Bài thơ "Tình em" vào đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn
Bài thơ "Tình em" của nhà thơ Hồ Ngọc Sơn được chọn làm ngữ liệu cho câu nghị luận văn học đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn 12 tỉnh Hải Dương.
Gợi ý đáp án câu nghị luận văn học
* Giải thích ý kiến: Thơ là hình thức tổ chức ngôn từ đặc biệt, tuân theo mô hình thi luật hoặc nhịp điệu nhất định. Với hình thức ngôn từ như thế, thơ có khả năng diễn tả được những tình cảm mãnh liệt hoặc những ấn tượng, xúc động tinh tế của con người trước thế giới. "Lời ít" là dung lượng câu chữ ngắn gọn, hàm súc. "Ý không cùng" là ý nghĩa nội dung không bị giới hạn bởi câu chữ, lời ít mà gợi nhiều.
Nhận định đề cập đến đặc trưng ngôn ngữ thơ, sức nén trong từng câu chữ. Tuy thơ có dung lượng ngôn ngữ hạn chế nhưng có khả năng chứa đựng những tầng tư tưởng, cảm xúc, ấn tượng về cuộc đời và con người.
* Ý kiến trên xuất phát từ đặc trưng của thơ ca: Tính hàm súc (lời ít ý nhiều, lời dừng mà ý mở ra không dừng) là cái đẹp của thơ nói chung. Ngôn ngữ thơ chú trọng gợi chứ không thiên về kể, tả. Chỉ vài nét chấm phá nhưng gợi bao điều muốn nói. Không chỉ ý nghĩa từ vựng của ngôn từ mà cả nhịp điệu, nhạc tính, cấu trúc,... của thơ cũng tham gia bày tỏ cảm xúc trong thơ.
Do quy mô của tác phẩm, thơ ca thường rất "kiệm lời". Vì thế nhà thơ gửi gắm thông điệp qua những kí hiệu đã được mã hóa, qua từng con chữ đắt giá (nhãn tự, biện pháp tu từ…).
Mỗi hình ảnh thơ là những sự vật, hiện tượng, trạng thái đời sống được tái tạo bằng ngôn từ đều có khả năng gợi ra những ý nghĩa tinh thần cho người đọc.
Ngôn ngữ văn học nói chung, ngôn ngữ thơ ca nói riêng mang tính đa nghĩa. Thơ là nghệ thuật bậc nhất của trí tưởng tượng, gợi lên trong người đọc qua liên tưởng, hồi tưởng với những hình ảnh vừa thực, vừa ảo... nên lời dừng mà ý chưa dừng.
* Ý kiến xuất phát từ thiên chức của nhà thơ: Mỗi bài thơ chứa đựng cảm nhận riêng của nhà thơ về con người, cuộc sống, thể hiện trực tiếp hoặc gián tiếp cảm xúc, tâm trạng của thi nhân, gửi gắm thông điệp, triết lý, suy tư về cuộc đời và con người.
Tài năng của nhà thơ được thể hiện qua việc tinh luyện, chắt lọc ngôn ngữ để tạo nên "ý không cùng".
* Xuất phát từ sự tiếp nhận của người đọc với một bài thơ hay: Người đọc có nhu cầu khám phá qua lớp vỏ ngôn từ những tầng tư tưởng tình cảm, nhận thức.
- Người đọc có khả năng gợi mở, khơi sâu "ý không cùng" qua số lượng ngôn ngữ ít ỏi.
Chứng minh: "Tình em" là bài thơ "lời ít". Thể thơ ngũ ngôn ngắn gọn; từ ngữ cô đọng, hàm súc: giàu khả năng gợi hình, liên tưởng (xanh rời rợi, hửng, căng máu nóng, đỏ mọng …); dồn nén cảm xúc (lưu luyến, nhớ thương, âu yếm, thiết tha …).
Biện pháp tu từ: hình ảnh so sánh độc đáo; phép điệp từ, điệp cấu trúc. Ngôn ngữ mang tính đa nghĩa, giàu tính biểu tượng; hệ thống hình ảnh giàu khả năng liên tưởng (chiếc lá, khe suối, lửa hồng, sông dài…). Nhịp điệu, nhạc tính của bài thơ chứa đựng cảm xúc và ý nghĩa.
"Tình em" chứa đựng "ý không cùng": Tái hiện bức tranh hiện thực cuộc sống: sự xa cách trong tình yêu (Anh đi xa bao núi; Anh đi xa càng xa; Anh đi xa xa mãi; Anh đi biệt tháng ngày …), cuộc chiến đấu gian nan, sự kiên cường của người lính và chờ đợi của hậu phương (Đường giải phóng gian nan; Trong đường đời chiến đấu).
Bộc lộ tình yêu tha thiết, sâu đậm của "anh" và "em" trong hoàn cảnh chia xa: Hình ảnh so sánh và điệp từ, điệp cấu trúc liên tiếp gợi tả những cung bậc "tình em" dành cho anh: tình em lưu luyến, nhớ nhung, quấn quýt không rời, lặng lẽ song hành khắp nẻo đường chiến đấu cùng anh (Tình em như khe suối/Chảy theo anh khắp rừng; Tình em như sông dài);
Tình em dịu dàng âu yếm hướng anh đến những gì đẹp đẽ nhất (Tình em như cỏ hoa); Tình em ấm áp, nồng nàn sưởi ấm anh trong đêm đông lạnh lẽo (Tình em là lửa hồng/ Rực cháy giữa đêm đông/ Mặt trời lên đỏ mọng/ Như môi em tươi hồng); tình em nâng đỡ tiếp thêm sức mạnh cho anh vượt qua mọi gian nan, vững bước trên những nẻo đường xa (Tình em là buồm căng/ Làm cánh gió em ơi/ Làm cánh chim em ơi …)
Chứa đựng những suy ngẫm triết lý sâu sắc về quy luật cuộc đời và quy luật tình yêu: Khi chiếc lá xa cành/ Lá không còn màu xanh./ Mà sao em xa anh, /Đời vẫn xanh rời rợi;
Quan niệm về tình yêu, sức mạnh kỳ diệu của tình yêu đôi lứa: Tình yêu là sự sống; sự thuỷ chung đợi chờ, tin yêu của hậu phương chính là cội nguồn sức mạnh của cuộc chiến đấu anh hùng;
Đánh giá: Nhận định"Một bài thơ hay là lời ít mà ý không cùng" đã khái quát xác đáng đặc trưng cơ bản và đặt ra tiêu chuẩn của "một bài thơ hay". Bên cạnh việc sử dụng từ ngữ theo những đặc trưng của thơ, các yếu tố nghệ thuật khác phải được đan cài để biểu đạt nội dung, tư tưởng, tình cảm thì thi phẩm mới trở thành một bài thơ hay, độc đáo, hấp dẫn.
Bài học: Với người sáng tác: có ý thức trau dồi tài năng, công phu trong lựa chọn ngôn từ, tạo ra những ẩn ý, biểu tượng, những khoảng trống bỏ ngỏ để tác phẩm văn học có khả năng "mở ra những chân trời mới".
Với người đọc: nâng tầm đón nhận, hòa mình vào tác phẩm để khám phá những giá trị phong phú của ngôn từ; tự do trong cảm thụ nhưng không áp đặt ý kiến chủ quan lên tác phẩm.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/bai-tho-tinh-em-vao-de-thi-hoc-sinh-gioi-mon-ngu-van-179241106071315459.htm