Bộ Giáo dục Mỹ mở cuộc điều tra về chính sách tuyển sinh của Đại học Harvard
Bộ Giáo dục Mỹ mới đây đã mở cuộc điều tra về chính sách tuyển sinh "'kế thừa" (tức ưu tiên những sinh viên có liên quan đến trường) của Đại học Harvard đang bị kiện bởi nhóm Luật sư Dân quyền.
Bộ Giáo Dục Mỹ mới đây đã mở một cuộc điều tra về chính sách tuyển sinh của Đại Học Harvard. Cụ thể, Đại học Harvard đã tuyển sinh "kế thừa" (tức là tạo lợi thế cho những sinh viên có liên quan đến trường).
Theo đó, Đại học Harvard đã có chế độ đãi ngộ đặc biệt, ưu tiên tuyển sinh đối với những người có cha mẹ là cựu sinh viên hoặc có người thân quyên góp tiền cho trường này.
Đại học Harvard bị kiện vì tuyển sinh theo kiểu "kế thừa"
Trước đó vào ngày 3/7, nhóm Luật sư Dân quyền - một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Boston, Mỹ đã trình đơn khiếu nại lên Bộ Giáo dục Mỹ, cáo buộc thông lệ tuyển sinh của Đại học Harvard đã gây bất bình đẳng giữa các sinh viên.
Trong đơn khiếu nại, nhóm luật sư cáo buộc hệ thống tuyển sinh của Đại học Harvard đã vi phạm Đạo luật Dân quyền. Theo đó, những ứng viên liên quan đến yếu tố "kế thừa" và quyên góp tài chính được tuyển vào Đại học Harvard là người da trắng.
Cụ thể, những sinh viên có quan hệ gia đình với các nhà tài trợ hoặc cựu sinh viên của Đại học Harvard sẽ có khả năng được nhận vào trường cao hơn gấp bảy lần so với các sinh viên khác, chiếm 1/3 tổng số sinh viên trong một lớp học. Đồng thời, khoảng 70% sinh viên này là người da trắng.
Đối với khoá 2019, khoảng 28% sinh viên của Đại học Harvard được nhận theo diện chính sách "kế thừa". Tức là những sinh viên này có cha mẹ hoặc người thân khác đã từng học tại Đại học Harvard.
Bên cạnh đó, trong đơn khiếu nại cũng cho rằng sẽ có ít suất nhập học hơn dành cho những ứng viên không phải da trắng, tức những người ít có khả năng có quan hệ gia đình với Đại học Harvard.
Cần loại bỏ chính sách tuyển sinh "kế thừa" của Đại học Harvard
Đối với vấn đề này, Toà án Tối cao Mỹ trước đó đã phán quyết rằng, các chính sách tuyển sinh có sự ưu đãi đối với những sinh viên có liên quan đến trường đã hạn chế sự đa dạng hoá của trường học và là hành vi vi hiến. Đồng thời, Toà án Tối cao Mỹ cũng bãi bỏ các chính sách tuyển sinh có ý thức về chủng tộc.
Người phát ngôn đại diện của Đại học Harvard cho biết: "Kể từ khi Toà án Tối cao ra phán quyết, Đại học Harvard đã xem xét các chính sách tuyển sinh của trường để bảo đảm tuân thủ pháp luật. Đồng thời, Đại học Harvard vẫn luôn mở rộng những cánh cửa cơ hội và chào đón tất cả mọi sinh viên". Ngoài ra, phía Đại học Harvard chưa bình luận gì về vụ kiện.
Tuần trước, Đại học Wesleyan ở tiểu bang Connecticut, Mỹ đã tuyên bố sẽ chấm dứt chính sách ưu đãi nhập học cho những sinh viên mà có người thân có quan hệ với trường.
Theo ông Michael Roth - Chủ tịch của Đại học Wesleya, chính sách tuyển sinh
"kế thừa" đã được duy trì từ lâu tại Đại học Wesleya. Tuy nhiên, kể từ bây giờ trường sẽ loại bỏ hoàn toàn chính sách này.
Trong những năm gần đây, một số trường như: Cao đẳng Amherst ở Massachusetts, Đại học Carnegie Melon ở Pennsylvania và Đại học Johns Hopkins ở Maryland cũng đã loại bỏ việc tuyển sinh theo chính sách cũ.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/bo-giao-duc-my-mo-cuoc-dieu-tra-ve-chinh-sach-tuyen-sinh-cua-dai-hoc-harvard-179230726093114507.htm