Ban hành tiêu chí đánh giá trường học an toàn
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành Thông tư 18/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/12/2023.
1. Tai nạn thương tích là sự việc xảy ra ngoài ý muốn hoặc do chủ ý của chủ thể gây nên tổn thương về thể chất, tinh thần cho người khác hoặc cho chính chủ thể.
2. Trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích là trường học mà ở đó người học, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và khách đến làm việc được bảo đảm an toàn về thể chất, tinh thần, không bị bạo lực học đường; được bảo vệ, đối xử công bằng, nhân ái và phát huy dân chủ; giảm thiểu tối đa các yếu tố nguy cơ gây tai nạn thương tích.
Nguyên tắc xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích được quy định: Là công việc trọng tâm, thường xuyên của mỗi nhà trường, được ưu tiên triển khai phù hợp với nhu cầu phát triển giáo dục và điều kiện thực tiễn của địa phương, nhà trường.
Có sự tham gia của chính quyền địa phương và cộng đồng; phát huy sự tham gia tích cực và hiệu quả của người học, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và cha mẹ học sinh.
Công tác kiểm tra, đánh giá phải bảo đảm thường xuyên, khách quan, trung thực, kịp thời, công khai, minh bạch.
Nội dung xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích
Điều 4 Thông tư 18/2023/TT-BGDĐT quy định: Bảo đảm an toàn về cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện, tài liệu, học liệu dạy học phục vụ hoạt động giáo dục của nhà trường.
Bảo đảm an ninh, trật tự trường học; phòng, chống bạo lực học đường, tội phạm, tệ nạn xã hội; hướng dẫn người học tham gia môi trường mạng an toàn, lành mạnh, đúng quy định của pháp luật.
Giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước; an toàn giao thông; phòng cháy, chữa cháy; ứng phó với thảm họa, thiên tai; phòng, chống ngã, va đập, điện giật và một số loại hình tai nạn thương tích thường gặp khác.
Bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người học: phòng, chống dịch, bệnh học đường; bảo đảm an toàn thực phẩm; phòng, chống tác hại của thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá mới, rượu, bia và các chất gây nghiện khác.
Thực hiện quy tắc ứng xử, quy chế dân chủ trong nhà trường; giáo dục sức khỏe tâm thần; thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho người học và công tác xã hội trong nhà trường.
Việc quản lý hoạt động xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích được quy định rõ tại Điều 5 của Thông tư. Theo đó: Ban hành, tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động theo từng năm và giai đoạn, gắn với kế hoạch giáo dục và phát triển của nhà trường; xác định cụ thể các nguồn lực triển khai, lộ trình thực hiện các tiêu chí trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
Cùng với đó, xây dựng, tổ chức thực hiện quy chế phối hợp xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích giữa các tổ chức trong nhà trường; giữa nhà trường với cha mẹ học sinh, trong đó xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức liên quan.
Xây dựng phương án phòng ngừa, xử lý trước, trong và sau khi xảy ra tai nạn thương tích trong nhà trường và phối hợp xử lý ở ngoài nhà trường; kế hoạch, phương án bảo đảm an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích cho người học khi nhà trường tổ chức hoặc phối hợp tổ chức hoạt động giáo dục ngoài nhà trường.
Thiết lập kênh tiếp nhận thông tin và hệ thống ghi chép, theo dõi, giám sát diễn biến tình hình xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích của nhà trường.
Tổ chức kiểm tra thường xuyên, định kỳ các hoạt động xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong nhà trường và việc chấp hành các quy định đối với người học, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.
Giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích cho người học
Điều 9 Thông tư 18/2023/TT-BGDĐT quy định: Thực hiện giáo dục lồng ghép, tích hợp các nội dung xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong các môn học và hoạt động giáo dục.
Giáo dục kiến thức, kỹ năng về bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; phòng, chống bạo lực học đường, tội phạm, tệ nạn xã hội trong nhà trường, cộng đồng và trên môi trường mạng.
Giáo dục kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước, chú trọng kỹ năng bơi, kỹ năng an toàn trong môi trường nước; phối hợp với gia đình, chính quyền, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, tổ chức dạy bơi an toàn, phòng, chống đuối nước cho người học trong cộng đồng.
Giáo dục kiến thức, kỹ năng về an toàn giao thông và phối hợp với gia đình trong việc giám sát thực hiện việc bảo đảm an toàn giao thông cho người học trong cộng đồng.
Giáo dục kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường, ứng phó với thảm họa, thiên tai, phòng, chống tai nạn thương tích khác như ngã, va đập, điện giật, bỏng, ngộ độc, động vật tấn công.
Tổ chức các tổ, đội, nhóm, câu lạc bộ giúp người học chủ động thực hiện một số hoạt động, chuyên đề rèn luyện kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích trong nhà trường và hỗ trợ nhau trên đường đi học, trong gia đình và cộng đồng.
Thông tư cũng quy định kết quả đánh giá trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích theo 2 mức: a) Mức "Đạt": Có tối thiểu 80% tiêu chí được đánh giá ở mức "Đạt", trong đó 100% tiêu chí bắt buộc phải được đánh giá ở mức "Đạt"; b) Mức "Chưa đạt": Không đáp ứng quy định tại điểm a.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/ban-hanh-tieu-chi-danh-gia-truong-hoc-an-toan-179231104075012788.htm