Bộ Giao thông vận tải định hướng xây dựng đề án xã hội hóa đầu tư sân bay tại năm tỉnh thành
Ủy ban nhân dân các tỉnh Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Lâm Đồng đang xây dựng đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác các cảng hàng không.
Bộ Giao thông vận tải vừa có công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Lâm Đồng để định hướng hoàn thiện đề án xã hội hóa đầu tư sân bay, khai thác các cảng hàng không tại địa phương.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, kết quả làm việc của các Bộ, ngành liên quan, Bộ Giao thông vận tải đã tổng hợp các vướng mắc cần tháo gỡ về cơ sở pháp lý khi huy động nguồn vốn xã hội đầu tư, khai thác cảng hàng không đã được tổng hợp và đề xuất giải pháp chung tại đề án làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện.
Các tỉnh thành chủ động nghiên cứu phương án xã hội hóa đầu tư sân bay theo các hình thức PPP, BTO
Theo đó, trong quá trình các cấp có thẩm quyền xem xét đề án định hướng chung, Uỷ ban nhân dân các tỉnh có thể chủ động tiếp tục hoàn thiện đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác cảng hàng không tại địa phương trong đó tập trung nghiên cứu phương án, quy mô đầu tư theo tính chất, điều kiện phát triển và quy hoạch của từng cảng hàng không.
Cụ thể, đối với Cảng hàng không Thọ Xuân, Chu Lai, theo Bộ Giao thông vận tải, quy hoạch các cảng hàng không được cấp có thẩm quyền phê duyệt đã bố trí thêm đường cất hạ cánh thứ hai bên cạnh đường cất hạ cánh hiện hữu do Bộ Quốc phòng quản lý để bảo đảm hạn chế ảnh hưởng tới hoạt động bay của quân sự. Như vậy quy hoạch khu hàng không dân dụng và đường cất hạ cánh, đường lăn mới cơ bản tách biệt về đất đai và hoạt động với các công trình do Bộ Quốc phòng quản lý.
Công văn của Bộ Giao thông vận tải nêu rõ, "các địa phương có thể tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện đề án theo hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư theo phương thức PPP hoặc Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV (đơn vị khai thác cảng hàng không hiện hữu) thành lập doanh nghiệp cổ phần cảng hàng không mới đóng vai trò là nhà khai thác cảng hàng không, trong đó ACV nắm cổ phần chi phối”.
Đối với các công trình đường cất hạ cánh, đường lăn hiện hữu do Bộ Quốc phòng quản lý, nếu cần nâng cấp, cải tạo để bảo đảm hoạt động khai thác thì ưu tiên sử dụng nguồn vốn Nhà nước đầu tư cải tạo, nâng cấp. Trường hợp nguồn vốn nhà Nước không bảo đảm thì nghiên cứu, đầu tư kết hợp với khu hàng không dân dụng theo phương thức PPP, trong đó đầu tư đường cất hạ cánh, đường lăn theo loại hợp đồng BTO.
Đối với Cảng hàng không Nà Sản, Vinh, Liên Khương, Bộ Giao thông vận tải đề nghị các địa phương nghiên cứu hoàn thiện đề án theo hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư, khai thác toàn bộ các công trình của cảng hàng không theo phương thức PPP hoặc ACV thành lập doanh nghiệp cổ phần cảng hàng không mới đóng vai trò là nhà khai thác cảng hàng không, trong đó ACV nắm cổ phần chi phối.
Bộ Giao thông vận tải đang tổ chức lập quy hoạch các cảng hàng không bảo đảm phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ và làm cơ sở nghiên cứu, thực hiện đầu tư phát triển các cảng hàng không.
Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác lập, phê duyệt quy hoạch cảng hàng không tại địa phương cũng như hoàn thiện đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác cảng hàng không để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định