Bố mẹ chủ quan với "cận thị giả", con có thể phải đeo kính cả đời!

06:30 - 24/03/2023

Cận thị là tật khúc xạ hay gặp nhất ở lứa tuổi đến trường và đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Cận thị là nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực. Đôi khi chỉ vì sự chủ quan không đáng có của bố mẹ mà trẻ vô tình bị cận thị và phải đeo kính cả đời.

Thấy con hay dụi mắt khi xem ti vi và nói nhức mỏi mắt, chị Bùi Thị Hương (nhân viên lễ tân, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội) đưa con đến một phòng khám mắt ở gần nhà để kiểm tra. 

Kết quả cho thấy bé Minh Phương - con gái chị bị cận thị 1,5 độ. Bé được yêu cầu cắt kính để đeo thường xuyên. Chị Minh Phương đồng ý làm theo yêu cầu trên. Tình cờ 2 tuần sau, đồng nghiệp rủ chị cùng đưa con đi khám bác sỹ chuyên khoa Mắt của Bệnh viện Mắt Trung Ương. Chị đưa con đi khám và vô cùng ngạc nhiên khi bé được bác sỹ kết luận là cận thị giả.

Biểu hiện của cận thị giả

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Cường – Khoa Mắt, Bệnh viện Quân y 103 (quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội) cho biết: Cận thị là một tật khúc xạ, khi tia sáng song song từ vô cực đến mắt sẽ hội tụ ở trước võng mạc trong trạng thái mắt không điều tiết. Nguyên nhân của cận thị là do mất cân đối giữa công suất khúc xạ và độ dài của trục nhãn cầu: giác mạc cong quá mức, thể thủy tinh phồng to hoặc trục nhãn cầu dài.

Cận thị do giác mạc cong quá mức là một yếu tố bẩm sinh, liên quan đến bệnh lý giác mạc hình chóp. 

Cận thị do trục nhãn cầu dài do gen di truyền. Đây cũng là một yếu tố bẩm sinh, tác động lên các sợi collagen ở củng mạc làm cho nhãn cầu bị phình to và càng ngày càng dài.

Cận thị do thể thủy tinh phồng to liên quan đến cơ chế điều tiết của mắt. Với người bình thường, khi nhìn xa mắt không phải điều tiết, thể thủy tinh ở trạng thái dẹt hoàn toàn. Khi muốn nhìn gần, mắt phải xảy ra hiện tượng điều tiết, làm thể thủy tinh phồng lên tăng độ dày trước sau.

Bố mẹ chủ quan với "cận thị giả", con có thể phải đeo kính cả đời! - Ảnh 1.

Cận thị giả không nhất thiết phải đeo kính mà có thể dùng thuốc để điều tiết, cho mắt trẻ được nghỉ ngơi để có thị lực tốt. Ảnh: laserforeyes.com

Với trẻ nhỏ, bố mẹ thường cho trẻ sử dụng điện thoại, máy tính bảng, xem ti vi hay đọc truyện tranh, học bài dưới ánh sáng yếu. Điều này khiến mắt trẻ thường xuyên phải nhìn gần, đồng nghĩa với việc mắt luôn luôn phải điều tiết, thể thủy tinh luôn ở trong trạng thái phồng to ra, gây ra các biểu hiện nháy mắt, day dụi mắt, đôi khi trẻ kêu đau nhức mắt. 

Ngược lại, khi trẻ muốn nhìn xa, từ khoảng cách nhìn gần mà nhìn xa ngay lập tức thì thể thủy tinh từ dạng phồng to chưa kịp trở lại trạng thái dẹt để có thể nhìn xa được gây ra biểu hiện nhìn mờ. Đây chính là các biểu hiện của cận thị giả hay co quắp điều tiết - Bác sĩ Nguyễn Văn Cường giải thích.

