Bàu Trúc, gốm già trẻ lại

06:00 - 01/12/2022

Nghề gốm ở làng Bàu Trúc, Ninh Thuận của người Chăm là một trong số rất ít những làng gốm cổ ở Đông Nam Á còn giữ lại cách sản xuất thô sơ. Có những thời điểm tưởng chừng như gốm Chăm không thể trẻ hóa để bắt kịp xu hướng, để giữ lại nghề.

Tôi bắt gặp dưới chân tháp Po Klong Garai - ngôi đền thiêng của người Chăm giữa thành phố Phan Rang Tháp Chàm của tỉnh Ninh Thuận, một nhóm phụ nữ lớn tuổi đang sản xuất các sản phẩm gốm thủ công. Họ đặt các trục xoay thủ công, vuốt gốm bằng cách đi quanh trục theo cách cổ xưa. Có những du khách ngồi rất lâu để bắt chuyện với nghệ nhân gốm, và mua sản phẩm gốm đã được cải tiến phù hợp thành đồ lưu niệm. 

Nghệ nhân làm gốm Chăm chủ yếu là phụ nữ lớn tuổi, được truyền nghề theo mẫu hệ. Ảnh: TTH

Văn hóa Chăm thăng hoa trên gốm

Cuộc chuyển mình từ cách làm thô sơ, đơn điệu thành sản phẩm đặc sắc của gốm Chăm là câu chuyện vào cuộc rốt ráo của chính quyền địa phương, tâm huyết của nghệ nhân muốn giữ lại nghề truyền thống và đóng góp không nhỏ của người trẻ khao khát làm giàu từ nghề được dòng họ trao truyền. 

Gốm Chăm độc đáo và cuốn hút ở toàn bộ các khâu sản xuất, không bị cơ giới hóa, công nghiệp hóa ở bất kì công đoạn nào. Khác với các làng gốm biến mình để làm giàu khác, gốm Chăm Bàu Trúc giữ mãi cách làm gốm cổ để bảo tồn văn hóa đi đôi với làm du lịch cộng đồng bao gồm tổng thể không gian văn hóa Chăm để nghệ thuật dân gian sống cùng thời đại.

Gốm Bàu Trúc thực sự đã có một sự chuyển mình đáng kể để tồn tại cùng với thời đại. Tỉnh Ninh Thuận thành công trong việc hậu thuẫn chính sách và cơ chế cho làng nghề Bàu Trúc được phục hồi trên cơ sở còn làng, còn nghệ nhân, còn văn hóa phong tục và tín ngưỡng. 

Bàu Trúc, gốm già trẻ lại  - Ảnh 2.

Văn hóa Chăm đã thăng hoa trên những mẫu gốm tưởng như rất giản dị, bình dân ở làng Bàu Trúc. Ảnh: TTH

Tôi có dịp ở lại làng Bàu Trúc để trò chuyện với các nghệ nhân, chứng kiến nhiều đoàn xe du lịch tới đổ khách xuống làng nghề. Đây là một điểm tham quan của các công ty du lịch lữ hành, có ký kết chung với các hộ làm gốm ở Bàu Trúc. Khách du lịch được tham quan, được trò chuyện tìm hiểu văn hóa Chăm, được chiêm ngưỡng các tác phẩm mà nghệ nhân với bàn tay lao động của họ vừa làm ra.

Việc này được UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo các ngành văn hóa, du lịch, công thương... vào cuộc phục hưng lại làng nghề với 2 mục tiêu giữ gìn bảo tồn văn hóa dân tộc và tạo động lực phát triển du lịch. Các hội đoàn thể như phụ nữ, thanh niên, nông dân... thường xuyên tổ chức các lớp học nghề, nhằm để nghệ nhân truyền dạy cho lớp trẻ, cũng kích thích sản xuất hàng hóa. 

Bàu Trúc trân trọng những thanh niên trưởng thành và theo học mỹ thuật công nghiệp sau đó về làng khởi nghiệp bằng kiến thức mới trên cơ sở nghề cũ. Họ làm tươi mới và rạng rỡ làng nghề.  

