Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định 10 nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2023-2024

21:23 - 21/07/2023

Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục xác định 10 nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, nhiệm vụ đầu tiên là tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục đào tạo theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh, tinh gọn, hiệu quả và bảo đảm vai trò kiến tạo.

Chiều ngày 21/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo năm 2023. Tại hội nghị, Chánh Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Quang Nam đã thông tin về phương hướng, nhiệm vụ trong năm học 2023-2024.

Theo đó, năm học 2023-2024, toàn ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Để triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu năm học 2023-2024, toàn ngành Giáo dục tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý. Tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục đào tạo theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm vai trò kiến tạo để phát triển giáo dục. 

Nghiên cứu, cụ thể hóa các chủ trương, định hướng phát triển giáo dục và đào tạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ để ban hành các kế hoạch nhiệm vụ, đề án, chương trình.

Thứ hai, thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024; trình cấp có thẩm quyền ban hành phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định 10 nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2023-2024 - Ảnh 1.

Tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 là nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2023-2024. Ảnh: Duy Anh

Thứ ba, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Trong đó, các địa phương cần rà soát số lượng chỉ tiêu biên chế và giáo viên hiện có để phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Trung ương bổ sung biên chế ngành giáo dục năm học 2023-2024 trong tổng số biên chế giáo viên được bổ sung đến năm 2026 theo Quyết định số 72-QĐ/TW.

Xây dựng, rà soát, hoàn thiện Đề án phát triển đội ngũ giáo viên với tầm nhìn dài hạn, làm căn cứ cho việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng giáo viên; nghiên cứu xây dựng chính sách thu hút, tạo nguồn tuyển dụng giáo viên và hỗ trợ, tạo điều kiện để giáo viên yên tâm công tác.

Tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ…

Thứ tư, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục đào tạo trong đó, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tiếp tục thực hiện lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đặc biệt tại các cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi. 

Ưu tiên củng cố, phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú và các trường phổ thông có học sinh bán trú, trường dự bị đại học.

Thứ năm, tăng cường công tác chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động để tạo sự đoàn kết, thống nhất trong toàn ngành; xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp thực sự gương mẫu, là tấm gương cho học sinh, sinh viên noi theo.

Đẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh, sinh viên; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các cơ sở giáo dục đào tạo…; Nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng, an ninh…

Thứ sáu, ngành Giáo dục cần chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh. Triển khai hiệu quả công tác giáo dục thể chất và y tế trường học, bảo đảm an toàn trường học, phòng chống dịch bệnh và tai nạn thương tích. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về sức khỏe học đường.

Tổ chức, triển khai hiệu quả các chương trình nâng cao chất lượng sức khỏe, thể chất cho học sinh tại các cơ sở giáo dục.

Thứ bảy, tăng cường hội nhập quốc tế, chủ động mở rộng hợp tác song phương, đa phương; hợp tác và đầu tư với nước ngoài; đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục trong nước, khuyến khích kiểm định chất lượng của các tổ chức kiểm định quốc tế có uy tín được công nhận hoạt động ở Việt Nam. 

Tích cực tham gia các chương trình đánh giá chất lượng giáo dục quốc tế đối với giáo dục phổ thông (PASEC, PISA...).

Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý đối với các cơ sở giáo dục có giảng dạy chương trình nước ngoài tại Việt Nam để đảm bảo chất lượng tạo điều kiện để lưu học sinh có thể hoàn thành chương trình đào tạo.

Thứ tám, ngành Giáo dục tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành. Trong đó, tăng cường các điều kiện đảm bảo và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy - học trực tuyến, công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. 

Tăng cường thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến và bộ phận một cửa, một cửa liên thông; xây dựng hạ tầng học tập quốc gia, kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu toàn ngành.

Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030" và Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025".

Thứ chín, trong năm học 2023-2024, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo tiếp tục được tăng cường nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm. 

Chú trọng thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục của ủy ban nhân dân các cấp; kiểm tra các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài; kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm; kiểm tra, đánh giá hiệu quả đầu tư, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại các cơ sở giáo dục.

Thứ mười, đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành; tăng cường công tác truyền thông giáo dục bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Chủ động phát hiện, biểu dương và nhân rộng các tấm gương người tốt, việc tốt trong toàn ngành.

Chủ động thông tin, truyền thông về các chủ trương, chính sách mới về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo; tăng cường phối hợp, xử lý hiệu quả các vấn đề về truyền thông, nhất là các vấn đề xã hội quan tâm, bức xúc để xã hội, nhân dân hiểu, chia sẻ, ủng hộ và đóng góp nhiều hơn cho ngành.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/bo-giao-duc-va-dao-tao-xac-dinh-10-nhiem-vu-trong-tam-trong-nam-hoc-2023-2024-179230721192053857.htm