Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng: Bắt nạt trực tuyến và những điều phụ huynh cần biết
Ảnh hưởng của bắt nạt trực tuyến dưới bất kỳ hình thức nào có thể khiến trẻ em gặp những vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần, ảnh hưởng đến kết quả học tập, mối quan hệ xã hội. Phụ huynh cần lưu ý những thay đổi trong hành vi của con mình để can thiệp kịp thời.
Bắt nạt trực tuyến ảnh hưởng đến cảm xúc, sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em
Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), bắt nạt trực tuyến (cyberbully) được định nghĩa là hành động bắt nạt hoặc quấy rối bằng việc sử dụng thiết bị số như máy tính, điện thoại di động hoặc máy tính bảng để gửi tin nhắn, email, sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội hoặc trò chơi trực tuyến. Đó là hành vi lặp đi lặp lại, nhằm mục đích khiến cho nạn nhân sợ hãi, tức giận hoặc xấu hổ. Điển hình như lan truyền những lời nói dối hoặc hình ảnh đáng xấu hổ của nạn nhân trên mạng xã hội hay gửi tin nhắn đe doạ, mạo danh gửi những thông điệp ác ý…
Không yêu cầu những tương tác trực diện như bắt nạt thể chất, những kẻ bắt nạt ẩn danh qua mạng có thể "tàn phá" nạn nhân ở mọi nơi và bất cứ lúc nào. Ở những hình thức tồi tệ nhất, bắt nạt trực tuyến còn trở thành một loại tội phạm mạng.
Vào năm 2011, hai cô bé 11 tuổi và 12 tuổi tại Mỹ bị buộc tội tấn công mạng và xâm nhập máy tính cấp độ một vì những hành vi đã gây ra đối với một bạn cũ. Cả 2 bị cáo buộc đăng ảnh và tin nhắn khiêu dâm lên trang cá nhân Facebook của nạn nhân sau khi lấy được mật khẩu tài khoản này. Hai đứa trẻ phải đối mặt với mức án lên tới 30 ngày trong trại giam vị thành niên. Đây chỉ là một ví dụ về việc bắt nạt trực tuyến có thể dẫn đến tội phạm mạng. Nó cũng nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của việc đảm bảo an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng.
Nhiều phụ huynh nghĩ rằng bắt nạt trực tiếp còn tệ hơn nhiều so với bắt nạt trực tuyến vì trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thoát khỏi những kẻ này trong cuộc sống hàng ngày, trong khi nạn nhân của bắt nạt trực tuyến chỉ cần tắt máy tính hoặc chặn kẻ bắt nạt trên nền tảng mạng xã hội. Thực tế không đơn giản như vậy.
Về bản chất, bắt nạt trực tuyến diễn ra không ngừng nghỉ, tàn nhẫn hơn và gây tổn hại nhiều hơn so với bắt nạt trực tiếp. Nó cũng là một trong những yếu tố gây căng thẳng nghiêm trọng nhất trong cuộc sống của một đứa trẻ.
Bắt nạt trực tuyến để lại rất ít cơ hội cho nạn nhân tự vệ. Không có giáo viên hay phụ huynh nào biết chuyện gì đang xảy ra để can thiệp, ngăn chặn kịp thời. Những kẻ bắt nạt có thể che giấu danh tính cũng khiến nạn nhân rất khó có bằng chứng để báo cáo với cơ quan có thẩm quyền. Và những thông tin về nạn nhân có thể bị lan truyền nhanh chóng trên các nền tảng truyền thông xã hội. Ví dụ: thông tin nhạy cảm được chia sẻ qua email có thể được gửi tới hàng chục bạn cùng lớp; hay những bức ảnh đáng xấu hổ của nạn nhân có thể tiếp cận hàng nghìn người tham gia mạng xã hội.
Hành vi của trẻ có thể thay đổi do ảnh hưởng của bắt nạt trực tuyến
Thông thường, những đứa trẻ bị bắt nạt trực tuyến thường cố gắng che giấu việc này với cha mẹ. Tuy nhiên, phụ huynh cần lưu ý những thay đổi trong hành vi của con mình để biết chúng có phải là nạn nhân của bắt nạt trực tuyến hay không.
Trẻ có thể giảm hành vi xã hội, trở nên im lặng, tránh né bạn bè hoặc các sự kiện xã hội, cô lập bản thân trong phòng nhiều hơn bình thường, mất hứng thú với các hoạt động chúng vẫn thường thích. Hay những dấu hiệu như trẻ khó tập trung vào bài tập ở trường, điểm số giảm, bỏ học hoặc muốn bỏ học, cha mẹ đều cần tìm hiểu nguyên nhân.
Trẻ có thể tỏ ra tức giận khi nhìn vào điện thoại, máy tính bảng hoặc máy tính, ẩn màn hình điện thoại hoặc máy tính của mình, tránh hay sợ sử dụng điện thoại. Nghiêm trọng hơn, trẻ có thể lén sử dụng ma túy hoặc rượu, thể hiện những suy nghĩ hoặc cảm xúc đen tối hay nói về việc tự sát.
