Bất chấp lãi suất thấp nhất 20 năm, người dân vẫn gửi 6,67 triệu tỉ đồng vào ngân hàng

11:33 - 26/06/2024

Thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tiền gửi của dân cư vẫn tiếp tục "chảy" vào ngân hàng, bất chấp lãi suất tiền gửi thấp nhất trong suốt 20 năm qua, trái ngược với suy đoán, lãi suất thấp khiến người dân chọn các kênh đầu tư khác.

gửi tiền vào ngân hàng

Tiền gửi ngân hàng tăng kỷ lục bất chấp lãi suất thấp. Ảnh: Chí Tín

Lượng tiền gửi ngân hàng tiếp tục tăng bất chấp mặt bằng lãi suất thấp

Ngân hàng Nhà nước mới đây đã có số liệu thống kê lượng tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng. Theo đó, trong tháng 3 đạt 6,676 triệu tỉ đồng, tăng gần 39.000 tỉ so với tháng liền trước, cao hơn 2,2% so với cuối năm 2023 và cũng là mức cao nhất từ trước đến nay. Xu hướng người dân gửi tiền vào ngân hàng đã duy trì trong gần 2 năm qua từ tháng 9/2022 đến nay. Duy chỉ có tháng 1 vừa qua, lượng tiền gửi có giảm nhẹ. 

Cũng theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi của các doanh nghiệp, tổ chức tính đến hết tháng 3, đạt 6,627 triệu tỉ đồng, tăng 104.000 tỉ đồng so với tháng 2. Còn so với cuối năm ngoái, lượng tiền gửi của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có giảm hơn 3%, song vẫn duy trì ở mức cao.

Tính chung, tổng tiền gửi chảy vào hệ thống tín dụng (gồm cả các khoản giấy tờ có giá) tính đến hết quý đầu năm nay đạt hơn 16 triệu tỉ đồng, tăng từ mức 15,91 triệu tỉ đồng hồi tháng 2.

Lượng tiền gửi tăng dù lãi suất huy động của ngân hàng vẫn ở mức thấp kỷ lục, Ngân hàng Nhà nước đánh giá là thấp hơn cả thời điểm bùng phát dịch COVID-19. Mặt bằng lãi suất huy động tháng 3 đầu năm vẫn duy trì ở mức thấp nhất trong suốt 20 năm qua. Tiền gửi tại kỳ hạn 12 tháng khách hàng cá nhân chỉ được hưởng lãi suất cao nhất khoảng 5%/năm; kỳ hạn 9 tháng phổ biến 3-4%/năm; kỳ hạn 6 tháng khoảng 2-4,7%/năm.

Tại Vietcombank, lãi suất tiền gửi cao nhất là 4,7%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 24 và 36 tháng. Lãi suất 2,9%/năm và 4,6%/năm áp dụng cho kỳ hạn 6, 9 và 12 tháng. 

Tại các ngân hàng thương mại tư nhân, lãi suất cao nhất cũng dao động quanh mức 5 - 5,6%/năm, tùy từng ngân hàng và kỳ hạn gửi. Ngân hàng VPBank duy trì mức lãi suất tiền gửi cao nhất là 5,6%/năm cho kỳ hạn gửi 24 và 36 tháng. Ngân hàng Eximbank niêm yết lãi suất tiền gửi hiện hành là 4,9%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Mức cao nhất là 5,2%/năm áp dụng cho kỳ hạn 60 tháng.

Nhiều kênh đầu tư không "hút khách", người dân vẫn chọn gửi tiền vào ngân hàng

Tại các kênh đầu tư khác, chứng khoán trong 3 tháng đầu năm cũng tăng gần 14% chỉ kém vùng đỉnh hồi tháng 9/2022. Tuy nhiên, giá cổ phiếu mua vào lại lập mặt cao mới. 

Bên cạnh đó, quý đầu năm, người dân cũng chọn kênh đầu tư khác là kim loại quý, đặc biệt là vàng. Tuy nhiên, kênh này chỉ ghi nhận mức tăng bình quân hơn 7%, không có sự vượt trội. Bất động sản chưa có dấu hiệu khởi sắc, nhất là phân khúc nhà ở dân cư. 

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, người dân vẫn chọn gửi tiền vào các ngân hàng thay vì đầu tư vào các kênh khác nhằm bảo đảm an toàn và dòng vốn trước biến động khó đoán của thị trường.

Từ cuối tháng 3, các ngân hàng đã có động thái điều chỉnh lãi suất tiết kiệm. Theo các chuyên gia, đây là giải pháp giúp cân bằng lợi suất sinh lời của các kênh đầu tư khác, đặc biệt là vàng. Tính toán từ đầu năm, kim loại quý ghi nhận tỉ suất sinh lời trên 22%, trong khi tiền gửi tiết kiệm (kỳ hạn 12 tháng) chỉ khoảng 1,5%.


Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/bat-chap-lai-suat-thap-nhat-20-nam-nguoi-dan-van-gui-667-trieu-ti-dong-vao-ngan-hang-179240626112146301.htm