Bà Vi Thị Hoàn góp công thắp sáng vùng cao Yên Minh (Hà Giang) bằng sự học

12:22 - 19/10/2023

Yên Minh- huyện nghèo của Hà Giang đang thay đổi từng ngày. Trẻ em được đi học nhiều hơn, số người mù chữ giảm đáng kể, cuộc sống của nhân dân được thắp sáng nhờ sự học. Chứng kiến bao đổi thay ấy, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Yên Minh Vi Thị Hoàn thêm hân hoan với sự nghiệp khuyến học ở nơi "phên dậu" vững vàng cực Bắc.

Bà Hoàn "khuyến học": Người góp công thắp sáng vùng cao Yên Minh, tỉnh Hà Giang - Ảnh 1.

Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang Vi Thị Hoàn. Ảnh: NVCC

"Hơn 30 năm làm trong ngành giáo dục, 13 năm theo đuổi công tác khuyến học, sự phát triển của quê hương là nguồn động viên, niềm vui đối với tôi, để từ đó tiếp tục cống hiến, thúc đẩy tinh thần học tập của người dân", Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang Vi Thị Hoàn tâm sự.

Cả đời làm giáo dục, đến tuổi nghỉ hưu lại về với khuyến học

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Hà Giang nhiều gian khó, bà Vi Thị Hoàn (sinh năm 1959, dân tộc Tày) thấu hiểu những nỗi cơ cực của người dân nơi đây, giữa núi đồi hiểm trở, trập trùng như muốn thử thách bản năng sinh tồn và ý chí vươn lên của con người.

Sớm nhận thức được ý nghĩa của sự học trong cuộc sống khốn khó ấy, bà Hoàn đã theo đuổi sự nghiệp giáo dục, là cô giáo, rồi trở thành hiệu trưởng tại Trường Trung học cơ sở thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang.

Năm 2010, người giáo viên tâm huyết ấy về hưu, nhưng tâm huyết dành cho giáo dục vẫn tràn đầy. Cũng trong năm đó, nhận lời mời của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Yên Minh, được sự ủng hộ của hội viên khuyến học địa phương, bà Vi Thị Hoàn trở thành Chủ tịch Hội Khuyến học huyện.

"Những ngày đầu ở vai trò mới, trọng trách mới, tôi còn chưa nắm rõ hoạt động khuyến học, chỉ có tinh thần làm việc là cao độ thôi. Tôi nghĩ, cứ vận động tài trợ, xây dựng quỹ khuyến học là xong. Nhưng càng tìm hiểu, càng thấy nhiệm vụ của hội khuyến học được Nhà nước giao rất nhiều và rộng.

Học hỏi kinh nghiệm của các huyện bạn, của Hội Khuyến học tỉnh Hà Giang và đọc tài liệu của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cung cấp, tôi nhanh chóng bắt kịp được guồng làm việc và đã biết mình cần phải làm gì", bà Hoàn tâm sự.

Muốn khuyến học, phải có quỹ khuyến học

Khuyến học là tạo điều kiện và thúc đẩy sự học của toàn dân, trẻ em được đến trường, người lớn hăng say học hỏi, tìm tòi kiến thức để áp dụng vào công việc thực tiễn, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Yên Minh là một huyện vùng cao núi đá, khí hậu khắc nghiệt. Đây cũng là một trong 62 huyện nghèo trên cả nước được hưởng chương trình Nghị quyết 30a của Chính phủ. Dân cư hầu hết là người dân tộc thiểu số như Dao, Mông, Tày, Giấy, Nùng, còn lưu giữ nhiều hủ tục lạc hậu. Muốn khuyến học nơi đây phát triển, cần thực hiện từng bước một.

Bà Hoàn "khuyến học": Người góp công thắp sáng vùng cao Yên Minh, tỉnh Hà Giang - Ảnh 2.

Hội Khuyến học huyện Yên Minh tuyên dương học sinh đạt thành tích xuất sắc trong năm học 2022-2023.

Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Yên Minh xác định, phải xây dựng ngay quỹ khuyến học địa phương. Trước tiên, bà Hoàn xin cơ chế của Ủy ban Nhân dân huyện Yên Minh vận động mỗi cán bộ, công chức, viên chức ủng hộ 1 ngày lương vào quỹ khuyến học. Cùng với đó, một mình bà đã rong ruổi đến từng doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, dòng họ, gia đình để kêu gọi gây quỹ.

Trong các nhà trường, dòng họ, gia đình, Hội Khuyến học huyện Yên Minh phát động nhiều mô hình độc đáo như vườn rau khuyến học (đối với những trường có học sinh bán trú); con lợn khuyến học, con gà khuyến học, cây chuối khuyến học (đối với các dòng họ, gia đình).

Mỗi năm, quỹ khuyến học trong toàn huyện Yên Minh thu được hàng trăm triệu đồng. Từ đó, có nguồn lực để khen thưởng những học sinh học khá giỏi, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mua quần áo, sách vở, đồ dùng học tập tặng các học sinh nhân dịp năm học mới…

Ở những vùng sâu, vùng xa, gian nan đưa trẻ đến trường

Làm khuyến học ở huyện vùng cao này, khó nhất là nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của sự học để họ đi học và cho con tới trường.

