Bộ ảnh tư liệu quý về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử
Chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra từ ngày 26-30/4/1975 là chiến dịch quyết chiến - quyết thắng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Kết thúc chiến dịch thắng lợi mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử giải phóng dân tộc Việt Nam.
Quân Giải phóng chiếm Bộ Quốc phòng nguỵ quân Sài Gòn, Tổng thống Dương Văn Minh đọc lời đầu hàng, cảm ơn cách mạng, đánh dấu kết thúc chiến tranh Việt Nam trưa ngày 30/4/1975.
Toàn bộ Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử
Cuối tháng 3/1975, quân Giải phóng liên tiếp giành thắng lợi to lớn trong các Chiến dịch Tây Nguyên (4-24/3/1975), Huế - Đà Nẵng (5-29/3/1975) khiến quân địch bị tổn thất nặng về cả quân số lẫn vật chất, giảm sút nghiêm trọng về tinh thần chiến đấu.
Trong khi đó, các đơn vị bộ đội chủ lực của ta đã tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm, thu được thêm nhiều vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật của địch, sức mạnh chiến đấu của các quân đoàn chủ lực của ta tăng lên.
Cùng với đó, lực lượng vũ trang địa phương của ta cũng phát triển về cả số lượng và chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.
Ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị họp và đưa ra nhận định: "Về chiến lược, về lực lượng quân sự, chính trị, ta đã có sức mạnh áp đảo, địch đang đứng trước nguy cơ sụp đổ và diệt vong... thời cơ để mở tổng tiến công và nổi dậy tại Sài Gòn - Gia Định đã chín muồi."
Bộ Chính trị quyết định: "Chúng ta phải nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay, không để chậm. Phải hành động "thần tốc, táo bạo, bất ngờ".
Thực hiện chủ trương của Đảng, ngày 7/4/1975, Đại tướng Tổng Tư lệnh, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp gửi điện lệnh cho các đơn vị: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng."
Quyết tâm chiến lược, tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo của Đảng, của Quân ủy Trung ương được quán triệt đến toàn quân, toàn dân. Cả nước sôi nổi không khí ra trận.
Các quân đoàn binh chủng hợp thành cùng nhiều đơn vị công binh, pháo binh, phòng không, xe tăng, đặc công ào ạt tiến quân về chiến trường trọng điểm; vừa đi, vừa đánh địch, vừa mở đường, bắc cầu.
Ngày 6/4/1975, Bộ Tư lệnh chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định được thành lập gồm các đồng chí: Văn Tiến Dũng, Tư lệnh; Phạm Hùng, Chính ủy kiêm Bí thư Đảng ủy; Trần Văn Trà, Phó tư lệnh Thứ nhất kiêm Tham mưu trưởng; Lê Đức Anh, Phó tư lệnh (ngày 22/4 bổ sung đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó tư lệnh, đồng chí Lê Quang Hòa, Phó chính ủy).
Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thông qua lần cuối kế hoạch Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định.
Kế hoạch xác định cuộc tiến công sẽ diễn ra đồng thời trên 5 hướng: Tây-Bắc, Đông-Bắc, Đông, Đông-Nam, Tây và Tây-Nam; thực hiện đánh nhanh, đánh dứt điểm, tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn quân địch, bảo vệ dân, bảo vệ các cơ sở kinh tế, văn hóa trong thành phố.
Bộ Chính trị chỉ rõ: "Ta có đầy đủ điều kiện và khả năng để giành toàn thắng trong thời gian ngắn với nhịp độ nhanh."
Cùng ngày 14/4/975, thể theo nguyện vọng của nhân dân và các lực lượng vũ trang trên chiến trường, trong đó có quân và dân thành phố Sài Gòn - Gia Định, Bộ Chính trị phê chuẩn đề nghị của Bộ tư lệnh Chiến dịch đặt tên Chiến dịch tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định là Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Tin chiến dịch được mang tên Bác Hồ đến với toàn dân, toàn quân đã tạo nên sức mạnh mới, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần quân dân ta.
Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng
Đúng 17 giờ ngày 26/4/1975, quân ta nổ súng bắt đầu tiến công lớn vào Sài Gòn, mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Từ 5 hướng Tây-Bắc, Đông-Bắc, Đông, Đông-Nam, Tây và Tây-Nam, các binh đoàn thọc sâu có xe tăng dẫn đầu, đập tan các khu vực phòng thủ vòng ngoài của địch, tiếp cận Sài Gòn.
Địch bị rối loạn hoàn toàn về chiến lược. Từ chiều 28/4, các cánh quân ngụy không còn nhận được lệnh từ Tổng hành dinh và các tướng chỉ huy nữa vì họ đã tháo chạy ra nước ngoài.
Đêm 28/4/1975, Bộ Tư lệnh chiến dịch ra lệnh cho các cánh quân của ta ở 5 hướng tiến công đồng loạt vào Sài Gòn, đồng thời chỉ thị cho các Quân khu 8 và 9 ở đồng bằng Nam Bộ phối hợp tiến công giải phóng đồng bằng Nam Bộ.
5 giờ sáng ngày 29/4/1975, các cánh quân của ta cùng đánh vào các căn cứ phòng ngự của địch để tiến vào nội thành Sài Gòn.
Những khẩu hiệu động viên ngắn gọn và thiết thực như: "chậm trễ là có tội với lịch sử," "thời cơ là mệnh lệnh" của Bộ Chính trị được nêu lên.
Tất cả các đơn vị bừng bừng khí thế tiến công, quyết đánh chiếm các mục tiêu được phân công.
Sau hơn 3 ngày đêm chiến đấu quyết liệt, quân đội ta đã đánh chiếm được nhiều căn cứ, vị trí, đập tan tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, tiêu diệt và làm tan rã phần lớn các sư đoàn 5, 25, 22, 18, 7 của quân địch.Trong suốt trường kỳ kháng chiến, sức mạnh của lòng yêu nước, của đoàn kết thống nhất dân tộc và sức mạnh của chiến tranh nhân dân không ngừng được nhân lên khiến quân và dân ta càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng.
Lúc này, cả nước hướng về Sài Gòn - Gia Định. Toàn bộ lực lượng tiến công Sài Gòn đã sẵn sàng. Cán bộ, chiến sĩ sục sôi khí thế quyết thắng. Trên mũ, trên tay áo, trên báng súng, trên nòng pháo, trên thành xe đều ghi lời của Bác Hồ kính yêu: "Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta."
Sáng sớm ngày 30/4/1975, từ khắp các hướng, quân đội ta ào ạt tiến vào Sài Gòn. Quân ta nhanh chóng chiếm được Bộ tư lệnh không quân và Bộ tư lệnh sư đoàn dù của địch làm chủ sân bay Tân Sơn Nhất.
10 giờ 45 phút cùng ngày, ta tiến đánh vào Dinh Độc Lập, bắt sống toàn bộ chính quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện.
11 giờ 30 phút, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc phủ Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng!
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/bo-anh-tu-lieu-quy-ve-chien-dich-ho-chi-minh-lich-su-17924043011475706.htm