Bộ Y tế: Thu hồi giấy đăng ký lưu hành 30 thuốc tại Việt Nam, phạt 1 công ty dược 100 triệu đồng
Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa quyết định thu hồi giấy đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam đối với 30 thuốc được cấp giấy đăng ký lưu hành. Đồng thời xử phạt vi phạm hành chính 100 triệu đồng một công ty dược do nhiều lần vi phạm quy định về lưu hành thuốc.
Phạt công ty dược vi phạm quy định về lưu hành thuốc
Theo đó, quyết định xử phạt được áp dụng đối với Công ty cổ phần Pymepharco có địa chỉ trụ sở chính tại số 166-170, phố Nguyễn Huệ, phường 7, Thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
Lý do là công ty đã không thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được phê duyệt trước khi lưu hành thuốc đối với thay đổi lớn cần được phê duyệt với thuốc Ciprofloxacin STADA 500 mg có số đăng ký VD-34964-21, theo quy định của pháp luật.
Theo quyết định của Cục Quản lý Dược, các tình tiết tăng nặng là Công ty cổ phần Pymepharco đã có vi phạm trên nhiều lần (đối với 19 lô thuốc), vi phạm điểm b khoản 1 Điều 10 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Không có tình tiết giảm nhẹ.
Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế yêu cầu Công ty cổ phần Pymepharco nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt này. Nếu quá thời hạn mà Công ty cổ phần Pymepharco không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.
Công ty phải nộp số tiền phạt nói trên vào ngân sách nhà nước, qua Kho bạc Nhà nước thành phố Hà Nội trong vòng 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt.
Thuốc Ciprofloxacin là kháng sinh, được chỉ định điều trị cho các nhiễm khuẩn nặng. Thuốc được sử dụng theo đơn của bác sĩ.
Thu hồi giấy đăng ký lưu hành 30 thuốc ở Việt Nam
Theo đó, Cục Quản lý Dược thu hồi Giấy đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam đối với 30 thuốc có tên trong danh mục thuốc thu hồi kèm theo quyết định này. Đơn cử như thuốc Celofirm 200; Sofilim Eye drop; Dispeptin; Dulcolax...
Theo Quyết định do ông Nguyễn Thành Lâm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược kí, lý do thu hồi là các cơ sở sản xuất hoặc cơ sở đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc đề nghị thu hồi giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam (theo quy định tại Điểm g, Khoản 1 Điều 58 Luật Dược số 105/2016/QH13 và Khoản 2 Điều 42 Thông tư số 32/2018/TT-BYT).
Thuốc được sản xuất trước ngày quyết định có hiệu lực và đã nhập khẩu vào Việt Nam; hoặc thuốc nước ngoài nhập khẩu trong trường hợp được giao hàng tại cảng đi của nước xuất khẩu trước ngày quyết định có hiệu lực tiếp tục được phép lưu hành đến hết hạn dùng của thuốc.
Cơ sở đăng ký thuốc, sản xuất thuốc phải có trách nhiệm theo dõi và chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn, hiệu quả của thuốc trong quá trình lưu hành.