Bộ Y tế gỡ vướng tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại các địa phương

PV
20:25 - 24/10/2024

Ghi nhận tại một số bệnh viện lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng thiếu thuốc vẫn có, nhưng chỉ thiếu với một số mặt hàng như thuốc hiếm, thuốc có giá quá rẻ hoặc với mặt hàng mà cơ sở y tế ít có bệnh nhân điều trị.

Bộ Y tế gỡ vướng tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại các địa phương - Ảnh 1.

Bộ Y tế đang hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược năm 2016 khắc phục tình trạng thiếu thuốc tại các bệnh viện.

Tình trạng thiếu thuốc tại Thành phố Hồ Chí Minh đang dần được khắc phục

Chia sẻ về tình trạng thiếu thuốc, Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Bích Nhân, Trưởng Khoa Dược, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, bệnh viện về cơ bản không thiếu thuốc thường quy. Giai đoạn thiếu nhất do nhiều yếu tố, trong thời gian chờ đợi Chính phủ và Bộ Y tế hướng dẫn, bệnh viện đã tiến hành đấu thầu trước.

Liên quan tới tình trạng thiếu Gamma globulin điều trị bệnh tay chân miệng được phản ánh giai đoạn cách đây một năm, bác sĩ Nguyễn Thị Bích Nhân đánh giá thực trạng thiếu Gamma globulin không xuất phát từ nguyên nhân thiếu văn bản quy phạm pháp luật trong công tác mua sắm, mà chủ yếu phần lớn do đứt gãy chuỗi cung ứng do không kịp nhập khẩu thuốc về Việt Nam.

Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Nhân chia sẻ: "Chúng tôi đã thường xuyên rà soát tình hình tồn kho của thuốc, nắm số thuốc mua sắm theo hợp đồng còn hiệu lực, kể cả nghe ngóng tin tức cung ứng và theo dõi dự báo bệnh để dự trữ thuốc. Tuy nhiên, có những tình huống phát sinh nằm ngoài dự trù. 

Ví dụ năm 2023, 13 nhà cung ứng có giấy phép lưu hành cung cấp Gamma globulin điều trị tay chân miệng đều không thể cung ứng đủ, chúng tôi chủ động xin ý kiến Sở Y tế và Bộ Y tế để có thuốc cung ứng cho bệnh viện để chống dịch. Thực tế, Gamma globulin là thuốc hiếm, thiếu nhiều năm là do thiếu nhà cung ứng chứ không phải do văn bản quy phạm pháp luật chưa ra kịp thời để mua sắm".

Còn tại Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày, đơn vị này tiếp nhận 7.000-8.000 bệnh nhân ngoại trú và khoảng hơn 1.000 bệnh nhân nội trú. Hiện, đây là cơ sở y tế có lượng bệnh nhân đông nhất các tỉnh phía Nam.

Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Anh cho biết tối thiểu 1 báo giá là có thể xây dựng được giá kế hoạch thay vì cứ phải 3 báo giá như trước đây. Trường hợp bệnh viện thu thập được nhiều hơn 1 báo giá thì được lấy báo giá cao nhất làm giá kế hoạch trên cơ sở phù hợp với yêu cầu chuyên môn và khả năng tài chính của bệnh viện. 

Theo đó, về cơ bản, Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh đã không còn thuốc, vật tư, trang thiết bị do công tác dự trù được xây dựng cả năm và tiến hành đấu thầu liên tục. Chủ yếu có những điểm nghẽn nhỏ trong công tác đấu thầu vật tư, trang thiết bị y tế do phân nhóm để tiến hành thầu.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Anh cho biết: "Theo số liệu báo cáo mới nhất, tỉ lệ đấu thầu, mua sắm của bệnh viện đến nay đạt 80%. Khoảng 10-20% còn lại không phải vướng mắc nội bộ chủ quan mà do khách quan của chuỗi cung ứng do nhà thầu do đứt gãy nguồn cung; vướng mắc và kéo dài thời gian cung ứng do chờ xin gia hạn giấy phép đăng ký lưu hành thuốc. 

