cuốn hút được nhiều sinh viên tham gia; công tác quản lý của cơ quan đối với các hoạt động xã hội của sinh viên chưa chặt chẽ; một bộ phận sinh viên thiếu hiểu biết kiến thức về xã hội, pháp luật, thiếu phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống, sống buông thả, tự do, thiếu trách nhiệm với bản thân, thích hưởng thụ hơn là lao động, ứng xử, giao tiếp còn kém, thiếu hiểu biết về truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, vì thế trong thời gian gần đây có nhiều vụ án xảy ra ở lứa tuổi vị thành viên, trong đó có cả sinh viên ở các trường Cao đẳng, Đại học.

Đề xuất một số biện pháp bồi dưỡng phẩm chất, nhân cách cho sinh viên các trường Cao đẳng, Đại học trước tác động cuộc Cách mạng 4.0 hiện nay

Một là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho sinh viên về vai trò bồi dưỡng phẩm chất, nhân cách

Đây là nội dung rất quan trọng, có ý nghĩa thúc đẩy việc hình thành phẩm chất, nhân cách của sinh viên hiện nay. Có nhận thức đúng đắn về vai trò của bồi dưỡng phẩm chất, nhân cách mới cho phép sinh viên có những chuyển biến tích cực, chủ động trong hoạt động giao tiếp, ứng xử hàng ngày. Mỗi sinh viên cần thấy được phẩm chất, nhân cách không phải là một cái gì đó quá lớn lao, mà đó là hệ thống những lời, ăn, tiếng nói, đi lại, đối xử với ông bà, cha, mẹ, người thân trong gia đình, với thầy cô giáo và với mọi người xung quanh. Phẩm chất, nhân cách đó là sự nhận thức của chính mỗi sinh viên, không phải là sự ban ơn, gán gép, ép buộc của một lực lượng cá nhân, tổ chức nào. Sự nhận thức này không chỉ dừng lại ở suy nghĩ mà phải biến thành hoạt động thực tiễn cụ thể, thiết thực đem lại hiệu quả trong cuộc sống, công việc, được mọi người thừa nhận, đánh giá cao. Thực tế hiện nay, có rất nhiều sinh viên thiếu kỹ năng về văn hoá giao tiếp, ứng xử, cứ tưởng rằng mình đã biết hết, không cần phải bồi dưỡng, xây dựng nhưng khi nói chuyện, tiếp xúc, giao lưu thì mới bộc lộ sự thiếu hiểu biết về văn hoá giao tiếp, ứng xử. Theo đó, các chủ thể quản lý giáo dục, bồi dưỡng cần tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị 31 của Thủ tướng Chính phủ; những quy định, yêu cầu của nhà trường về chức năng, nhiệm vụ của người học; giới thiệu những chiến cống, truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam, nhất là tình yêu với quê hương đất nước, lối sống tốt đẹp của con người Việt Nam; không chạy theo thị hướng thẩm mỹ tầm thường, phi văn hoá, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc; phối hợp chặt chẽ với gia đình để quản lý nắm bắt tư tưởng, diễn biến tâm lý của sinh viên và có cơ chế tác động phù hợp; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp và vai trò của Đoàn thanh niên; kiểm tra, giám sát nhiệm vụ học tập, rèn luyện của sinh viên.

Hai là, tích cực, chủ động đưa sinh viên vào hoạt động thực tiễn, trải nghiệm của xã hội ở các môi trường khác nhau

Phẩm chất, nhân cách của sinh viên không được hình thành một cách tự phát, xuất phát từ những tình huống, sự việc, điều kiện môi trường xung quanh tác động sẽ được bộc lộ một cách đầy đủ thông qua những hoạt động thực tiễn, trải nghiệm trong cuộc sống phong phú, đa dạng, phức tạp như hiện nay. Hoạt động thực tiễn, trải nghiệm không chỉ góp phần củng cố kiến thức, chứng mình vào hoạt động thực tiễn mà còn giúp sinh viên có thêm những hiểu biết về thiên nhiên đất nước con người Việt Nam và đời sống xã hội vô cùng mới mẻ. Theo đó, những hoạt động thực tiễn ở đây là thực hiện những chiến dịch mùa hè tình nguyện, sinh viên tiếp sức mùa thi, hành quân trở về với cội nguồn của lịch sử dân tộc, giúp đỡ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hạn hán, lũ lụt đem lại… đó còn là những việc làm theo sở thích, thế mạnh của học sinh, sinh viên. Tổ chức hội thi Olympic các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quán triệt các nghị quyết của Đảng đến sinh viên các trường Đại học. Tiếp tục tổ chức học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05 - CT/TW của Bộ Chính trị; học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII, các Nghị quyết Trung ương khoá XIII của Đảng; tổ chức cho sinh viên đăng ký những phần việc làm theo Bác một cách thiết thực. Các nhà trường cần đa dạng hóa và vận dụng các hình thức tổ chức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho phù hợp với tâm sinh lý của sinh viên; tiếp tục triển khai nhân rộng các mô hình: Tủ sách "Tuổi trẻ học tập và làm theo lời Bác"; "Sổ vàng nhật ký làm theo lời Bác"; "Chi Đoàn hành trình theo chân Bác"… Xây dựng "tủ sách pháp luật", tổ chức giới thiệu sách, cuộc thi về sách nhằm phát triển văn hóa đọc trong các nhà trường. Những hoạt động trên được tổ chức càng phong phú, đa dạng bao nhiêu thì càng kích thích và hình thành phẩm chất, nhân cách của sinh viên một cách đầy đủ, sáng tạo nhất. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác -Lênin đã khẳng định: Thực tiễn là mảnh đất màu mỡ để kiểm nghiệm, chứng minh cho chân lý, là nơi để đánh giá năng lực hoạt động thực tiễn của con người. Do đó, hoạt động thực tiễn, trải nghiệm sẽ là cơ sở, tiền để để góp phần vào việc bồi dưỡng phẩm chất, nhân cách cho sinh viên ở các trường Cao đẳng, Đại học một cách đầy đủ, sáng tạo nhất. Không gì bằng hoạt động thực tiễn, trải nghiệm xã hội, đó là nơi khởi nguồn và cũng là nơi thăng hoa rực rỡ cho phẩm chất, nhân cách con người được toả sáng, bừng lên ý chí, khát vọng vươn lên mạnh mẽ của toàn thể dân tộc.