Để không phai màu tinh hoa gốm cổ

Chị Lộ Mai - một phụ nữ chủ cơ sở sản xuất gốm Chăm làng Bàu Trúc bày tỏ, việc khó nhất đối với người trẻ nhận trách nhiệm làm rạng rỡ thêm nghề truyền thống bây giờ là làm sao phát triển được nghề mà vẫn giữ được tinh hoa của nghề, không được cơ giới hóa lại phải vận dụng yếu tố thời đại. Nếu gốm Chăm chỉ làm ra để phục vụ người Chăm trong làng như trước đây thì nghề sẽ lụn bại. 

Bàu Trúc, gốm già trẻ lại  - Ảnh 3.

Cơ sở sản xuất gốm Chăm làng Bàu Trúc phục vụ khách du lịch tại nhà. Ảnh: TTH

Ngoài việc vuốt gốm bằng tay, bàn xoay giữ cố định và nghệ nhân đi xung quanh để định hình sản phẩm, gốm Bàu Trúc vẫn còn nung thủ công - kỹ thuật nung có một không hai trên thế giới. 

Việc gốm Bàu Trúc được trao truyền mẫu hệ là để giữ nghề. Làm gốm đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, ban đầu chỉ làm vật gia dụng trong nhà, bây giờ mới làm để bán...
Nghệ nhân Lộ Thị Két - Làng Bàu Trúc

Đặc sắc nhất của gốm Bàu Trúc nằm ở khâu nung ngoài trời, khéo léo đưa nhiệt độ lên cao mà kỹ thuật giữ màu đỏ nâu cho gốm là bí truyền. Các sản phẩm to xếp dưới, nhỏ xếp trên, sao cho gốm chín đều mà tiêu tốn ít nhiên liệu nhất. Người Chăm xưa nung gốm ngoài ruộng, xếp các mẻ gốm lớn. Ngày nay, để phù hợp, họ nung gốm ngay trong sân nhà mình, cho khách du lịch chiêm ngưỡng trọn vẹn một cơ sở sản xuất và quy trình thủ công không pha tạp bất cứ công nghệ máy móc cơ khí nào.

Lộ Mai nói: "nếu cơ sở sản xuất tụi tôi ở đây cũng bắt chước các làng nghề gốm khác đầu tư lò đốt ga, đốt than hiện đại thì gốm Bàu Trúc mất chất ngay". Bởi lẽ màu gốm Bàu Trúc loang lổ, ám muội khói phải nung thô sơ mới có. 

Bàu Trúc, gốm già trẻ lại  - Ảnh 5.

Khâu nhào trộn đất nguyên liệu để làm gốm Bàu Trúc cũng thô sơ. Ảnh: TTH

Mỗi xưởng gốm đều có khu trưng bày sản phẩm ở mặt tiền. Góc sân là đất sét sông Quao mua về chất đó dùng dần. Bàn xoay thủ công mà người thợ làm gốm đi quanh nó hàng ngàn bước chân mỗi ngày đặt chính giữa sân. Các sản phẩm gốm mới hong khô xếp quanh sân phơi nắng. Và trên các giá đỡ là các sản phẩm gốm sau khi đã nung, màu nâu trầm, đen than, hoặc đỏ gạch.

Ở làng gốm, không phải nghệ nhân nào cũng đủ tài hoa để làm ra các sản phẩm có tính mỹ thuật cao, có hơi hướng tinh thần tín ngưỡng như tượng gốm các vị thần, vũ nữ Apsara, đồ thờ tự... theo hệ thống tín ngưỡng Chăm, Bà La Môn giáo.

Những sản phẩm được nâng tầm lên tác phẩm nghệ thuật này được treo trang trọng trong mỗi gian hàng, có giá cao nhất. Chủ cơ sở sản xuất tiết lộ: "Sản phẩm nào do các "bàn tay vàng" làm ra đều giá cao, nhưng lại đắt khách nhất". Có những đoàn khách phải đặt hàng, và phải chờ chừng mấy tháng sau nghệ nhân mới trả hàng cho khách được.

