Bộ Giáo dục và Đào tạo phải thể hiện vai trò quản lý khi "bùng nổ" các kỳ thi riêng
Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải thể hiện vai trò quản lý đối với kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy cũng như công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học.
Có thể nói năm 2023 là năm "bùng nổ" của các kỳ thi riêng khi nhiều trường đại học lớn đồng loạt tổ chức thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để chọn được những sinh viên phù hợp nhất.
Bên cạnh sức nóng của những kỳ thi này, dư luận cũng đặt ra nhiều lo ngại về tính khách quan, công bằng và minh bạch trong khâu ra đề, tổ chức thi..., liệu thí sinh tham dự kỳ thi riêng sẽ thêm cơ hội hay càng thêm rối?
Tự chủ tuyển sinh nhưng không thể "trăm hoa đua nở"
Trao đổi với Tạp chí Công dân và Khuyến học về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, hiện nay các trường đại học được tự chủ trong công tác tuyển sinh nên việc bổ sung thêm nhiều phương thức xét tuyển mới, trong đó mở rộng ưu tiên xét tuyển thí sinh thông qua kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, kỳ thi tư duy là quyền của các trường và điều này cũng không trái luật.
"Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14), các trường đại học được quyền tự chủ trong học thuật, trong hoạt động chuyên môn bao gồm ban hành, tổ chức thực hiện tiêu chuẩn, chính sách chất lượng, mở ngành, tuyển sinh, đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hợp tác trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật", Tiến sĩ Lê Viết Khuyến thông tin.
Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học nhận định, kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy cũng là một trong những xu hướng ra đề thi hiện nay. Tuy nhiên, những trường tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh cần đảm bảo đủ năng lực, tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”.
“Không phải trường nào cũng đủ khả năng xây dựng ngân hàng đề, tổ chức kỳ thi riêng. Và để tổ chức kỳ thi này có hiệu quả, rất cần những những người cố vấn là chuyên gia nắm vững lý thuyết đo lường đánh giá trong giáo dục”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nói.
Đặt quyền lợi của thí sinh lên hàng đầu
Chia sẻ về việc có cần thiết tổ chức một kỳ thi tuyển sinh riêng cho khối ngành sức khỏe, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nêu quan điểm, các trường khối ngành y chỉ nên tổ chức một kỳ thi phụ (không phải kỳ thi riêng) đối với một số ngành “hot” như Y đa khoa, Răng - Hàm - Mặt sau khi đã sơ tuyển dựa vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Nếu mỗi trường có một kỳ thi đánh giá năng lực riêng, học sinh muốn thi 3 trường sẽ phải tham gia 3 đợt thi, rất mất thời gian, công sức và tiền bạc, chưa kể các em vẫn phải hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vì đó là điều bắt buộc.
Điều này đi ngược với tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013: "Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học".
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nhấn mạnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải thể hiện vai trò quản lý đối với kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy cũng như công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học.
Về phía các trường, nếu muốn tổ chức kỳ thi riêng thì phải có đề án, phải chứng minh được năng lực tổ chức kỳ thi đảm bảo tính công bằng, hiệu quả và được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
Bên cạnh đó, các trường cần xem xét đến quyền lợi của thí sinh, làm sao đánh giá chính xác năng lực thí sinh nhưng phải giảm phiền hà cho các em.
Tính đến thời điểm hiện tại, có gần 10 cơ sở giáo dục đại học thông báo tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, kỳ thi riêng để tuyển sinh gồm: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường đại học Sư phạm Hà Nội, Trường đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Cửu Long, kỳ thi riêng của ngành Công an...
Theo thông báo mới nhất của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, gần 90 trường đại học, cao đẳng sẽ sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực 2023 của đơn vị này để xét tuyển đầu vào đại học.
Trung tâm khảo thí của Đại học Quốc gia Hà Nội thông tin, hiện có khoảng 71 trường đại học sử dụng kết quả điểm bài thi đánh giá năng lực trung học phổ thông (HSA). Trong đó có các trường thuộc các lĩnh vực khác nhau như Sư phạm, Kinh tế, Công nghệ, Kiến trúc, Y tế.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/bo-giao-duc-va-dao-tao-phai-the-hien-vai-tro-quan-ly-khi-bung-no-cac-ky-thi-rieng-179221231121402507.htm