Báo động tình trạng nghiện game nặng phải nhập viện trong giới trẻ
Theo thống kê tại Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), có sự gia tăng thanh thiếu niên đến khám, điều trị nghiện game, internet và các bệnh rối loạn tâm thần kèm theo. Lứa tuổi nghiện game chủ yếu là từ 10-24 tuổi. Đa số các em nhập viện trong tình trạng nặng, chơi game lâu năm, có các rối loạn cảm xúc, hành vi kèm theo…
Nghiện game online gia tăng trong giới trẻ
Game online là một hình thức giải trí phổ biến hiện nay, nhất là đối với thanh thiếu niên. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát được hành vi chơi game của mình, thanh thiếu niên có thể bị nghiện game online, luôn bị thôi thúc bởi ham muốn được chơi khi tham gia hoạt động khác. Nghiện game online không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, học tập, giao tiếp mà còn có thể gây ra các bệnh rối loạn tâm thần kèm theo.
Trường hợp của P.M.Q., 21 tuổi, ở Hà Nội, bệnh nhân là sinh viên khoa công nghệ sinh học tại một trường đại học của Hà Nội nhưng hiện đã phải dừng học. Bệnh nhân được gia đình đưa vào Viện Sức khỏe tâm thần điều trị vì dễ cáu gắt, chơi game online nhiều. Đây là lần thứ 2 bệnh nhân phải nhập viện vì nghiện game đến mức mất kiểm soát hành vi, bỏ bê mọi việc, chỉ sống trong thế giới game.
Trước đó, người nhà cho biết, P.M.Q. từng có những sang chấn tâm lý thời ấu thơ bởi bố mẹ ly hôn. Cậu được mẹ rất chiều chuộng, là người vui vẻ, hòa đồng. Cậu bắt đầu chơi game online nhiều từ năm lớp 7, ban đầu chỉ là được bạn bè rủ chơi cùng vì tò mò. Sau đó, cậu thấy rất thích thú vì giúp giải tỏa căng thẳng học tập và có quen nhiều bạn bè hơn.
Dần dần P.M.Q. chơi cả ngày lẫn đêm, chỉ cần được nghỉ học là cậu sẽ dùng máy tính để chơi game. Đáng lưu ý, Q.dành 10-12 tiếng/ ngày để chơi game, có khi bỏ bữa hoặc chỉ ăn uống qua loa như mỳ tôm hay nước tăng lực... Hai ngày trước khi vào viện, cậu có biểu hiện bồn chồn, cáu gắt nhiều, đêm ngủ kém, khoảng 2-3 tiếng/đêm, ăn uống kém. Sau đó, gia đình đã đưa cậu đến điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần. Cậu đã điều trị rối loạn tâm thần 2 đợt (tháng 3/2-23 và tháng 6/2023) nhưng bệnh thuyên giảm ít.
Những nguy hiểm của nghiện game và cách phòng ngừa
Nghiện game là một vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và cuộc sống của nhiều người trẻ. Theo thống kê từ Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), có sự gia tăng số lượng thanh thiếu niên nghiện game đến khám và điều trị tại Viện. Mỗi tháng có nhiều thanh thiếu niên đến khám vì nghiện game, trong đó có 3-4 trẻ phải nhập viện điều trị. Lứa tuổi nghiện game chủ yếu là từ 10-24 tuổi. Đa số các em nhập viện trong tình trạng nặng, chơi game lâu năm, có các rối loạn cảm xúc, hành vi kèm theo.
Theo các chuyên gia của Viện Sức khỏe tâm thần, tỷ lệ mắc nghiện game toàn cầu ở mức 8,5% đối với nam và 3,5% đối với nữ. Trong tất cả các khu vực toàn cầu, châu Á cho thấy tỷ lệ lưu hành cao nhất (6,3%), Bắc Mỹ (3,6%), châu Đại Dương (3,0%) và châu Âu (2,7%). Ngoài ra, trẻ em và nhóm tuổi vị thành niên có tỷ lệ lưu hành cao nhất (6,6%).
