Bậc thầy tượng nhà mồ Tây Nguyên - Ksor Hnao

14:00 - 15/03/2023

Nói đến nghệ thuật đẽo tượng nhà mồ Tây Nguyên, không ai qua mặt được Nghệ nhân Ưu tú Ksor Hnao. Ông dạy cho bao thế hệ người Tây Nguyên, còn dạy cả người nước ngoài yêu văn hóa Tây Nguyên đẽo tượng nhà mồ.

Bậc thầy tượng nhà mồ Tây Nguyên - Ksor Hnao - Ảnh 1.

Nghệ nhân Ưu tú Ksor Hnao. Ảnh: TTH.

Tôi cần học trò

Nghệ nhân Ksor Hnao - người đẽo tượng nhà mồ Tây Nguyên trứ danh hiện ở làng Kép, một ngôi làng cổ của người Jrai nằm phía Bắc thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Ông là người còn lại hiếm hoi của Tây Nguyên đủ tài nghệ tạc tượng nhà mồ, chỉnh chiêng, chế tác nhạc cụ, sử dụng nhạc cụ dân tộc, ủ rượu ghè, thuộc các bài ca cổ Jrai. Đặc biệt hơn nữa, ông còn có thể truyền dạy tất cả những kỹ năng rất khó kể trên.

Trò chuyện với tôi, ông luôn than thở một cách khẩn thiết: "Tôi thiếu người để dạy, sao ít người trẻ muốn học văn hóa dân tộc thế?”.

Ông dạy cả người nước ngoài và du học sinh nước ngoài sang Việt Nam tìm hiểu về văn hóa các dân tộc. Đôi khi ngôn ngữ bất đồng, ông không giao tiếp được, chỉ làm mẫu để họ làm theo. Lúc chỉnh chiêng và chơi đàn thì thày trò chả cần nói gì cả. Bản thân nhạc cụ có ngôn ngữ của nó, dù khó thế nào đánh đàn lọt tai thì nghe là hiểu - Ksor Hnao thật lòng nói.

Ksor Hnao tham gia bất cứ sự kiện nào về chế tác hoặc trưng bày tái hiện lại nghệ thuật đẽo tượng gỗ Tây Nguyên. Tuy nhiên, hễ tham gia lại được giải nhất. Điều này ông không thích lắm. Riết rồi bằng khen, chứng nhận treo đầy nhà. "Phải có nhiều người biết đẽo tượng gỗ dân gian hơn, người học được cách đẽo tượng ít quá" – Ông nói.

Các bảo tàng dân gian, khu du lịch của 5 tỉnh, thành Tây Nguyên đều có trưng bày tượng nhà mồ do nghệ nhân Ksor Hnao tự tay làm. Khu tượng nhà mồ Tây Nguyên tại Làng Văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) cũng do ông chế tác.
Bậc thầy tượng gỗ nhà mồ Tây Nguyên - Ksor Hnao - Ảnh 2.

Nghệ nhân Ksor Hnao khoe tài sản vô giá của ông gồm rất nhiều bằng khen hằng năm cho thành tích giữ gìn và truyền dạy văn hóa dân tộc trong nhà mình. Ảnh: TTH.

Ksor Hnao - chân dung được chọn cho nghệ thuật đẽo tượng nhà mồ Tây Nguyên

12 tuổi, Ksor Hnao đã say mê tiếng chiêng, trống, tiếng kèn và không khí lễ hội làng. Cậu bé thường vác rựa lẽo đẽo theo người già bắt chước đẽo tượng nhà mồ. 14 tuổi, Ksor Hnao đã say mê ngồi nhìn hàng giờ những người lớn tạc tượng. Chờ lúc nhóm thợ đi ăn trưa, ông lén lấy rìu tạc tiếp bức tượng đang dang dở. Buổi chiều, những người thợ cả quay lại, cậu bé Ksor Hnao đã đẽo hoàn chỉnh các bức tượng đẹp đẽ làm mọi người sửng sốt.

Quan trọng là các bức tượng "đầu đời" ấy có hồn một cách kỳ lạ, như người tạc tượng sinh ra được lựa chọn cho nghệ thuật đẽo tượng nhà mồ Tây Nguyên trở thành bất hủ như bây giờ.

Ông kể về tuổi trẻ của mình rồi "chốt" một câu như nhát rìu khắc vào súc gỗ quý: "sự say mê là thầy của những người thầy".

Rồi giảng giải thêm: niềm yêu thích từ bên trong ông, như một sự xui khiến vô hình đã dẫn dắt ông tới với nghệ thuật dân gian của dân tộc mình. Tất cả là tự học và chưa từng được một ai chỉ dạy cụ thể. Ksor Hnao “bung ra” từ bản thân ông những ý niệm về nghệ thuật, tự rèn giũa kỹ năng đến thành thạo và dần trở thành “tượng đài” lớn.

Tâm hồn ông như một kho tàng tích trữ nhiều loại hình văn hóa. Ksor Hnao là một trường hợp hiếm gặp và sau này Tây Nguyên sẽ hiếm có một người thứ 2 như ông.

Tượng nhà mồ Tây Nguyên tạo tác bằng tình cảm

Trước đây, lễ bỏ mả (lễ pơ thi) của người Jrai là một kì lễ lớn trong số các nghi lễ vòng đời của họ. Ksor Hnao nói, gia đình nào làm lễ bỏ mả thì mới có dịp để tụ tập cả làng, ăn uống linh đình và tổ chức đẽo tượng nhà mồ. Thậm chí, chỉ những nhà có của ăn, của để mới có thể làm lễ bỏ mả được. Vì nghi lễ này quá tốn kém. Riêng việc tổ chức ăn uống cho hàng trăm người suốt 5 ngày liền đã làm vãn đi phần lớn gia sản của nhà chủ.

