Bị sốt xuất huyết, khi nào thì cần nhập viện?
Sốt xuất huyết là một trong những căn bệnh nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng, có thể dẫn đến tử vong. Nếu bạn và người thân mắc sốt xuất huyết và xuất hiện những triệu chứng tăng nặng, đừng chần chừ nhập viện để được các bác sĩ tư vấn điều trị.
Trong bối cảnh dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội tăng nhanh trong thời gian gần đây, mỗi người dân cần hiểu đúng và đầy đủ về căn bệnh này.
Đáng lưu ý, trên địa bàn ghi nhận thêm 3 ổ bệnh sốt xuất huyết, trong đó tại huyện Mê Linh có 2 và quận Bắc Từ Liêm có 1 ổ bệnh.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.
Ai cũng có thể mắc sốt xuất huyết.
Đây là một trong những căn bệnh nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều nguy cơ biến chứng, có thể dẫn đến tử vong. Tùy theo triệu chứng và diễn biến của bệnh mà người mắc sốt xuất huyết có thể điều trị tại nhà, hoặc phải nhập viện càng sớm càng tốt.
Điều trị sốt xuất huyết tại nhà
Sốt xuất huyết hiện nay chưa có thuốc điều trị, phương pháp điều trị chủ yếu vẫn là điều trị triệu chứng.
Khi phát hiện biểu hiện sốt từ 2 - 7 ngày, người bệnh có thể điều trị ở nhà và biện pháp điều trị duy nhất là bù nước cho cơ thể. Người bệnh cần nghỉ ngơi, tự theo dõi sát sao sức khỏe của bản thân.
Người bệnh cần uống nhiều nước, sử dụng các món ăn mềm và có nước, dễ tiêu hóa, hạ sốt với paracetamol, lau mát khi sốt cao.
Khi nào người bị sốt xuất huyết cần nhập viện?
Nếu biện pháp bù nước bằng đường uống không mang lại kết quả và người bệnh xuất hiện các điểm xuất huyết dưới da, hoặc niêm mạc, người bệnh cần phải nhập viện và tuyệt đối không được chần chừ, hay xem thường các dấu hiệu của bệnh.
Khi thấy cơ thể xuất hiện một, hay nhiều các triệu chứng như: Đau bụng vùng hạ sườn phải, chóng mặt, đau đầu, tay chân lạnh, vã mồ hôi, tiểu ít kèm theo biểu hiện ói, đi cầu hay tiểu ra máu và vật vã, sốt li bì, mạch yếu, viêm họng, khó thở…, cần phải đến bệnh viện ngay, càng sớm càng tốt.
Biến chứng của sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết ở người lớn có nguy cơ tử vong cao hơn trẻ em do chảy máu nhiều, xuất huyết não, suy đa tạng như suy gan, suy thận, trụy tim mạch.
Trường hợp ở nữ giới, khi mắc bệnh lâu ngày sẽ bị xuất huyết âm đạo không trùng với chu kỳ kinh nguyệt khiến nhiều chị em lầm tưởng với các bệnh về phụ khoa.
Sốt xuất huyết nếu không được điều trị đúng cách, hoặc điều trị muộn có thể gây biến chứng tràn dịch màng phổi, rối loạn nguyên tố đông máu như chảy máu cam dữ dội, rong kinh ở nữ giới, xuất huyết đường tiêu hóa…
Nhiều ca sốt xuất huyết dẫn tới những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng và có thể để lại những hậu quả nặng nề sau này.
3 mức độ của bệnh sốt xuất huyết
Theo Bộ Y tế, bệnh sốt xuất huyết Dengue được chia làm 3 mức độ như sau:
Mức độ 1: Sốt xuất huyết Dengue (phần lớn các trường hợp đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm sốc xảy ra để xử trí kịp thời).
Mức độ 2: Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo (người bệnh được cho nhập viện điều trị).
Mức độ 3: Sốt xuất huyết Dengue nặng (người bệnh phải được nhập viện điều trị cấp cứu), mức độ này bao gồm: Sốc sốt xuất huyết Dengue, sốc sốt xuất huyết Dengue nặng, xuất huyết nặng, suy tạng nặng.
Phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết
Theo Cục y tế dự phòng, cách phòng bệnh sốt xuất huyết tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt. Cụ thể, phải loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; Thả cá hoặc các sinh vật giáp xác nhỏ ăn bọ gậy vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy; Thau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần.
Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
Bỏ muối, hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.
Chúng ta có thể phòng chống muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài tay; Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày; Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...; Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.
Người bị sốt xuất huyết cần được nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.
Người dân cần tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Đặc điểm của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết
Muỗi có màu đen, thân và chân có những đốm trắng thường được gọi là muỗi vằn.
Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối.
Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc/xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà.
Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản ở các ao, vũng nước, hoặc các dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây..., các đồ vật, hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa... Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình hàng tháng vượt trên 20ºC.
Nguồn: Cục y tế dự phòng
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/bi-sot-xuat-huyet-khi-nao-thi-can-nhap-vien-179220713190138775.htm