Một số phụ huynh cho rằng những thay đổi hành vi này có vẻ hơi cực đoan, chẳng hạn như ý nghĩ tự tử. Tuy nhiên, thực tế là mối quan hệ giữa bắt nạt và tự tử rất chặt chẽ. Các chuyên gia của Kasspersky cho biết, một nghiên cứu gần đây đã kết luận rằng nạn nhân của bắt nạt trực tuyến có khả năng tự tử hoặc thực hiện hành vi tự làm hại bản thân cao gấp đôi. Ngoài ra, các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng ít nhất 50% trẻ em đã từng bị bắt nạt trên mạng trong đời. Tại Mỹ, số liệu thống kê cho thấy 59% thanh thiếu niên ở Mỹ đã bị bắt nạt hoặc quấy rối trực tuyến và hơn 90% tin rằng đó là vấn đề lớn đối với những người ở độ tuổi của họ.
Ảnh hưởng của bắt nạt trực tuyến còn bao gồm các vấn đề về sức khỏe tâm thần, căng thẳng và lo lắng gia tăng, trầm cảm, hành động bạo lực. Bắt nạt trực tuyến cũng có thể gây ra những ảnh hưởng cảm xúc lâu dài, ngay cả khi việc bắt nạt đã chấm dứt.
Những thay đổi về hành vi và tinh thần không phải là tác động duy nhất của bắt nạt trực tuyến. Cảm giác căng thẳng và lo lắng do bắt nạt trực tuyến có thể dẫn đến các vấn đề về thể chất như mất ngủ, các vấn đề về đường tiêu hóa và thói quen ăn uống có hại.
Cha mẹ có thể làm gì khi con bị bắt nạt trực tuyến?
Nếu phụ huynh nhận ra bất kỳ dấu hiệu khác lạ nào của trẻ, hãy dành thời gian ngồi cùng con và động viên chúng cởi mở về bất kỳ vấn đề nào chúng đang gặp phải trong hoặc ngoài trường học. Điều mà trẻ thực sự mong muốn là được chia sẻ với một người sẵn lòng lắng nghe. Bằng cách hỗ trợ và thấu hiểu, cha mẹ có thể giúp trẻ cảm thấy mình không đơn độc. Đây là bước đầu tiên để chữa lành những tổn thương vô hình do bắt nạt trực tuyến gây ra.
Về mặt công nghệ, bước đầu tiên, cha mẹ hãy cố gắng điều chỉnh cài đặt quyền riêng tư trên tài khoản trò chuyện và mạng xã hội của con. Tiếp theo, thu thập tất cả bằng chứng về hành vi bắt nạt trực tuyến, chụp ảnh màn hình vì nhiều bài đăng có thể bị xóa. Báo cáo các trường hợp bắt nạt trực tuyến cho quản trị viên ứng dụng hoặc nền tảng vì hành vi bắt nạt trực tuyến thường vi phạm điều khoản dịch vụ.
Với những sự việc nghiêm trọng hơn, cha mẹ cũng có thể liên hệ với nhà trường nơi con học để cùng phối hợp ngăn chặn sự việc. Ngoài ra, nếu bắt nạt trực tuyến có bất kỳ mối đe dọa bạo lực thể xác nào, phụ huynh cũng có thể báo cáo vụ việc đó với cơ quan Công an gần nhất.
Trên hết, điều quan trọng cần nhớ, cách bảo vệ trẻ tốt nhất chống lại bắt nạt trực tuyến là phòng ngừa và các bậc cha mẹ có thể đóng vai trò tích cực trong quá trình này bằng cách giám sát, quản lý các hoạt động kỹ thuật số của con mình, hướng dẫn trẻ cách sử dụng Internet an toàn.
Hiện nay cũng có nhiều công cụ, ứng dụng hữu ích giúp phụ huynh bảo vệ trẻ em trên không gian mạng như đặt giới hạn thời gian sử dụng thiết bị, giám sát hoạt động trực tuyến, theo dõi vị trí bằng GPS, hay chặn các nội dung trực tuyến có hại hoặc không phù hợp với trẻ em.
Tại sao một người lại trở thành kẻ bắt nạt trực tuyến?
Nhiều ý kiến cho rằng những kẻ bắt nạt trực tuyến gặp khó khăn trong việc cảm thông với người khác. Điều này có thể do việc sử dụng công nghệ ngày càng tăng và tương tác xã hội trong thế giới thực ít hơn. Nhưng đây chỉ là một khía cạnh của vấn đề bắt nạt trên mạng.
Bắt nạt trực tuyến còn khiến kẻ bắt nạt cảm thấy mạnh mẽ hơn. Thông qua việc sử dụng công nghệ, kẻ bắt nạt trực tuyến có thể dễ dàng gây ra một loạt hành vi gây ảnh hưởng tới người khác bất cứ lúc nào, tất cả đều từ nơi trú ẩn an toàn trong chính ngôi nhà của chúng mà không phải lo lắng hay hậu quả gì. Những yếu tố góp phần khác là việc thiếu sự giám sát của cha mẹ, cũng như mong muốn đạt được sự nổi tiếng thông qua những hành động mà họ thực hiện.