Bão số 2 đổ bộ: Quảng Ninh, Hải Phòng rốt ráo ứng phó
Rạng sáng nay, 23/7, bão số 2 đã đi vào đất liền Quảng Ninh - Hải Phòng. Chính quyền và người dân ở các địa phương này đang ứng phó với mưa lớn, có thể gây lũ trên sông Ka Long và ngập úng cục bộ tại một số khu vực trũng thấp.
Quảng Ninh ứng phó với mối lo ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 có thể tiếp tục gây mưa lớn, kết hợp với triều cường
Tại khu vực ven biển phía Đông Bắc Bộ đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Vân Đồn (Quảng Ninh) 108mm,...
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, trên địa bàn thành phố Móng Cái có gió cấp 5-6, giật cấp 7. Đêm qua, lượng mưa đo được trung bình trên 40mm, có thời điểm mưa lớn tầm 60 đến 90mm. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, trên địa bàn thành phố Móng Cái có gió cấp 5-6, giật cấp 7. Hiện gió đã ngừng, mưa đã tạnh, có lúc trời còn hửng nắng.
Mối lo lớn nhất là ảnh hưởng của hoàn lưu bão có thể tiếp tục gây mưa lớn, kết hợp với triều cường vào chiều nay có thể gây lũ trên sông Ka Long và ngập úng cục bộ tại một số khu vực trũng thấp.
Do đó, thành phố Móng Cái yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục bám sát tình hình diễn biến của bão, tuyệt đối không lơ là, chủ quan; tiếp tục sẵn sàng mọi phương án ứng phó theo phương châm "3 trước, 4 tại chỗ"; đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho người dân, nhất là vùng có nguy cơ sạt lở; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra...
Tại thành phố Hạ Long, từ sáng sớm nay có gió cấp 5-6, giật cấp 7; lượng mưa đo được trong đêm qua trung bình trên 79.6mm. Có nhiều cây gãy đổ trên một số tuyến đường. Tuy nhiên hiện đã ngừng gió, có mưa nhẹ.
Để sẵn sàng ứng phó, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do bão số 2 gây ra, thành phố Hạ Long đã rà soát các khu vực xung yếu; các khu vực dự án đang thi công; các khu vực có ngầm tràn có khả năng bị chia cắt khi nước lũ dâng cao. Các xã, phường đã huy động lực lượng khơi thông dòng chảy, gia cố các điểm xung yếu và chủ động chuẩn bị các vật tư, phương tiện để kịp thời xử lý các tình huống xảy ra. Các khu vực có nguy cơ sạt lở, thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các xã, phường chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư để xử lý kịp thời.
Tại địa bàn thị xã Quảng Yên, thành phố Uông Bí và thị xã Đông Triều đang có mưa to kèm theo gió do ảnh hưởng của bão số 2. Theo ghi nhận ban đầu đến thời điểm này cả 3 địa phương chưa có thiệt hại lớn do bão số 2 gây ra.
Thông tin từ huyện đảo Cô Tô, từ đêm qua đến sáng nay, trên địa bàn huyện có gió Bắc và Đông Bắc mạnh dần lên cấp 7-8, có lúc cấp 10, giật cấp 11; mưa to cả đêm. Hiện nay, gió chuyển hướng Nam, mưa nhỏ dần.
Do ảnh hưởng của bão, trên địa bàn huyện Cô Tô có 1 tàu xi măng (trong âu cảng, thuộc địa bàn thị trấn Cô Tô) và 1 xuồng cao tốc nhỏ đậu gần bến khu 1, thị trấn Cô Tô, bị đắm; 50 cây xanh ven đường bị đổ, gãy; một số lều lá, quán lợp bằng lá tại các bãi biển bị gió thổi tốc bay.
Hiện tại Cô Tô, các hồ đập, công trình xây dựng an toàn, không có sạt lở, ngập úng, không có thiệt hại về người.
Tại huyện Vân Đồn, sáng sớm có mưa, lượng mưa khoảng trên 100mm; gió trên đất liền giật khoảng cấp 6-7.
Bão số 2 đổ bộ gây mưa to đến rất to tại Hải Phòng
Theo ghi nhận của phóng viên, tại thành phố Hải Phòng thời điểm này gió đã giảm, nhưng mưa to đến rất to.
Trước đó, lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống bão; tiếp tục rà soát, nắm chắc số lượng các phương tiện và người còn hoạt động trên biển; bằng mọi biện pháp kêu gọi, yêu cầu các phương tiện và người còn hoạt động trên biển về nơi tránh trú an toàn; bảo đảm bố trí, sắp xếp an toàn tàu, thuyền tại các bến, khu neo đậu, hoàn thành trước 19 giờ ngày 22/7/2024.
Cùng với đó, khẩn trương rà soát, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác chuẩn bị phòng, chống và khắc phục hậu quả do bão, mưa lớn do hoàn lưu bão gây ra. Kiểm tra kỹ, phát hiện kịp thời các khu vực, vị trí có nguy cơ sạt lở, khu vực đang thi công ven sông, ven biển để di dời, bảo đảm an toàn tuyệt đối với người dân và tài sản. Rà soát, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện thực hiện công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả do bão gây ra.
