Bộ GD&ĐT kiến nghị khẩn về thủ tục xét tạm hoãn nghĩa vụ quân sự cho thí sinh năm 2022
Bộ GD&ĐT đề nghị Bộ Quốc phòng chỉ đạo các địa phương không bắt buộc phải nộp giấy chứng nhận học sinh, sinh viên để xem xét hoãn nghĩa vụ quân sự năm 2023.
Bộ GD&ĐT vừa có công văn khẩn gửi Bộ Quốc phòng về việc đăng ký nghĩa vụ quân sự của nam công dân là thí sinh đang tham gia xét tuyển Đại học - Cao đẳng năm 2022.
Bộ cho biết, theo kế hoạch triển khai công tác tuyển sinh Đại học; tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022, Bộ và các trường Đại học đang phối hợp lọc ảo nguyện vọng xét tuyển của thí sinh, bắt đầu từ ngày 10/9 đến trước 17 giờ ngày 17/9 mới có kết quả chính thức. Từ ngày 18/9 đến trước 17 giờ ngày 30/9, thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học trên hệ thống.
Tuy nhiên, qua ý kiến thắc mắc của nhiều thí sinh, thời điểm này, nhiều địa phương đã yêu cầu thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ (từ 18 tuổi trở lên) phải nộp giấy chứng nhận học sinh, sinh viên để xem xét giải quyết tạm hoãn nghĩa vụ quân sự năm 2023.
Như vậy, Bộ GD&ĐT cho rằng để các cơ sở đào tạo có thể cấp được giấy chứng nhận là sinh viên thì thí sinh phải thực hiện các thủ tục nhập học tại cơ sở đào tạo và việc này không thể thực hiện trước ngày 18/9 (thí sinh chưa phải là sinh viên).
Do đó, theo công văn này, Bộ GD&ĐT đề nghị Bộ Quốc phòng chỉ đạo các địa phương khi thí sinh đến làm thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự trước ngày 15/10 không bắt buộc phải nộp giấy chứng nhận học sinh, sinh viên để xem xét giải quyết tạm hoãn nghĩa vụ quân sự năm 2023.
Được biết, năm nay có khoảng hơn 620.000 thí sinh tham gia xét tuyển Đại học trong tổng số hơn 900.000 thí sinh trên cả nước, giảm khoảng 20% so với năm trước. Theo kế hoạch, trước 17 giờ ngày 17/9, các cơ sở đào tạo sẽ công bố kết quả trúng tuyển. Những đơn vị thiếu chỉ tiêu sẽ bắt đầu tuyển sinh từ đầu tháng 10 tới.