Đây là những vướng mắc ngoài phạm vi của bệnh viện và Bộ Y tế. Tuy nhiên, số đó không ảnh hưởng nghiêm trọng tới bệnh viện. Chúng tôi luôn có giải pháp thay thế thuốc tương đương về mặt công dụng điều trị, bệnh nhân được hưởng điều trị tương đối ổn".

Chia sẻ về khó khăn của đơn vị từng gặp phải thời gian trước, khi chưa có Luật, Nghị định và thông tư hướng dẫn, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, khó khăn nhất của đấu thầu, mua sắm là lấy giá kế hoạch của các danh mục đấu thầu với quy định yêu cầu tối thiểu phải có 3 báo giá và thầu giá thấp nhất. 

Bên cạnh đó, nếu trong danh mục đấu thầu, chỉ cần có một loại không lựa chọn được báo giá hoặc giá thấp làm ảnh hưởng cả gói thì cũng không triển khai được gói thầu.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, trung bình một ngày tiếp nhận khoảng 5.000-6.000 bệnh nhân ngoại trú và hơn 1.000 nội trú. Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thanh Việt chia sẻ thực trạng thiếu thuốc chủ yếu liên quan đến đứt gãy chuỗi cung ứng thế giới. 

Các đơn vị sản xuất thuốc trong nước cũng chậm trễ cung cấp do thiếu nguyên liệu nhập khẩu. "Việc thiếu thuốc thực chất từ nguồn gốc chứ không phải từ nguyên nhân thiếu quy định pháp luật hay bệnh viện không có đủ năng lực mua cho bệnh nhân", bác sĩ Phạm Thanh Việt nói.

Hiện tại, Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn có tình trạng thiếu thuốc, nhưng chủ yếu nằm ở khách quan, như giá thuốc quá rẻ không đơn vị nào tham dự thầu; hoặc thuốc hiếm chỉ có rất ít nhà cung cấp; hoặc có những đơn vị trúng thầu nhưng đến thời điểm giao thuốc, vật tư lại không thể nhập hàng do đứt gãy nguồn cung, kéo dài thời gian cung ứng đến 4-5 tháng. 

Trong những trường hợp này, nếu không có thuốc thay thế, bệnh viện rất khó cung ứng được đầy đủ và bệnh viện không thể chấm dứt gói thầu để tiến hành thầu lại.

Theo ông Lê Ngọc Danh - Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, việc thiếu thuốc giai đoạn vừa qua được báo chí đề cập, chủ yếu không phải vướng ở cơ chế mua sắm mà chủ yếu vướng chuỗi cung ứng.

Thành phố Hồ Chí Minh là địa bàn đặc thù với nhiều bệnh viện thành phố làm nhiệm vụ trung ương, nên trong trường hợp xảy ra dịch bệnh, ngoài dự trù cho nhu cầu người dân thành phố thì các cơ sở y tế tại đây còn phải đáp ứng nhu cầu điều trị của các địa phương lân cận nên xảy ra tình trạng thiếu.

"Dịch tay chân miệng năm 2023 tại Thành phố Hồ Chí Minh thiếu thuốc điều trị chủ yếu do phải điều tiết cho điều trị người bệnh tại chỗ ở một số địa phương, còn nếu chỉ cung ứng cho riêng thành phố thì cơ bản đủ. Ngoài ra, một số thuốc được cấp số đăng ký nhưng thực tế các nhà nhập khẩu không nhập về, Thành phố Hồ Chí Minh phải tiến hành cấp đơn hàng nhập khẩu đặc biệt", ông Danh khẳng định.

Kỳ vọng Luật Dược 2016 sửa đổi sẽ gỡ điểm nghẽn, khắc phục tình trạng thiếu thuốc

Bộ Y tế gỡ vướng tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại các địa phương - Ảnh 1.

