Bộ Giáo dục và Đào tạo: Tiếp tục kiến nghị về chế độ ưu đãi với nhà giáo

11:07 - 08/12/2023

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục có kiến nghị về chế độ ưu đãi với nhà giáo; kiến nghị tiền lương nhà giáo được ưu tiên xếp trong thang, bảng lương cao nhất hệ thống hành chính sự nghiệp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo: Tiếp tục kiến nghị về chế độ ưu đãi với nhà giáo- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tại buổi tiếp xúc cử tri báo cáo kết quả kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV diễn ra chiều 6/12. Ảnh: VGP

Triển khai nhiều chính sách thu hút học sinh học ngành sư phạm

Theo VGP, tại buổi tiếp xúc cử tri báo cáo kết quả kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV diễn ra chiều 6/12, các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 6, thành phố Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết: Ngành Giáo dục đã và đang triển khai nhiều chính sách thu hút học sinh vào học tại các cơ sở đào tạo giáo viên; trong đó có Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

Sau 3 năm triển khai Nghị định 116, số sinh viên chọn học sư phạm tăng rõ rệt. Với một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện cơ chế đặt hàng, Bộ trưởng cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Chính phủ sửa đổi Nghị định 116 để tháo gỡ.

Tiếp tục kiến nghị về chế độ ưu đãi với nhà giáo

Về chế độ tiền lương, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, hiện nay các giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đã có phụ cấp ưu đãi. Mức phụ cấp ưu đãi cao nhất là 70% lương cơ bản.

Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề với giáo viên công tác tại vùng khó như điều kiện sinh hoạt, thiếu nước sạch, nhà công vụ, khó khăn về điều kiện dạy học…

Tuy vậy, tuyệt đại đa số thầy cô tâm huyết với nghề nghiệp, bám trường, bám lớp, thuyết phục học sinh đến trường, thực hiện trách nhiệm giáo dục của nhà giáo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục có kiến nghị về chế độ ưu đãi với nhà giáo; kiến nghị tiền lương nhà giáo được ưu tiên xếp trong thang, bảng lương cao nhất hệ thống hành chính sự nghiệp.
Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ

Ngoài ra, nói về việc tuyên truyền, thu hút học sinh vào học các ngành công nghệ kỹ thuật, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thông tin: Bộ Giáo dục và Đào tạo coi đây là hướng ưu tiên trong định hướng chỉ đạo.

Thời gian qua, các trường đại học đã có nhiều chính sách, dành nhiều học bổng thu hút học sinh vào học các ngành công nghệ, kỹ thuật. Chính phủ cũng đang có kế hoạch triển khai đào tạo nhân lực ngành công nghệ bán dẫn, vi mạch và các ngành công nghệ cao khác.

Ưu tiên lương nhà giáo xếp thang bảng lương cao nhất trong hệ thống hành chính sự nghiệp

Trước đó, trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, ngày 7/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong việc thực hiện các chính sách cải cách tiền lương tới đây, quan điểm của Đảng về lương nhà giáo được ưu tiên xếp thang bảng lương cao nhất trong hệ thống hành chính sự nghiệp tới đây là rất nhất quán. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo: Tiếp tục kiến nghị về chế độ ưu đãi với nhà giáo- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Trước mắt cần nhìn một cách tổng thể, tổng thu nhập của nhà giáo hiện nay gồm có lương và tiền lương theo các bậc chức danh nghề nghiệp, các loại phụ cấp lương, tuy nhiên do tính chất đặc thù nên vẫn còn thấp.

Do vậy, trong thời gian tới đây, khi thực hiện các chính sách tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ căn cứ theo Nghị quyết 27, đặc biệt là quán triệt tinh thần Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương, đó là lương nhà giáo được ưu tiên xét theo thang, bảng lương cao nhất trong hệ thống hành chính sự nghiệp và điều này là nhất quán. 

Theo đó, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát lại các quy định về tiền lương, nhất là tiền lương mới và các phụ cấp về dự kiến phụ cấp ưu đãi nghề cao nhất đối với nhà giáo để trình cấp có thẩm quyền xem xét và quyết định.

Đến năm 2045, ngành giáo dục cần bổ sung khoảng 500.000 người

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2024-2029, mặc dù tỉ suất tăng dân số giảm bình quân mỗi năm dân số vẫn tăng 603 nghìn người, tiếp tục đặt ra những yêu cầu về đội ngũ giáo viên đủ và được phân bổ hợp lý.

Bộ Giáo dục và Đào tạo: Tiếp tục kiến nghị về chế độ ưu đãi với nhà giáo- Ảnh 3.

Mỗi năm ngành Giáo dục cần bổ sung khoảng 16.000 giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên ở bậc học mầm non.

Trong khi đó, hiện nay vẫn còn thiếu hơn 100 nghìn giáo viên các cấp học trên toàn quốc để đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất lượng giáo dục, đảm bảo tỉ lệ giáo viên trên lớp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo: Tiếp tục kiến nghị về chế độ ưu đãi với nhà giáo- Ảnh 4.

Hiện nay vẫn còn thiếu hơn 100 nghìn giáo viên trên toàn quốc.

Trên cơ sở dự báo dân số đến 2045 của Tổng cục Thống kê, căn cứ định mức học sinh trên lớp và giáo viên trên lớp hiện đang quy định thì nhu cầu đào tạo giáo viên của cả nước theo từng cấp học và từng vùng đến năm 2030 và 2045 được mô tả chi tiết ở bảng số liệu dưới đây:

Bộ Giáo dục và Đào tạo: Tiếp tục kiến nghị về chế độ ưu đãi với nhà giáo- Ảnh 5.

Đến năm 2045, cần bổ sung đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên các cấp học từ mầm non đến phổ thông khoảng 500.000 người.

Bảng trên cho thấy, tổng số nhu cầu cần bổ sung cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên các cấp học từ mầm non đến phổ thông đến năm 2045 là khoảng 500.000 người.

Như vậy, mỗi năm ngành Giáo dục cần bổ sung khoảng 43.000 giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên các cấp; trong đó bậc học mầm non cần bổ sung khoảng 16.000 người, bậc tiểu học cần khoảng 7.000 người, bậc trung học cơ sở cần khoảng 7.000 và bậc trung học phổ thông cần khoảng 12.000 người.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/bo-giao-duc-va-dao-tao-tiep-tuc-kien-nghi-ve-che-do-uu-dai-voi-nha-giao-179231208103010429.htm