Có thể nhận thấy ngay tính cá nhân ở trong mỗi sản phẩm gốm hoàn thiện. Bà chủ cơ sở gốm Ngọc Huỳnh đưa cho tôi một con giống bằng đất nung nhỏ cỡ bàn tay. Con giống mình cá chép, đầu rồng, được giải thích rằng đây là tượng cá chép hóa rồng. Ngay lập tức, khách du lịch đứng xung quanh thích thú mua ngay sản phẩm này, vì sự ngộ nghĩnh của nó. 

Lớp khách hàng bình dân tiếp cận với gốm Bàu Trúc bởi sự hợp thời, sự lắc mình chuyển động, phá bỏ những khuôn sáo cũ của làng nghề. Người làm gốm Chăm thường ít nói, ít hoạt động bề nổi trừ việc tham gia những lễ hội lớn trong năm. Tư duy trí tuệ và tinh lực của họ để cả vào những sản phẩm làm ra, cũng như tín ngưỡng mà họ tôn thờ.

Bàu Trúc, gốm già trẻ lại  - Ảnh 6.

Một lớp học làm gốm toàn phụ nữ ở làng Bàu Trúc. Ảnh: TTH

Trẻ hóa gốm Chăm - dễ mà khó

Trong gia đình người Chăm theo mẫu hệ ở Ninh Thuận, bà chủ gia đình là thợ gốm chính trong cơ sở sản xuất. Người con gái út của bà sống cùng mẹ và được truyền dạy nghề. Con trai dù có tài hoa đến đâu cũng theo vợ về gia đình khác, sống ở rể và không phải gánh nặng truyền thống gia đình, vì vậy, một vài nghệ nhân là nam giới ở làng nghề phá bỏ tính cố cựu của gốm Bàu Trúc, theo đuổi thị hiếu của số đông khách hàng trên thị trường. Tuy vậy, nền tảng để tạo nên màu sắc gốm riêng họ buộc phải giữ. 

"Sự vong bản trong gốm biến sản phẩm thành thứ đồ tiêu dùng rẻ tiền ngay" - thợ gốm trẻ trong xưởng nói với tôi.

Có thể nói, những năm gần đây, gốm Bàu Trúc đã sống dậy nhờ du lịch. Sự thẩm thấu văn hóa để số lượng người yêu gốm tìm đến với gốm Chăm không đủ để vực dậy một làng gốm "thoi thóp" vào thập kỷ trước. Hơn thế nữa, trong kiến trúc hiện đại, gốm Chăm khó thích nghi, tầng lớp những bề dày văn hóa của gốm Chăm khiến người trẻ hiện đại e ngại không biết có thể tiếp cận theo cách nào. Một số mặt hàng ở làng gốm Bàu Trúc bây giờ như cây phong thủy chạy nước, tượng trang trí sân vườn, bình lọ trưng bày... ngoài nét thô mộc, giản dị ra, chưa đủ tinh tế để thuyết phục những người hiểu biết nghệ thuật khó tính.

Những nghệ nhân làng gốm bây giờ thậm chí không thể hiểu hết hệ thống tín ngưỡng của tiền nhân để lại. Nghệ nhân trẻ có thể làm ra một tượng gốm vũ nữ Apsara rất cân chỉnh, tròn đầy nhưng lại thiếu tinh thần và sức sống. Dù tay họ làm ra tượng một vị thần quen thuộc trong tín ngưỡng của người Chăm, nhưng lại không biết vị thần đó tên là gì, trong truyền thuyết ra sao, ẩn chứa ý nghĩa nào. 

Thế mới nói, gốm Chăm hồi phục chưa phải là thời kỳ đỉnh cao rực rỡ của một làng nghề. Nhưng chính sự trở lại của sản phẩm tiêu dùng được ưa thích sẽ sản sinh ra một lớp người trẻ dân tộc Chăm Ninh Thuận chịu khó tìm tòi học hỏi và góp công sức đưa thời kỳ đỉnh cao của gốm Chăm đến nhanh hơn.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/bau-truc-gom-gia-tre-lai-179221130142254201.htm