Bộ Giao thông Vận tải: Đảm bảo kế hoạch giải ngân của Chính phủ
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng yêu cầu đảm bảo tiến độ công tác giải ngân đồng thời các Ban quản lý dự án/chủ đầu tư phải chủ động, kiên quyết xử lý, thay thế các nhà thầu vi phạm hợp đồng.
Đảm bảo tiến độ công tác giải ngân
Chiều 1/2 tại cuộc họp về triển khai công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, năm nay, Bộ Giao thông Vận tải đăng ký số vốn 72.000 tỷ đồng, tuy nhiên Chính phủ giao thêm cho Bộ hơn 22.000 tỷ đồng nên phải giải ngân 94.000 tỷ đồng (cao gấp 1,7 lần năm ngoái và 2,2 lần năm 2021), tính bình quân mỗi tháng phải giải ngân 8.000 tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng, để giải ngân tối thiểu 90% kế hoạch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là nhiệm vụ rất khó khăn và thách thức, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải thực sự sốt ruột và lo lắng nếu tất cả các cơ quan đơn vị, cá nhân liên quan không thực sự nỗ lực, có giải pháp hiệu quả, cách làm và tư duy đột phá.
4 nguyên tắc để đảm bảo tiến độ công tác giải ngân
Thứ nhất, các dự án mới phải phấn đấu khởi công càng sớm càng tốt. Thứ hai, công tác giải phóng mặt bằng phải càng nhanh càng tốt. Thứ ba, việc thi công phải nhanh nhất, nhiều nhất có thể. Cuối cùng là các dự án giao thông trọng điểm như cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 với quy mô gói thầu lớn nên phải thực hiện theo phương châm "vừa chạy, vừa xếp hàng." Triển khai song song nhiều việc nhưng tất cả các nguyên tắc phải thực hiện tuân thủ quy định của pháp luật.
Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị được giao vốn đầu tư công, phải quyết tâm, tập trung tổ chức thực hiện. Những dự án đang triển khai thì tập trung thi công, quyết toán, nghiệm thu. Dự án chuẩn bị đầu tư thì phải tập trung để hoàn thiện thủ tục theo quy định để khởi công.
Kiên quyết xử lý, thay thế nhà thầu vi phạm
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu rõ quan điểm, "Không để tình trạng nhà thầu cứ chậm, vi phạm nhưng lại không có hành động cụ thể. Nhà thầu nào không đáp ứng được tiến độ thì không được phép tham gia thêm bất cứ công trình nào của Bộ Giao thông Vận tải".
Ông cũng yêu cầu các Ban quản lý dự án vừa là chủ đầu tư phải chủ động, kiên quyết xử lý, thay thế nhà thầu vi phạm hợp đồng theo quy định cũng như hợp đồng đã ký kết. Trách nhiệm cao nhất của Ban quản lý dự án/chủ đầu tư nếu không làm được thì cấp lãnh đạo phải chịu trách nhiệm cao nhất trước lãnh đạo bộ. Chủ đầu tư nghiên cứu để có phương thức quản lý mới hơn, hiệu quả hơn, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, kiểm soát các dự án, đảm bảo thi công nhanh nhất, nhiều nhất, chất lượng nhất, an toàn nhất có thể.
Cho rằng tất cả những khó khăn, vướng mắc của Ban quản lý dự án không nhất thiết phải chờ họp mà phải báo cáo ngay, Bộ trưởng khẳng định tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực đồng thời chăm lo đời sống cho công nhân, đảm bảo an toàn lao động.
Theo thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải, ngay từ đầu năm, Bộ đã ban hành ngay Chỉ thị đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công và đã kịp thời giao chi tiết đợt 1 cho các dự án đầy đủ thủ tục với tổng số 94.135/94.161 tỷ đồng (đạt 99,97%), gồm 4.958/4.958 tỷ đồng vốn nước ngoài (100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao) và 89.177/89.203 tỷ đồng vốn trong nước (99,97% Kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao).
Số liệu thống kê tới ngày 30/1/2023, số tiền giải ngân kế hoạch năm 2022 là 52.973/55.050,633 tỷ đồng, đạt 96,23% kế hoạch đầu tư năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao và giải ngân kế hoạch năm 2023 được khoảng 1.700/94.161 tỷ đồng, đạt 1,81%.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/bo-giao-thong-van-tai-dam-bao-ke-hoach-giai-ngan-cua-chinh-phu-179230202100234576.htm