Bà Hoàn "khuyến học": Người góp công thắp sáng vùng cao Yên Minh, tỉnh Hà Giang - Ảnh 3.

Hội Khuyến học huyện Yên Minh do bà Vi Thị Hoàn làm chủ tịch, được đánh giá là một trong những hội hoạt động hiệu quả, tích cực trong công tác khuyến học của tỉnh Hà Giang. Ảnh: NVCC

Bám trường, bám bản cả một đời làm giáo viên, bà Hoàn không còn xa lạ với những cảnh đi vận động từng gia đình cho các con đến lớp và thuyết phục người dân đi học. Sau khi về hưu, là người đứng đầu Hội Khuyến học huyện Yên Minh, kinh nghiệm ấy của bà lại được ứng dụng đầy hiệu quả.

"Các gia đình vùng sâu vùng, xa thường không cho con đi học. Chúng tôi đi bộ mấy cây số đến vận động, các cháu nhỏ còn trốn đi, thậm chí không cho vào nhà. Những trường hợp ấy, chúng tôi phải đến nhiều lần.

Khi thì gom bánh kẹo, khi thì quần áo, túi bột ngọt, túi muối… cái gì tặng được thì tặng, để gia đình và các em thấy được sự chân thành của chúng tôi.

Có gia đình còn nói thẳng: Đi học cũng ăn, không đi học cũng ăn, vậy chẳng đi làm gì cho đỡ tốn kém đủ thứ. Khi đó tôi phải phân tích rõ với họ rằng: có kiến thức và kỹ thuật, việc trồng lúa, trồng ngô, chăn nuôi sẽ năng suất hơn, kinh tế khá hơn, bữa ăn sẽ ngon hơn so với những người không được đi học. Lấy dẫn chứng của các gia đình ở địa phương có kinh tế khá nhờ sự học, họ cũng dần hiểu, tham gia lớp học xóa mù chữ và cho các con đến trường.

Song, cũng có những gia đình bắt con cái ở nhà bởi nếu đi học sẽ không có ai làm nương. Khi ấy, tôi lại vận động đoàn thanh niên cùng các cô giáo đến nhà giúp gia đình làm nương. Có vậy họ mới cho con đi học", bà Hoàn kể.

"Trái ngọt" ở tuổi hưu của bà Vi Thị Hoàn

Bên cạnh những hoạt động trên, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Yên Minh rất chú trọng việc tham mưu với cấp ủy, chính quyền các kế hoạch triển khai công tác khuyến học hiệu quả, triển khai các mô hình học tập đến từng thôn bản, dòng họ, gia đình, người dân.

Bà Hoàn "khuyến học": Người góp công thắp sáng vùng cao Yên Minh, tỉnh Hà Giang - Ảnh 4.

Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Yên Minh Vi Thị Hoàn (thứ 2 từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI, nhiệm kỳ 2021-2026 cùng lãnh đạo Hội Khuyến học Việt Nam. Ảnh: NVCC

Tính đến cuối năm 2022, toàn huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang có 36.895 hội viên hội khuyến học. 13.576 gia đình đăng ký danh hiệu Gia đình học tập. 16 dòng họ đăng ký Dòng họ học tập. 15 cộng đồng đăng ký Cộng đồng học tập. 74/74 đơn vị đăng ký Đơn vị học tập. 1.356 công dân đăng ký danh hiệu Công dân học tập.

Hơn một thập kỷ làm khuyến học, bà Vi Thị Hoàn đã nhận thấy hiệu quả tích cực của công tác này mà theo bà, đó là những "trái ngọt" ở tuổi hưu.

Nhiều trẻ em từng nhận được sự giúp đỡ của Hội Khuyến học huyện Yên Minh, bây giờ đã có công ăn việc làm ổn định, cuộc sống tinh thần phấn chấn, tương lai rộng mở. Gặp lại bà Vi Thị Hoàn, phụ huynh các em đó vẫn hằng biết ơn sự kiên trì của bà ngày đó trong việc thuyết phục gia đình cho con cái họ đến trường, đến với tri thức.

Nhờ những đóng góp tích cực của mình, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Yên Minh Vi Thị Hoàn đã nhận được bằng khen của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam vì thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua khuyến học – khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2015-2020; bằng khen của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang về thành tích xuất sắc trong công tác khuyến học giai đoạn 2010-2019.

Trên mảnh đất Yên Minh nhiều núi đá chênh vênh giữa khắc nghiệt của thiên nhiên, sự cống hiến của bà Vi Thị Hoàn tựa như đóa hoa lan tỏa hương thơm ý nghĩa của sự học đến người dân và làm đẹp thêm vùng núi cao ấy.

Ở tuổi 64, bà Hoàn chỉ mong có nhiều sức khỏe để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp khuyến học của quê hương. Bởi bà hiểu, cuộc sống của người dân nơi đây, dẫu đã được cải thiện nhiều nhưng vẫn rất khó khăn. Và chỉ có kiến thức mới giúp mảnh đất này thoát nghèo và phát triển bền vững.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/ba-vi-thi-hoan-gop-cong-thap-sang-vung-cao-yen-minh-tinh-ha-giang-bang-su-hoc-17923101911051646.htm