Bạc Liêu: Khuyến học khuyến tài nhằm nâng cao dân trí, chất lượng cuộc sống, xóa đói giảm nghèo
Bạc Liêu xác định khuyến học khuyến tài không phải chỉ đi phát học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo mà còn phải làm nhiệm vụ thúc đẩy sự ham học, phát huy truyền thống hiếu học trong nhân dân, trong đó có cả người lớn.
Bạc Liêu xem khuyến học khuyến tài là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và của mỗi người, mỗi gia đình
Tại Hội nghị bàn nhiệm vụ, giải pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu mới đây, công tác khuyến học khuyến tài được xem là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và của mỗi người, mỗi gia đình, là hướng đến mục tiêu nâng cao dân trí, chất lượng cuộc sống, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân.
Qua 5 năm thực hiện Kết luận 49 của Ban Bí thư khóa XII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị khóa X về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập", và nhiều quyết định, chương trình, kế hoạch liên quan được triển khai sâu rộng, đều khắp từ Trung ương đến địa phương, cơ sở, công tác khuyến học, khuyến tài của Bạc Liêu ngày càng phát triển với chất lượng và hiệu quả cao hơn.
Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu đã phát huy vai trò nòng cốt trong liên kết, phối hợp thúc đẩy phong trào khuyến học khuyến tài, xây dựng nhiều mô hình "Đơn vị học tập" trong các cơ quan, đơn vị, trường học, lực lượng vũ trang.
Hội khuyến khích mỗi đơn vị có biện pháp phù hợp thúc đẩy việc học tập suốt đời của các thành viên, hội viên trong tổ chức để góp phần cùng với gia đình, dòng họ, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động khuyến học khuyến tài, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, coi đó là nội dung quan trọng trong cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Tổ chức Hội Khuyến học ngày càng phát triển rộng khắp, từ tỉnh đến các địa bàn cơ sở, các cơ sở dân tộc, tôn giáo, cơ quan, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang. Đến nay, toàn tỉnh có 1.787 tổ chức Hội với 448.389 hội viên (chiếm 49,44% dân số). Đặc biệt, từ khi có Kết luận 49 của Ban Bí thư, số hội viên là đảng viên tăng lên 16.770 người, đối với các chi hội ban, ngành, cơ quan, đơn vị, trường học, số đảng viên tham gia hội viên là 100%.
Qua 2 năm triển khai xây dựng các mô hình học tập, (theo Quyết định 387 của Chính phủ), gia đình học tập đạt tỷ lệ 88,23% (so với gia đình hiện có trong toàn tỉnh); dòng họ học tập đạt tỷ lệ 81,09%; đơn vị học tập đạt tỷ lệ 100% (528/528 đơn vị). Tổng số cộng đồng học tập được công nhận là 512, đạt tỷ lệ 100%.
Tổng nguồn vận động cho Quỹ Khuyến học nói chung và công tác xã hội hóa giáo dục trên toàn tỉnh Bạc Liêu 5 năm qua đạt trên 239,1 tỷ đồng. Từ đó, Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu rà soát các đối tượng học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt khó khăn để tặng học bổng, xe đạp, dụng cụ học tập nhằm hỗ trợ, giúp đỡ các em tiếp bước đến trường. số lượng và giá trị học bổng tăng lên hàng năm, góp phần tạo nguồn hỗ trợ, động viên học sinh, sinh viên, kể cả thầy cô giáo có hoàn cảnh khó khăn có thêm điều kiện tiếp bước đến trường dạy tốt, học tốt.
Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu các cấp trong tỉnh đã và đang phát huy vai trò liên kết, phối hợp với nhiều tổ chức và lực lượng xã hội đã tạo nên một phong trào rộng lớn, chất lượng và hiệu quả trong công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Công tác phát triển tổ chức Hội, phát triển hội viên ngày càng nâng cao về số lượng và chất lượng. Hội viên Hội Khuyến học là đảng viên đã làm tốt vai trò nòng cốt trong hoạt động khuyến học khuyến tài, nêu gương, xây dựng các mô hình học tập như: học tập thường xuyên, học tập suốt đời, học không bao giờ cùng theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới được Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu xác định thực hiện là: "Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định toàn bộ công tác của Hội. Phấn đấu mỗi đảng viên phải là "công dân học tập", mỗi gia đình đảng viên phải là một "gia đình học tập", mỗi chi bộ Đảng phải là một "đơn vị học tập". Cán bộ, đảng viên phải làm nòng cốt trong việc xây dựng các mô hình học tập trong nhân dân.
Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu cũng cho rằng, nên xác định khuyến học không phải chỉ đi phát học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo mà còn phải làm nhiệm vụ thúc đẩy sự ham học, phát huy truyền thống hiếu học trong nhân dân, trong đó có cả người lớn, thông qua các phong trào, góp phần nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế trong giai đoạn thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.