Bệnh sốt xuất huyết đang vào mùa và những điều cần biết
Số ca mắc sốt xuất hiện ngày càng tăng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Bệnh sốt xuất huyết là gì, biểu hiện như thế nào, cách điều trị, những điều kiêng kỵ… là những điều người dân cần nắm được.
Bệnh sốt xuất huyết là gì ?
Bệnh sốt xuất huyết hay còn được gọi là sốt xuất huyết dengue gây ra do virus Dengue (chi Flavivirus, họ Flaviviridae).
Bệnh sốt xuất huyết có thể bị mắc phải quanh năm, nhưng thường gia tăng vào mùa mưa do đó là thời điểm phát triển mạnh nhất của muỗi Aedes Aegypti, hay còn gọi là muỗi vằn - trung gian truyền bệnh chủ yếu. Đây là loại muỗi có màu đen, thân và chân có những đốm trắng, hay đốt người nhất vào sáng sớm và chiều tối. Muỗi vằn thường xuất hiện ở các góc/xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà.
Cả người lớn và trẻ nhỏ đều dễ mắc phải bệnh sốt xuất huyết.
Biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết
Người mắc sốt xuất huyết thường trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, người bệnh sẽ xuất hiện biểu hiện sốt cao đột ngột 39-40 độ C, từ 2 - 7 ngày, khó hạ sốt. Kèm với đó là các triệu chứng mệt mỏi, đau đầu, đau nhức hốc mắt, đau các khớp, đau mỏi người, có thể có viêm long đường hô hấp trên; chán ăn, cảm giác buồn nôn và nôn; da xung huyết. Dưới da còn có thể xuất hiện những chấm xuất huyết dưới da.
Giai đoạn hai là giai đoạn nguy hiểm nhất do có thể xuất hiện nhiều biến chứng. Giai đoạn này thường rơi vào ngày thứ 3 đến thứ 7 của bệnh.
Tại giai đoạn này, nhiều người chủ quan do biểu hiện sốt có thể giảm, nhưng thực tế, không hẳn là bệnh đang hồi phục, mà ngược lại, người bệnh cần phải đặc biệt theo dõi sự xuất hiện các dấu hiệu xuất huyết từ nhẹ đến nặng. Những biểu hiện xuất huyết do giảm tiểu cầu trong máu rất đa dạng. Chẳng hạn, người bệnh có thể xuất huyết dưới da, nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết, thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn, hoặc mảng bầm tím.
Thậm chí, người bệnh còn chảy máu mũi, chảy máu chân răng, chảy máu cam. Những biến chứng nặng hơn có thể xuất hiện như chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi hoặc màng bụng, xuất huyết tiêu hóa, hoặc nghiêm trọng hơn là xuất huyết não, sốc xuất huyết Dengue, thậm chí tử vong. Người bệnh còn có thể bị hạ huyết áp do hiện tượng cô đặc máu nếu không bù đủ dịch. Chính vì vậy, đây còn được gọi là giai đoạn xuất huyết.
Ở giai đoạn này, người bệnh cần được theo dõi sát sao và xét nghiệm tiểu cầu thường xuyên.
Giai đoạn cuối cùng là hồi phục. Ở thời điểm này, người mắc sốt xuất huyết sẽ hết sốt trên 48 giờ, cảm thấy đỡ mệt hơn, trạng thái tốt lên, thèm ăn và tiểu tiện nhiều hơn, xét nghiệm cho thấy tiểu cầu bắt đầu tăng.
Cách điều trị bệnh sốt xuất huyết
Hiện, bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên phương pháp vẫn là điều trị theo triệu chứng. Thông thường, người bệnh sẽ phải điều trị trong khoảng từ 7-10 ngày tính từ ngày đầu tiên sốt.
Người mắc sốt xuất huyết được khuyến khích uống nhiều nước oresol, hoặc nước sôi để nguội, nước trái cây (nước dừa, cam, chanh..), hoặc nước cháo loãng với muối.
Về thực phẩm, người bệnh nên ăn đồ ăn mềm, dễ tiêu, đầy đủ dinh dưỡng, chia thành nhiều bữa nhỏ.
Khi sốt, nên lau người cho người bệnh bằng nước ấm, uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sỹ.
Ngoài việc phải theo dõi thân nhiệt tối thiểu 3 lần/ngày, người bệnh cũng cần được theo dõi số lượng nước tiểu mỗi ngày, tình trạng đau bụng, nôn, tiêu chảy. Người bệnh cũng cần đặc biệt lưu ý những biểu hiện như tỉnh táo hay kích thích, lơ mơ và tình trạng xuất huyết nếu có như chảy máu chân răng, chảy máu mũi, chảy máu âm đạo, đại tiện ra máu hoặc có phân đen, nôn ra máu, tiểu ra máu.
Người bệnh cần tăng cường nghỉ ngơi tại giường, tránh căng thẳng, mắc màn chống muỗi.
Người mắc sốt xuất huyết có thể điều trị tại nhà sau khi được bác sỹ chuyên khoa khám, xét nghiệm và tư vấn kỹ kế hoạch điều trị, theo dõi và chăm sóc người bệnh ngoại trú.
Những điều cấm kỵ khi điều trị bệnh sốt xuất huyết
Người mắc sốt xuất huyết phải dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không dùng Aspirin, Analgin, Ibuprofen để điều trị sốt vì có thể gây sốt xuất huyết, toan máu.
Phải báo ngay nhân viên y tế hoặc đến các cơ sở khám chữa bệnh khi thấy xuất hiện các dấu hiệu chảy máu như chảy máu mũi, chảy máu chân răng, đi ngoài phân đen và tri giác lơ mơ.
Bên cạnh đó, trong qua trình mắc bệnh, người bệnh không nên dùng bàn chải đánh răng, thay vào đó nên súc họng bằng nước muối hoặc nước súc họng.
Trong việc ăn uống, người mắc sốt xuất huyết không nên ăn thức ăn, hay uống nước có màu nâu, hoặc đỏ (tiết canh, sô cô la, cà phê, các loại đậu sẫm màu..) vì dễ gây nhầm lẫn với triệu chứng xuất huyết tiêu hóa. Ngoài ra, người bệnh không nên uống rượu bia, cafe và các loại nước có gas.
Người bệnh sau khi khỏi cần tái khám ngay lập tức khi tự nhiên cảm thấy bồn chồn, kích thích vật vã hoặc li bì; nôn nhiều; tự nhiên đau bụng, hoặc tăng cảm giác đau; tiểu ít, số lần đi ít hơn, số lượng giảm hơn; chảy máu chân răng, máu cam, âm đạo…
Hiện nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết nên các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy; phòng chống muỗi đốt; tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/benh-sot-xuat-huyet-dang-vao-mua-va-nhung-dieu-can-biet-179220519105300968.htm