Hầu hết sai lầm đầu tiên của bố mẹ là cho trẻ thường xuyên nhìn gần. Sai lầm thứ hai là khi trẻ nháy mắt, day dụi mắt, kêu đau nhức mắt, bố mẹ không đưa trẻ đi khám bác sỹ chuyên khoa Mắt một cách bài bản mà thay vào đó - cho trẻ đến khám tại các phòng khám không uy tín, không đủ cơ sở vật chất mà vẫn tự đo kính.
Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Cường – Khoa Mắt, Bệnh viện Quân y 103

Bác sĩ Nguyễn Văn Cường cho biết thêm: Khi đo mắt tại thời điểm đó, các máy bên ngoài có rất nhiều loại không kiểm soát được chất lượng. Quy trình đo đơn giản là trẻ đến khám sẽ được đo luôn thì bản chất thể thủy tinh đang ở trạng thái phồng to, do bị điều tiết quá mức nên máy báo mắt trẻ bị cận thị. 

Điều này không phản ánh đúng tình trạng của mắt bé và đó là là hiện tượng cận thị giả.

Cận thị giả có thể giải quyết được bằng việc cho mắt trẻ được nghỉ ngơi, nhìn xa, hạn chế nhìn gần để mắt có thể trở về trạng thái bình thường. Tuy nhiên việc đo mắt với kết quả như vậy sẽ làm bé phải đeo kính ngay lập tức. Đây là sự sai lầm. 

"Kính đặt trên mắt không bị bệnh làm mắt trẻ phải tiếp tục điều chỉnh để chống lại cái kính một lần nữa. Bình thường mắt trẻ đã phải điều tiết để nhìn gần, giờ lại phải điều tiết với cả cái kính. Như vậy từ cận thị giả trẻ sẽ phải đeo kính cả đời", Bác sĩ Nguyễn Văn Cường nhấn mạnh.

Bố mẹ chủ quan với "cận thị giả", con có thể phải đeo kính cả đời! - Ảnh 4.

Để khắc phục tình trạng cận thị giả, bố mẹ cần tránh cho trẻ nhìn gần quá lâu, học trong môi trường thiếu ánh sáng. Ảnh: arizona.edu

Không để trẻ nhìn gần quá lâu

Để khắc phục tình trạng cận thị giả, bố mẹ cần tránh cho trẻ nhìn gần quá lâu, học trong môi trường thiếu ánh sáng, tăng cường cho trẻ hoạt động ngoài trời.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo trẻ cần có 90 phút chơi ngoài trời trong một ngày, nhìn xa 6m trong vòng 90 phút. Điều này tưởng là đơn giản nhưng lại khá khó với trẻ em thành phố bởi bố mẹ bận rộn và trẻ không có đủ thời gian để có thể nhìn xa đủ 90 phút.

Bên cạnh đó, bố mẹ cần tạo môi trường ánh sáng đầy đủ cho bé học tập và vui chơi. Khoảng cách học vừa phải, >40cm và nên cho trẻ đi khám mắt định kỳ tại các bệnh viện uy tín. Khi khám cần có sự tư vấn đầy đủ của bác sỹ chuyên khoa Mắt để có thể xác định đúng tình trạng cận thị của trẻ, đo kính theo đúng quy trình, loại bỏ cận thị giả - Bác sĩ Nguyễn Văn Cường cho biết thêm.

Những trẻ có tình trạng mắt phải điều tiết nặng, bác sỹ sẽ phải nhỏ thuốc kỹ càng, có thể phải cần đến 2 tuần mới có thể đo mắt chính xác cho trẻ. Bác sỹ cũng sẽ cho trẻ làm các xét nghiệm khác để loại trừ các bệnh do giác mạc. Đồng thời, xác định cận thị do nguyên nhân nào để loại bỏ cận thị giả bằng cách cho mắt trẻ nghỉ ngơi.

Cận thị giả không nhất thiết phải đeo kính mà có thể dùng thuốc để điều tiết, cho mắt trẻ được nghỉ ngơi để có thị lực tốt.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/bo-me-chu-quan-voi-can-thi-gia-con-co-the-phai-deo-kinh-ca-doi-179230323221244295.htm