Thường thì người đẽo tượng nhà mồ không bao giờ có thù lao, chỉ đến ăn cơm và làm giúp. Căn nhà nhỏ bên trên nấm mồ, lợp lá, vẽ hoa văn, đặt xung quanh những pho tượng đẽo thô sơ bằng rựa và gỗ tạp chính là buôn làng dành cho người chết.

Tượng gỗ nhà mồ phải là những súc gỗ được đẽo bằng rìu, thô ráp và hằn những lưỡi rìu trên thân tượng. Mọi thứ tượng dùng máy mài trơn tru, sơn phết màu sắc đều không phải là tượng nhà mồ nguyên bản.

Lễ bỏ mả là tiệc chia tay của người sống và người đã khuất. Họ để tượng gỗ ở lại bầu bạn với người chết. Vì vậy, người đẽo tượng dường như dồn hết sức tưởng tượng vào đẽo những pho tượng sống động như có linh hồn. Bên mồ người đàn ông thường có con chim bồ cành lớn, một loại chim đi săn của người Jrai xưa, có rựa, rìu, ống nước, nỏ. Bên mộ người đàn bà có gùi, chóe, bát đũa, khung dệt... Đó là những vật dụng quen thuộc trong đời sống.

Ksor Hnao nói, hình ảnh quen thuộc nhất của tượng gỗ nhà mồ Tây Nguyên là tượng người chống cằm buồn khổ (ý là buồn nhớ người đã khuất), người giã gạo bằng chày và em bé trên lưng mẹ. Một cuộc sống sum vầy được tái hiện lại dành cho người dưới mồ.

Về sau này, cũng từ những bàn tay như Ksor Hnao, những tượng gỗ mới ra đời như tượng nam nữ ôm nhau, vợ chồng, người mang bầu, đi săn... “Đó là những biến thể chấp nhận được” – Nghệ nhân Hnao cười.

Chính ông là người dám khẳng định, tượng gỗ nhà mồ là của nả của người đã khuất. Buôn bán tượng gỗ đã để lại bên mộ khác gì cưỡng đoạt của người chết?

Ksor Hnao không nhớ đã truyền dạy cho bao nhiêu học trò cách đẽo tượng nhà mồ, tỉ mỉ từ chọn gỗ, chọn vân gỗ cho phù hợp với chi tiết bức tượng, nét rựa sắc ngọt để điểm thần thái tượng... nhưng không ai đẽo được những bức tượng với nét rựa khoáng đạt, mạnh mẽ, cảm xúc như ông.

Mỗi lần có đợt đẽo tượng mới do bảo tàng, nhà văn hóa đặt hàng, ông gọi các học trò tới, tranh thủ truyền dạy. Dễ nhận thấy trong xưởng của ông chỉ có các dăm gỗ từ việc đẽo bằng rựa, dao rừng, rìu... không dùng máy móc.

Tôi ngồi lại trong khu vườn nhà nghệ nhân trò chuyện với ông về nhiều loại hình nghệ thuật dân gian mà ông thành thạo, kể cả cách ủ rượu ghè. Với phong thái dung dị, giản đơn và thong dong, gương mặt Ksor Hnao hòa lẫn vào sắc thái những pho tượng gỗ do ông tạo tác, đẹp như bức tranh Tây Nguyên tháng 3.

Bậc thầy tượng gỗ nhà mồ Tây Nguyên - Ksor Hnao - Ảnh 3.

Nghệ nhân Ksor Hnao và cây đàn
đing

goong
- nhạc cụ dân tộc Jarai do chính ông chế tác và cũng chỉ ông biết cách chơi đàn. Ảnh: TTH.

Tượng nhà mồ do nghệ nhân Ksor Hnao chế tác. Ảnh: TTH.

Bậc thầy tượng gỗ nhà mồ Tây Nguyên - Ksor Hnao - Ảnh 5.

Trong khoảnh vườn rực nắng của Ksor Hnao, những bức tượng gỗ được ông tạc rất khéo như chứa đựng một đời sống riêng. Ảnh: TTH.

Bậc thầy tượng gỗ nhà mồ Tây Nguyên - Ksor Hnao - Ảnh 6.

Tượng gỗ do Ksor Hnao chế tác chủ yếu là con người và muông thú. Ảnh: TTH.

Bậc thầy tượng gỗ nhà mồ Tây Nguyên - Ksor Hnao - Ảnh 7.

Đẽo tượng gỗ bằng rìu để điểm thần thái trên gương mặt người là khó nhất - nghệ nhân làm tượng gỗ Tây Nguyên Ksor Hnao chia sẻ. Ảnh: TTH.

Bậc thầy tượng gỗ nhà mồ Tây Nguyên - Ksor Hnao - Ảnh 8.

Nét cổ xưa cuốn hút trong khu vườn trưng bày nhiều tượng gỗ của nghệ nhân Ksor Hnao. Ảnh: TTH.

Bậc thầy tượng gỗ nhà mồ Tây Nguyên - Ksor Hnao - Ảnh 9.

Nhiều người trẻ ở Tây Nguyên thích nghệ thuật đẽo tượng gỗ nhà mồ tuy nhiên không phải ai cũng học được. Ảnh: TTH.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/bac-thay-tuong-nha-mo-tay-nguyen-ksor-hnao-179230314143148732.htm