Ba là, đề cao tính tích cực, chủ động trong tự bồi dưỡng về phẩm chất, nhân cách của sinh viên

Trong tất cả mọi hoạt động của sinh viên, sự nỗ lực của bản thân phấn đấu vươn lên tiếp nhận những hạt nhật hợp lý vào bảo thân là yếu tố cơ bản, quyết định đến thành công của việc tự bồi dưỡng về phẩm chất, nhân cách. Bồi dưỡng phẩm chất, nhân cách của sinh viên các trường Cao đẳng, Đại học trước tác động Cuộc Cách mạng 4.0 sẽ không đạt được kết quả cao nếu bản thân họ không nhận thức rõ, không lắng nghe, học hỏi những điều hay, lẽ phải. Bản thân mỗi sinh viên chủ thể năng động nhất, tích cực nhất, không ai khác mà chính sinh viên nhận thấy tầm quan trọng của việc tự bồi dưỡng phẩm chất, nhân cách, từ đó, đặt ra ý chí quyết tâm cao trong phấn đấu tu dưỡng rèn luyện trong mọi lúc, mọi nơi. Vượt qua những cám dỗ, sự hào nhoáng của cuộc sống bên ngoài, không chịu ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực của xã hội, luôn giữ được mình; muốn vậy, cần tích cực, chủ động trong tự bồi dưỡng, rèn luyện về phẩm chất, nhân cách. Đây sẽ là vấn đề "gốc" của mỗi con người, như V.I.Lênin đã chỉ rõ: Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta ngoài những khuyết điểm sai lầm của chính bản thân chúng ta. Vấn đề đặt ra cho sinh viên cần rèn luyện bản lĩnh vững vàng, không bi quan, dao động, đánh mất niềm tin trước khó khăn, thử thách, biết vượt qua vươn lên trong cuộc sống, chiến thắng số phận, không đầu hàng, gục ngã. Lời nói và hành động luôn nhất quán đi liền với nhau, gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện những quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Muốn rèn luyện đạo đức cách mạng, thì chúng ta phải ra sức học tập, tu dưỡng, tự cải tạo để tiến bộ mãi. Nếu không cố gắng để tiến bộ, thì tức là thoái bộ, là lạc hậu"(1).

Kết luận

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc đã ghi nhận đánh giá cao những cống hiến vô cùng to lớn của sinh viên cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc trước đây và xây dựng đất nước hiện nay. Những tấm gương sinh viên mãi là biểu tượng sáng ngời cho bản lĩnh, ý chí và sức mạnh con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, như: Trần Văn Ơn; Võ Thị Sáu, Đặng Thuỳ Trâm; Nguyễn Văn Thạc; Kim Đồng… sẽ mãi sống với năm tháng thời gian, là điểm sáng để cho thế hệ sinh viên hôm nay và mãi mãi về sau học tập, làm theo. Phẩm chất, nhân cách của sinh viên sẽ ngày càng hoàn thiện hơn nếu bản thân họ thường xuyên phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện đặt mình vào tổ chức, xác định rõ mình đang ở đâu, ở vị trí nào. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Đối với thanh niên trí thức như các cháu ở đây thì cần đặt hai câu hỏi: Học để làm gì? Học để phục vụ ai? Đó là hai câu hỏi cần phải trả lời dứt khoát thì mới có phương hướng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: "Hãy luôn xung kích tiến lên trong học tập, lao động, sản xuất, chiến đấu, góp sức xây dựng quê hương, đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, xứng đáng với kỳ vọng và niềm tin yêu của Đảng, Bác Hồ và nhân dân cả nước đối với thế hệ trẻ"(2).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 11 (1996), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội,tr.602.

(2) Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.314.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/boi-duong-pham-chat-nhan-cach-cho-sinh-vien-cac-truong-cao-dang-dai-hoc-truoc-tac-dong-cuoc-cach-mang-40-179221213231630435.htm