Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2024
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành hướng dẫn thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024. Hoạt động thanh tra, kiểm tra góp phần giúp kỳ thi diễn ra an toàn, đúng quy chế; phòng ngừa, phát hiện những hạn chế, bất cập để kịp thời xử lý.
Theo hướng dẫn, đoàn thanh tra, kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện thanh tra, kiểm tra việc ban hành văn bản, công tác chỉ đạo, tổ chức kỳ thi của Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng thi, Điểm thi và công tác tổ chức thanh tra, kiểm tra thi của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Đoàn thanh tra, kiểm tra của Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức thi của Hội đồng thi, các Ban của Hội đồng thi và Điểm thi.
Đối với công tác chuẩn bị thi, việc thanh tra, kiểm tra sẽ chú ý các nội dung: Thẩm quyền ban hành quyết định thành lập Hội đồng thi, các ban của Hội đồng thi và các văn bản khác có liên quan; Tiêu chuẩn, điều kiện đối với những người tham gia tổ chức Kỳ thi; Nội dung văn bản, hướng dẫn, chỉ đạo.
Cùng với đó, thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, phương tiện thông tin, liên lạc tại địa điểm in sao đề thi, Hội đồng thi và Điểm thi; phương án vận chuyển đề thi, bài thi; phương án bố trí các phòng tại Điểm thi; việc thực hiện quy định về đăng ký dự thi, đối tượng dự thi, xếp phòng thi…
Đối với công tác coi thi, các đoàn thanh tra, kiểm tra việc thành lập, điều kiện, tiêu chuẩn, thành phần của Ban coi thi, Ban thư ký và các ban có liên quan; phương án xử lý tình huống bất thường; bảo đảm an ninh, an toàn tại Điểm thi; việc bố trí, sử dụng thiết bị, cơ sở vật chất tại Điểm thi; thực hiện quy trình tổ chức coi thi; việc bảo quản đề thi, bài thi tại Điểm thi; vận chuyển và bàn giao bài thi…
Việc thanh tra, kiểm tra công tác chấm bài thi tự luận sẽ chú ý đến khu vực chấm thi, khu vực làm phách, khu vực bảo quản bài thi; việc thực hiện quy trình làm phách bài thi tự luận; bảo đảm an ninh, an toàn tại khu vực làm phách, khu vực chấm thi, khu vực bảo quản bài thi tự luận.
Bên cạnh đó, thanh tra, kiểm tra việc bố trí, sử dụng thiết bị, cơ sở vật chất tại khu vực làm phách, các khu vực chấm thi; quy trình giao nhận bài thi, quy trình chấm thi, thống nhất điểm, chấm kiểm tra; ghép phách, nhập điểm bài thi tự luận; xử lý tình huống bất thường (nếu có).
Đối với công tác chấm bài thi trắc nghiệm, chú ý việc thực hiện quy trình chấm thi của Trưởng ban chấm thi, Tổ trưởng và các thành viên làm nhiệm vụ chấm thi; việc xử lý kết quả chấm thi; thực hiện quy trình về xử lý bài thi trắc nghiệm, chấm điểm; nhập điểm bài thi trắc nghiệm; xử lý tình huống bất thường (nếu có).
Đối với công tác xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, việc thanh tra, kiểm tra sẽ chú ý đến đối tượng miễn thi, đặc cách tốt nghiệp; đối tượng bảo lưu điểm thi; việc cộng điểm ưu tiên, điểm khuyến khích; quy trình tổng hợp và duyệt công nhận tốt nghiệp.
Hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nêu rõ quy trình, hồ sơ đoàn thanh tra, kiểm tra; trách nhiệm của người ra quyết định thanh tra, kiểm tra và người tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra, cùng các đối tượng có liên quan; điều kiện, tiêu chuẩn của người tham gia thanh tra, kiểm tra; những người không được tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra; phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra; công tác tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Các đoàn thanh tra, kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp cung cấp thông tin, xử lý thông tin, phản ánh tiêu cực trong quá trình tổ chức, thanh tra, kiểm tra thi. Khi phát hiện vi phạm, thành viên đoàn thanh tra, kiểm tra lập Biên bản ghi nhớ và kiến nghị xử lý theo thẩm quyền.
Hoạt động thanh tra, kiểm tra góp phần giúp kỳ thi diễn ra an toàn, đúng quy chế; phòng ngừa, phát hiện những hạn chế, bất cập để xử lý hoặc kiến nghị xử lý vi phạm (nếu có); kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện các quy định về kỳ thi trong những năm tiếp theo.