Bác sĩ Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc - Phó phòng Sử dụng chất và Y học hành vi của Viện cho biết, nghiện game là khi “người chơi” chơi game một cách cưỡng bức, bỏ qua các sở thích khác; hoạt động trực tuyến liên tục và lặp đi lặp lại dẫn đến tình trạng suy yếu hoặc đau khổ... Người nghiện game dành phần lớn thời gian cho game dẫn đến suy giảm về kết quả học tập và giảm hiệu suất công việc. Họ trải qua các triệu chứng cai khi không chơi game như bồn chồn, bứt dứt, cáu gắt…
Ngoài ra, bác sĩ Ngọc chỉ ra rằng, sử dụng internet khiến cho hệ thống tưởng thưởng của não bộ tiết ra các chất như dopamine, gây ra cảm giác hưng phấn và thỏa mãn. Điều này dẫn đến việc người dùng muốn trải nghiệm cảm giác này nhiều lần hơn và dễ dàng dẫn đến nghiện.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, nguyên nhân người trẻ nghiện game là do sự phát triển tâm sinh lý muốn trở thành người lớn, muốn được tôn trọng hoặc do sang chấn tâm lý thời thơ ấu. Khi nghiện người bệnh chơi game như một cách thể hiện bản thân và cảm xúc. Nhiều trường hợp cảm thấy sự yếu kém của bản thân do thất bại trong cuộc sống thực tại, tự ti về bản thân, không được tôn trọng. Các bạn trẻ sẽ khẳng định bản thân ở thế giới ảo.
Bác sĩ Ngọc cảnh báo, các bậc phụ huynh cần nghĩ đến khả năng trẻ nghiện internet, nghiện game khi trẻ sử dụng internet không với mục đích học tập, làm việc từ 1 đến 2 tiếng hoặc trên 4 tiếng một ngày, kèm theo các biểu hiện như tăng thời gian sử dụng, giảm hứng thú với các hoạt động khác, phản ứng mạnh mẽ khi bị hạn chế thời gian sử dụng…
Khi phát hiện trẻ có biểu hiện nghiện game, internet cha mẹ cần giám sát thời gian sử dụng của trẻ. Cụ thể, thời gian sử dụng máy tính, điện thoại để chơi game không quá 1 tiếng với ngày bình thường và không quá 2 tiếng với ngày nghỉ. Ngoài ra, cha mẹ cần cân bằng các hoạt động khác cho trẻ, cho trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa, các môn thể thao phát triển thể chất, vui chơi lành mạnh. Khi thấy trẻ không cải thiện tình trạng, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa tâm thần để được điều trị phù hợp.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Dũng - Phó viện trưởng, Viện Tâm Thần - Bệnh viện Bạch Mai: "Nghiện game không phải yếu tố tâm lý. Tuy nhiên, nghiện là một bệnh của não bộ làm biến đổi thể chất và tinh thần của người bệnh...".
Các nhà khoa học có chia ra làm 4 mức độ chơi game. Mức 1, chỉ dùng một lúc, không gây ra bất kì triệu chứng nào. Mức 2, dùng một khoảng thời gian như các ngày nghỉ lễ, nghỉ hè… cũng không gây biến đổi về sức khỏe. Mức 3, lạm dụng game để thay thế cho các hoạt động khác tức là đã có biến đổi về tâm lý và các triệu chứng cơ thể như mệt mỏi, ăn uống thất thường, ngủ kém. Mức 4, nghiện game và hoàn toàn phụ thuộc vào game, khi thiếu chơi hoặc bị gián đoạn thì người nghiện sẽ bồn chồn, bất an, cáu giận và thậm chí kích động những hành vi tiêu cực.
Nghiện game không phải yếu tố tâm lý, nhưng sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe tinh thần của "con nghiện", gây ra những rối loạn về cả thể chất và tinh thần. Muốn điều trị các rối loạn này cần điều trị về thể chất và cũng như tinh thần thì cần các trị liệu về tái thích ứng cộng đồng xã hội. Cần có sự giáo dục về các tác dụng có hại của máy tính (nguy cơ gây hại) để đề phòng. Cần hiểu rõ các rối loạn để luyện tập và tái thích ứng với cộng động cũng như điều trị bằng hóa dược để hết các triệu chứng.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/bao-dong-tinh-trang-nghien-game-nang-phai-nhap-vien-trong-gioi-tre-179230726073359367.htm