Một số điểm mới của dự thảo Luật Dược 2016 sửa đổi giúp người dân được tiếp cận thuốc kịp thời, giá cả hợp lý. Ảnh: Hương Giang

Bộ Y tế hiện đang hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược năm 2016 nhằm bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời, giá cả hợp lý.

Đồng thới, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật trong hoạt động quản lý thuốc; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động về dược để tránh tình trạng thiếu thuốc xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố trong thời gian qua.

Theo ông Chu Đăng Trung, Trưởng phòng Pháp chế - Hội nhập, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), dự thảo Luật Dược sửa đổi lần này có 5 điểm mới. Đó là thể chế toàn bộ các cơ chế chính sách đặc biệt, đặc thù trong giai đoạn COVID-19; đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược mang tính đột phá so với Luật Dược 2016; đa dạng hóa hệ thống và phương thức kinh doanh, phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính về trình tự, thủ tục cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc; tăng cường việc thừa nhận, công nhận nhằm tạo điều kiện thông thoáng, tăng tính chủ động cho doanh nghiệp; quản lý chặt chẽ giá thuốc nhằm bình ổn thị trường thuốc theo quy định của Luật Giá 2023 và đảm bảo tính đặc thù của Luật Dược.

Trong đó, một trong những điểm mới của dự thảo Luật được kỳ vọng sẽ hạn chế tối đa tình trạng đứt gãy nguồn cung ứng thuốc, là đơn giản hóa hồ sơ gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Cụ thể, theo dự thảo Luật, hồ sơ gia hạn sẽ giảm từ 7 tài liệu xuống còn 2 tài liệu đối thuốc trong nước, còn 3 tài liệu đối thuốc nước ngoài. Các trường hợp gia hạn giấy đăng ký lưu hành không phải thông qua Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành hoặc không phải chờ Bộ Y tế phê duyệt.

Dự thảo Luật bổ sung quy định cho phép giấy đăng ký lưu hành của thuốc, nguyên liệu làm thuốc khi hết thời hạn hiệu lực mà đã được Bộ Y tế tiếp nhận hồ sơ gia hạn theo quy định thì được tiếp tục sử dụng cho đến khi được gia hạn hoặc khi Bộ Y tế có văn bản thông báo không gia hạn hoặc tạm dừng sử dụng giấy đăng ký lưu hành do phát hiện thuốc có nguy cơ không an toàn cho người sử dụng hoặc nghi ngờ giả mạo tài liệu pháp lý.

Về quy định thời hạn cấp mới, phê duyệt hồ sơ thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành, dự thảo Luật đang đề xuất giảm thời gian giải quyết hồ sơ thay đổi, bổ sung, chỉ cần công bố từ 3 tháng xuống còn 15 ngày.

Giảm thời gian cấp giấy đăng ký lưu hành từ 12 tháng xuống không quá 9 tháng trong trường hợp thừa nhận, tham chiếu đối với thuốc mới, sinh phẩm tham chiếu, sản phẩm tương tự, vaccine có báo cáo kết quả thẩm định của cơ quan quản lý dược chặt chẽ (SRA) hoặc cơ quan quản lý về dược được Bộ Y tế công nhận trên cơ sở phân loại của tổ chức WHO theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Dự thảo cũng đề xuất quy định thời hạn cấp mới, phê duyệt hồ sơ thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành không quá 10 ngày cấp giấy đăng ký lưu hành, trên cơ sở thừa nhận kết quả cấp phép của SRA đối với hồ sơ đăng ký lưu hành của thuốc mới có chỉ định sử dụng phòng, điều trị bệnh nhóm A đã công bố dịch theo quy định của pháp luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/bo-y-te-go-vuong-tinh-trang-thieu-thuoc-vat-tu-trang-thiet-bi-y-te-tai-cac-dia-phuong-17924102420182532.htm