Ai về Cổ Luỹ Cô thôn?

06:25 - 12/08/2022

Ít có địa danh nào như Cổ Luỹ Cô thôn (xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) chỉ gồm một ngọn núi Phú Thọ rộng chừng tám ha, trên đỉnh núi còn hoang tích của thành quách người Chăm và dưới chân núi là thôn Cô thôn với những nếp nhà nằm rải rác trong rừng dừa, lại nằm trong 12 Danh thắng xứ Quảng Ngãi.

Cổ Luỹ Cô thôn được các nhà khảo cổ học, nhà nghiên cứu lịch sử, thi nhân các thời kỳ quan tâm đặc biệt. 

Chúng tôi đã nhiều lần lên đỉnh núi Phú Thọ, thám sát di tàn thành Cổ Luỹ, bằng cảm quan cá nhân, nhìn về hướng Đông,  tưởng tượng nơi đây từng là một thương cảng sầm uất quả không sai. Nhìn về hướng Nam với sông Vệ, sông Trà Khúc cuồn cuộn đổ ra biển, hình dung là một thành trì, một pháo đài án ngữ cửa sông quả là có căn cứ. Nhìn về hướng Bắc với thôn Cô thôn nằm êm đềm, khói chiều bay bảng lãng trên những rừng dừa mường tượng nơi đây là đài vọng cảnh hay một lầu Hoàng Hạc của xứ Quảng để tao nhân mặc khách đến thưởng ngoạn đề thơ quả là chuẩn xác.

Thương cảng Cổ Luỹ?

Tại khu vực Cổ Lũy, tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi - Nhà khảo cổ học, Phó giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi cùng với cộng sự đã tiến hành nhiều lần khai quật, tìm thấy các loại vật kiến trúc, trong đó có ngói mặt hề; hạt trang sức thủy tinh... Qua nghiên cứu đã xác định địa điểm này tồn tại từ thế kỷ thứ III đến thế kỷ thứ VII, chứng tỏ Cổ Lũy có sự giao thương rất mạnh với bên ngoài.

Lại thêm một thông tin khác, nhà khảo cổ Nguyễn Anh Thư của Viện Khảo cổ học đã tiến hành nghiên cứu, khai quật ở Cổ Luỹ từ năm 2004 – 2009 cùng tìm thấy nhiều hiện vật quan trọng như: Gạch, ngói, đầu ngói ống, chốt gốm, trang trí hình con tiện gốm… Những đầu ngói ống còn nguyên cũng như mảnh vỡ thu được từ đào thám sát thuộc loại mặt người. Loại này đã tìm thấy ở những hố khai quật Trà Kiệu (Quảng Nam), ở Nanjing (Trung Hoa) có niên đại từ đầu thế kỷ IV trở về sau.

Ngoài ra, nhà khảo cổ Nguyễn Anh Thư cũng phát hiện những hiện vật bằng gốm khác như: Bình, vò, cốc chân cao, đĩa, mảnh nắp có núm cầm… Những hiện vật này liên quan đến nghi lễ, sinh hoạt văn hoá cộng đồng, những công trình kiến trúc tâm linh, và thành của cư dân Champa thường được xây dựng trên cơ tầng cư trú sớm hơn.

Đối chiếu sử sách, địa danh Cổ Luỹ thuộc Vương quốc Champa (hay Chiêm Thành), là một quốc gia cổ (nằm ở miền Trung của Việt Nam ngày nay) từng tồn tại độc lập liên tục qua các thời kỳ từ cuối thể kỷ thứ II đến năm 1832. Trong suốt 16 thế kỷ tồn tại của mình, Chiêm Thành đã từng phát triển mạnh về thuỷ binh, nghề đi biển và đã từng giao thương buôn bán với Trung Hoa, Đế quốc Khmer, Đại Cồ Việt, Đại Việt nên việc các nhà nghiên cứu phát hiện các hiện vật của Trung Hoa, của người Khmer nên đưa ra giải thuyết, Cổ Luỹ là một thương cảng sầm uất không phải là không có căn cứ.

Sau khi Vương quốc Chiêm Thành bị diệt vong, Cổ Luỹ vẫn còn lưu trong sử sách với loại hình giao thương. Đơn cử như Trong Phủ biên tạp lục (1776), Lê Quý Đôn có nhắc đến tên cửa Đại Cổ Lũy khi viết về việc thu thuế ở các cửa biển ở xứ Đàng Trong. Sách này cho biết: Số tiền thuế đã đóng cửa Đại Cổ Lũy là 150 quan…

