Bắt giữ nhóm đối tượng tàng trữ, lưu hành hơn 1,3 tỷ đồng tiền giả, thu giữ nhiều súng đạn
Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Đà Nẵng đã ra lệnh bắt khẩn cấp các đối tượng liên quan đến đường dây làm, tàng trữ, lưu hành hơn 1,3 tỷ đồng tiền giả.
Đây là nhóm đối tượng nằm trong đường dây “Làm, tàng trữ, lưu hành tiền giả” với số lượng tiền lớn và các hành vi phạm tội liên quan gồm: “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.
Theo thông tin từ Công an thành phố Đà Nẵng, vào khoảng 19 giờ ngày 26/11, có 2 đối tượng đi xe SH màu vàng liên lạc và mua từ chị Nguyễn Thị Phượng (tạm trú tại Đà Nẵng) 1 điện thoại Iphone 11 Promax với giá 10,2 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, chị Phượng phát hiện có 10 triệu đồng tiền giả (tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng) nên đã trình báo Công an quận Sơn Trà, Đà Nẵng. Trong quá trình giao dịch, đối tượng đã dùng nhiều thủ đoạn để che giấu về hình ảnh, biển số xe, số điện thoại liên lạc.
Sau khi tiếp nhận thông tin tội phạm, Cơ quan An ninh điều tra đã xác định 2 đối tượng đã có hành vi lưu hành tiền giả nói trên là Đoàn Văn Dương (sinh năm 1989, trú tại xã Bình Chánh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) và Hồ Văn Tiện (sinh năm 1988, trú tại xã Bình Chánh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam).
Ngày 5/12, Cơ quan An ninh điều tra đã thi hành Lệnh khám xét khẩn cấp chỗ ở của Đoàn Văn Dương và Hồ Văn Tiện, qua đó thu giữ trên người và chỗ ở của 2 đối tượng 62 triệu đồng tiền giả (124 tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng). Các đối tượng khai nhận đã lên mạng tìm kiếm thông tin và đã mua tiền giả từ một đối tượng khác tại thành phố Hồ Chí Minh.
Cơ quan An ninh điều tra xác định 2 đối tượng đã bán tiền giả cho Dương và Tiện là Nguyễn Thị Cẩm Duyên (sinh năm 1988) và Nguyễn Như Phú (sinh năm 1971), cùng trú tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh.
Tiến hành khám xét tại nhà của 2 đối tượng, Cơ quan An ninh điều tra đã thu giữ toàn bộ công cụ, phương tiện mà đối tượng sử dụng để sản xuất tiền giả, tài liệu, giấy tờ giả gồm máy in màu, máy cắt, máy dập, máy tính sử dụng để tạo ra phôi tiền, giấy in tiền, giấy nilon.
Ngoài ra còn có hơn 1,3 tỷ đồng tiền giả (2.684 tờ tiền giả có mệnh giá 500.000 đồng), một số lượng lớn giấy tờ giả (chứng minh nhân dân, căn cước công dân, giấy phép lái xe,…), 3 gói nilon chứa tinh thể màu trắng (nghi là ma túy), 3 cây súng ngắn tự chế, 8 viên đạn và 1 quả lựu đạn.
Cơ quan An ninh điều tra đã tiến hành bắt khẩn cấp Nguyễn Thị Cẩm Duyên và Nguyễn Như Phú. Qua test nhanh, đối tượng Duyên dương tính ma túy.
Hiện vụ án đang được Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Đà Nẵng hoàn chỉnh hồ sơ, xử lý theo quy định đồng thời tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ.
Cơ quan An ninh điều tra thành phố Đà Nẵng kêu gọi một đối tượng liên quan khác là Huỳnh Quốc Thái (1989, quê quán Cai Lậy, Tiền Giang) nhanh chóng đến trình diện Công an thành phố Đà Nẵng để được hưởng khoan hồng của pháp luật.
Sản xuất, tàng trữ, lưu hành tiền giả đều phạm pháp
Theo Bộ Công an, hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành, mua bán tiền giả dưới bất kỳ hình thức nào cũng là hành vi phạm pháp. Pháp luật hiện hành quy định đầy đủ và có chế tài nghiêm khắc về hành vi mua bán tiền giả.
Điều 23 Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010 quy định: Làm tiền giả, vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả là một trong các hành vi bị cấm.
Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả tại Điều 207 như sau:
Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.
Phạm tội trong trường hợp tiền giả có giá trị tương ứng từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm.
Phạm tội trong trường hợp tiền giả có giá trị tương ứng từ 50 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 8 và Điểm d, e Khoản 1 Điều 18 của Luật An ninh mạng (có hiệu lực từ ngày 1/1/2019) thì hành vi rao bán tiền giả trên mạng Internet là một trong các hành vi bị nghiêm cấm. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.