Bắt nguyên Phó Chủ tịch Bình Thuận Nguyễn Ngọc liên quan đến dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 5 bị can liên quan đến những sai phạm xảy ra tại dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), trong đó có nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc.
Khởi tố 5 người liên quan đến những sai phạm xảy ra tại dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
Mở rộng điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết tại phường Phú Thủy, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, do Công ty Cổ phần Rạng Đông làm chủ đầu tư, ngày 3/7/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can và Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với 5 cá nhân về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự, gồm:
Nguyễn Ngọc - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận;
Lê Quang Vinh - Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận;
Huỳnh Lương Thiện - chuyên viên Phòng Đầu tư và Quy hoạch xây dựng thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh;
Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thông tin và Thẩm định giá Miền Nam;
Trương Văn Ri - nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thông tin và Thẩm định giá Miền Nam kiêm Giám đốc Chi nhánh công ty tại tỉnh Bình Thuận.
Từ trái sang: Ông Lê Quang Vinh, Huỳnh Lương Thiện, Nguyễn Văn Thọ, Trương Văn Ri. Ảnh: Bộ Công an
Sau khi được Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 5) phê chuẩn, ngày 3, 4/7/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tổ chức thi hành lệnh, quyết định tố tụng hình sự nêu trên theo quy định pháp luật.
Trước đó, tháng 3/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí", được quy định tại Khoản 3, Điều 219 Bộ Luật Hình sự, xảy ra tại dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết.
Ngày 23/4/2024, cũng liên quan đến vụ án này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can và các quyết định tố tụng hình sự đối với 12 trường hợp về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, gồm:
Lê Tiến Phương - cựu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận;
Xà Dương Thắng - nguyên Giám đốc Sở Xây dựng, nguyên Bí thư Huyện ủy Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận;
Đỗ Ngọc Điệp - nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Phan Thiết;
Hồ Như Hải - nguyên Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thông tin và Thẩm định giá Miền Nam - Chi nhánh Bình Thuận, Thẩm định viên về giá;
Lê Anh Huy - nguyên Trưởng phòng Hành chính tổng hợp thuộc Chi cục quản lý đất đai tỉnh Bình Thuận;
Nguyễn Văn Phong - nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính, nguyên Thường trực Hội đồng thẩm định giá đất, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận;
Hồ Lâm - nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trương tỉnh Bình Thuận;
Lê Nguyễn Thanh Danh - nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận;
Nguyễn Thanh Cho - nguyên Chi cục Trưởng Chi cục quản lý đất đai tỉnh Bình Thuận;
Lê Nam Hưng - nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý đất đai tỉnh Bình Thuận;
Phạm Duy Cường - nguyên Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kinh tế đất, Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Bình Thuận; nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận;
Nguyễn Xuân Phong - nguyên Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bình Thuận.
Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết (diện tích 62ha) vốn là sân golf Phan Thiết, do một chủ đầu tư nước ngoài thuê đất của nhà nước, thời hạn 50 năm.
Ngày 15/11/2013, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cho chuyển nhượng vốn và chủ đầu tư mới là Công ty cổ phần Rạng Đông.
Ngày 2/12/2013, Công ty Rạng Đông đã xin chuyển đổi đất thể dục - thể thao sang đất ở đô thị, để "đầu tư xây dựng và kinh doanh biệt thự, nhà vườn, nhà phố, nhà cao tầng và các công trình phụ trợ".
Năm 2014, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận chấp nhận đề nghị chuyển đổi trên. Những năm sau đó, Công ty Rạng Đông đã tiếp tục việc đầu tư, xây dựng hàng loạt biệt thự, nhà cao tầng, nhà vườn.
Việc chính quyền tỉnh Bình Thuận cho phép chuyển sân golf sang khu đô thị, trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ; chính quyền không yêu cầu chủ đầu tư bố trí 20% quỹ đất của dự án để xây dựng nhà ở xã hội là chưa đúng quy định của pháp luật. Việc định giá tiền sử dụng đất chưa đúng cũng khiến ngân sách nhà nước thất thoát một số tiền lớn.