Bệnh thủy đậu có nguy cơ bùng phát tại nhiều nơi trên cả nước

06:06 - 12/04/2023

Từ tháng 2 đến tháng 6 là thời điểm vào mùa của thủy đậu, hiện tại bệnh đang có nguy cơ bùng phát ở nhiều địa phương. Dù là bệnh lành tính tuy nhiên lại rất dễ lây từ người sang người qua đường hô hấp như tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt bỏng nước...

Bệnh thủy đậu có nguy cơ bùng phát tại nhiều nơi trên cả nước - Ảnh 1.

Hà Nội có nguy cơ dịch chồng dịch trong mùa hè và dịp nghỉ Lễ. Ảnh: VOV

Hà Nội có 985 ca mắc thủy đậu kể từ đầu năm

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội (CDC), trong tuần qua, Thủ đô ghi nhận thêm 185 ca mắc thủy đậu, chưa ghi nhận trường hợp tử vong.

Đáng chú ý, Hà Nội tiếp tục ghi nhận một số chùm ca bệnh tại trường học: Tiểu học Vân Hòa, Ba Vì (17 ca), mầm non Phú Đô, Nam Từ Liêm (18 ca), tiểu học Dân Hòa, Thanh Oai (9 ca), mầm non Yên Trung, Thạch Thất (12 ca).

Tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội có 985 ca mắc thủy đậu, chưa ghi nhận ca tử vong. Dự báo, số ca mắc có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Về dịch tay chân miệng, trong tuần, Hà Nội có 50 ca mắc. Trong 4 tháng đầu năm nay, Thủ đô có 298 ca tay chân miệng, tăng 294 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022.

Theo số liệu báo cáo của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, trong tuần 13, khu vực miền Bắc ghi nhận 62 trường hợp mắc tay chân miệng, giảm 22% so với tuần trước. Từ đầu năm đến nay có 610 trường hợp mắc, chưa có ca tử vong, số ca mắc cao hơn 110 trường hợp so với cùng kỳ 2022.

CDC Hà Nội nhận định, dự báo trong thời gian tới có thể vẫn sẽ tiếp tục ghi nhận bệnh nhân tại các quận, huyện, thị xã.

Đối với dịch sốt xuất huyết, trong tuần qua, số ca mắc sốt xuất huyết giảm, hiện còn 9 ca, không ghi nhận ca tử vong.

Đắk Lắk ghi nhận 204 trường hợp mắc bệnh thủy đậu

Theo Sở Y tế Đắk Lắk: Tính từ đầu năm 2023 cho đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 204 trường hợp mắc bệnh thủy đậu, không ghi nhận trường hợp tử vong.

Các ca nhiễm tập trung chủ yếu tại huyện Lắk, Ea Kar, Krông Pắk và TP.Buôn Ma Thuột. Lứa tuổi mắc bệnh chủ yếu là trẻ em dưới 15 tuổi và thường xảy ra tại các trường mầm non và tiểu học.

Tình hình bệnh thủy đậu vẫn tiếp tục diễn biến khá phức tạp trên địa bàn tỉnh, số trường hợp bệnh vẫn tiếp tục được ghi nhận và có chiều hướng lan rộng.

Vào giữa tháng 3, ổ dịch tại Trường Mầm non Ngọc Lan, thị trấn Ea Kar, (huyện Ea Kar) ghi nhận 17 ca mắc thủy đậu là học sinh trong cùng 1 lớp.

Đáng chú ý, tất cả các trường hợp mắc đều chưa được tiêm vaccine thủy đậu.

Ngoài ra, từ ngày 17 đến 23.3, ở ổ dịch tại Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, xã Đăk Nuê (huyện Lắk) ghi nhận thêm 13 trường hợp là học sinh và giáo viên tại trường, tất cả các trường hợp mắc đều chưa được tiêm vaccine thủy đậu.

Đại diện Sở Y tế Đắk Lắk thông tin, theo một số nghiên cứu về vaccine thủy đậu thì hiệu quả bảo vệ là từ 88 đến 98%. Có khoảng 2% các trường hợp tiêm vaccine nhưng vẫn mắc bệnh, tuy nhiên, tình trạng bệnh nhẹ và không có biến chứng.

Thống kê tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, so với cùng kỳ năm ngoái, riêng trong tháng 3, bệnh viện tiếp nhận hơn 100 trường hợp, trong đó có 5 ca biến chứng trên cơ địa trẻ, khỏe và không có bệnh nền. Hầu hết các ca nhiễm đều chưa tiêm ngừa vaccine.

Bệnh thủy đậu do siêu vi gây ra vì thế triệu chứng ban đầu rất dễ nhầm lẫn với các bệnh thông thường khác. Để tránh bệnh diễn tiến nặng, gây biến chứng, nhất là với trẻ em, các bác sĩ khuyến cáo ngay khi có dấu hiệu sốt cao, phát ban, da nổi mẩn… cần đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám. Riêng với người chăm sóc, thường xuyên vệ sinh mũi họng, thay quần áo, rửa tay để tránh lây nhiễm.


Nguồn: Tổng hợp

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/benh-thuy-dau-co-nguy-co-bung-phat-tai-nhieu-noi-tren-ca-nuoc-179230411204634904.htm