Tại nhiều quận huyện, công tác ứng phó với bão số 2 được thực hiện rốt ráo, đối với huyện Cát Hải và quận Đồ Sơn tiếp tục thông tin diễn biến bão đến người dân, du khách, các cơ sở lưu trú, tổ chức lữ hành; tạo điều kiện sinh hoạt cho khách du lịch còn ở lại; tuyệt đối không để người dân và du khách ra khu vực ven biển khi bão đổ bộ; kiểm tra, sẵn sàng thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông các tuyến đường ven núi khi xảy ra sạt lở. Huyện Bạch Long Vĩ khẩn trương kêu gọi, yêu cầu các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển về neo đậu tại âu, hoàn thành trước 19 giờ ngày 22/7/2024; tổ chức sắp xếp chằng buộc tàu, thuyền, thực hiện các biện pháp an toàn cho người và cơ sở vật chất trên đảo.
Tại các quận, huyện: Hải An, Ngô Quyền, Hồng Bàng, Cát Hải rà soát, chỉ đạo các bến bãi tập kết vật liệu, tập kết container, khu vực Cảng thực hiện giảm độ cao chất tải, thiết bị để bảo đảm an toàn.
Thành phố Hải Phòng cũng đề nghị các cơ quan về đường thủy, hàng hải, hàng không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân, hạ tầng, tài sản trong phạm vi quản lý.
Theo báo cáo của các ngành, địa phương trên địa bàn Thành phố Hải Phòng, đến 17 giờ ngày 22/7, công tác triển khai phòng, chống bão số 2 được triển khai kịp thời theo phương châm "4 tại chỗ". Trong đó, chủ động kiểm tra, rà soát hệ thống đê điều, cầu cống, công trình thủy lợi, nhà dân xung yếu; có phương án di dân ở những vùng xung yếu; đồng thời sẵn sàng vật tư, nhân lực ứng phó với bão số 2.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng phối hợp kiểm đếm, thông báo kêu gọi được hơn 1.920 phương tiện vào bờ tránh trú an toàn. Trong đó, 1.592 phương tiện 4.647 lao động đã về bến tránh trú an toàn, không có phương tiện hoạt động trong vùng nguy hiểm. Tại huyện Cát Hải hiện có 14.060 khách lưu trú tại Cát Bà (2.271 khách quốc tế, 11.789 khách trong nước) đã được thông tin về diễn biến của bão số 2.
Huyện Bạch Long Vĩ huy động lực lượng chằng chống nhà cửa, kho tàng; tuyên truyền, vận động các phương tiện di chuyển vào đất liền tránh trú bão an toàn. Huyện Cát Hải chỉ đạo, sắp xếp neo đậu tàu, thuyền về các vị trí tránh trú an toàn; vận động 100% người dân trên các bè nuôi trồng thủy sản về nơi tránh trú an toàn.
Huyện Tiên Lãng vận động, kêu gọi 159 phương tiện vào bờ an toàn; huy động lực lượng chằng chống bão cho 156 trang trại, thu hoạch 200 ha diện tích rau màu các loại. Các huyện, quận: Thủy Nguyên, Vĩnh Bảo, An Dương, An Lão, Kiến An, Kiến Thuỵ, Hồng Bàng, Lê Chân, Kiến An, Ngô Quyền, Hải An đã ban hành công điện, công văn chỉ đạo các xã, phường, đơn vị trực thuộc thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống bão; kiểm tra, sẵn sàng phương án ứng phó thiên tai, sơ tán dân và xử lý các vị trí có thể xảy ra ngập úng, ngập lụt trên địa bàn…
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết ảnh hưởng của hoàn lưu bão, đảo Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; đảo Cô Tô có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9; Cửa Ông có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7; Đầm Hà (Quảng Ninh) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9. Ở khu vực ven biển phía Đông Bắc Bộ đã xuất hiện mưa lớn trong đêm, có nơi mưa rất lớn như: Cát Bà (Hải Phòng) 215mm, Vân Đồn (Quảng Ninh) 108mm...
4h sáng nay, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,1 độ Vĩ Bắc; 107,6 độ Kinh Đông, trên vùng ven biển Quảng Ninh-Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (62-88km/h), giật cấp 11, di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 10km/h.Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 (tên quốc tế là Prapiroon), ở đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) đã có gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; đảo Cô Tô (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 6, giật cấp 9; Cửa Ông (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 6, giật cấp 7; Đầm Hà (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 6, giật cấp 9.
Ven biển phía Đông Bắc Bộ mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Cát Bà (Hải Phòng) 215mm, Vân Đồn (Quảng Ninh) 108mm...
Chiều 23/7, ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh - Nam Định triều cường cao, mực nước tại Hòn Dấu 3,8-4m, Cửa Ông 4,6-4,8m, làm chậm quá trình thoát lũ trên các sông, gây ngập tại khu vực trũng, thấp ven biển, ven sông.
Ngoài ra, từ sáng 23/7 đến ngày 24/7, Đông Bắc Bộ mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm, cục bộ có nơi trên 300mm. Từ đêm 24/7, mưa lớn ở Đông Bắc Bộ giảm dần.
Từ sáng 23/7 đến đêm 24/7, Tây Bắc Bộ và Thanh Hóa mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến 50-100mm, cục bộ có nơi trên 200mm.
Chiều và đêm 23/7, Nghệ An đến Quảng Trị, Tây Nguyên và Nam Bộ mưa rào và dông, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa 15-30mm, cục bộ có nơi trên 70mm.
Từ 25/7, mưa lớn ở Tây Bắc Bộ và Thanh Hóa xu hướng giảm dần.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/bao-so-2-do-bo-quang-ninh-hai-phong-rot-rao-ung-pho-179240723083100973.htm