Cô thôn trúc lạnh - sương nhoà khói

Cổ Luỹ thành trơ - gió thoảng nền
Phạm Thiên Thư

Lần giở thêm những trang sử liệu trong các sách khác, như: Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú (hoàn thành 1821), Việt sử địa dư của Phan Đình Phùng (1883), Quảng Ngãi tỉnh chí của Nguyễn Bá Trác và các tác giả (1933)... kể cả các cuốn lịch sử Việt Nam của nhiều học giả sau này, khi nói đến một cửa lớn ở Quảng Ngãi đều viết là cửa Đại Cổ Lũy hay cửa Cổ Lũy. Ngay cả trong bài viết "Tỉnh Quảng Ngãi" của một quan Chủ sự hành chánh người Pháp là A.Laborde,  in trên tập san "Association et Bulletin des Amis du Vieux Hué" (AAVH & BAVH - Hội những người bạn cố đô Huế) vào năm 1925, cũng có nhắc nhiều đến tên cửa Cổ Lũy, đồn Cổ Lũy, kinh thành Cổ Lũy, thành Cổ Lũy, trong đó có nêu cả sự kiện về chuyện viên quan thuế ở cửa Cổ Lũy là  Regnard bị quân khởi nghĩa giết chết vào đêm mùng 7, rạng sáng ngày mùng 8 tháng 12 năm 1894.

Như vậy, cho đến đầu thế kỷ XIX, Cổ Luỹ có 16 thế kỷ lưu trong sử sách và các di chỉ khảo cổ gần giống với vai trò một thương cảng của Vương quốc Chiêm Thành. Có lẽ, sau khi các chúa Nguyễn vào khai phá Đằng Trong, xây dựng và phát triển Thương cảng Hội An (Quảng Nam) thì Cổ Luỹ dần mất vai trò và chỉ tồn tại trong sử sách và di vật.

Ai về Cổ Luỹ Cô thôn? - Ảnh 2.

Di tích thành quách do người Chăm xây dựng trên đỉnh núi Phú Thọ thuộc Di tích Cổ Luỹ Cô thôn.

Ai về Cổ Luỹ Cô thôn? - Ảnh 3.

Miếu cổ còn sót lại trên núi Phú Thọ.

Ai về Cổ Luỹ Cô thôn? - Ảnh 4.

Những bức tường thành đổ nát - chứng tích Cổ Luỹ được xây dựng trên núi Phú Thọ
như một thành luỹ phòng thủ.

Ai về Cổ Luỹ Cô thôn? - Ảnh 5.

Ven thành Cổ Luỹ có hệ thống hào nước bao quanh – một đặc trưng của thành quách Việt thời phong kiến.

Ai về Cổ Luỹ Cô thôn? - Ảnh 6.

Trong thành Cổ Luỹ có hệ thống hang ngầm tự nhiên được người Chăm cải tạo nhằm tạo
nơi trú ấn cho quân đội.

Ai về Cổ Luỹ Cô thôn? - Ảnh 7.

Cổng thành Cổ Luỹ còn sót lại có cấu tạo bằng gạch và đá ong.

Ai về Cổ Luỹ Cô thôn? - Ảnh 8.

Dấu tích đền thờ trong thành Cổ Luỹ trên núi Phú Thọ.

Ai về Cổ Luỹ Cô thôn? - Ảnh 9.

Dấu tích thành Cổ Luỹ hoang phế.

Ai về Cổ Luỹ Cô thôn? - Ảnh 10.

Có nhiều đoạn tường thành Cổ Luỹ cây hoang mọc tràn, che hết lối vào.

Ai về Cổ Luỹ Cô thôn? - Ảnh 11.

Đứng từ đỉnh núi Phú Thọ nhìn xuống, Cổ Lũy cô thôn giống như một bức tranh phong cảnh nhiều màu sắc: Màu xanh của dừa pha lẫn màu trắng xóa của sóng biển, màu vàng nhạt của cát lấp lánh lung linh phản chiếu trong sắc thanh thiên của nền trời.

Ai về Cổ Luỹ Cô thôn? - Ảnh 12.

Đứng trên núi Phú Thọ, nhìn về phía Đông, nơi sông Trà Khúc đổ ra biển.

Ai về Cổ Luỹ Cô thôn? - Ảnh 13.

Tấp nập tàu thuyền đánh cá của ngư dân xứ Quảng Ngãi.

Ai về Cổ Luỹ Cô thôn? - Ảnh 14.

Những con thuyền ngược xuôi trên sông Trà Khúc nhìn từ đỉnh núi Phú Thọ.

Ai về Cổ Luỹ Cô thôn? - Ảnh 15.

Thôn Cô thôn nằm êm đềm trong rừng dừa xanh mướt nhìn từ đỉnh núi Phú Thọ.

Ai về Cổ Luỹ Cô thôn? - Ảnh 16.

Vẻ đẹp của thôn Cô thôn nhìn từ đỉnh núi Phú Thọ.

Ai về Cổ Luỹ Cô thôn? - Ảnh 17.

Làng chài dưới chân Cổ Lũy.

Cổ Luỹ trong sử sách

Lịch sử Cổ Luỹ Cô thôn gắn liền với lịch sử phát triển và suy tàn của Vương quốc Chiêm Thành (877 - 1693). Quan hệ giữa Đại Cồ Việt, Đại Việt với Chiêm Thành và những dấu ấn cuối cùng nhà Tây Sơn oai hùng. Bên cạnh đó, Cổ Luỹ cũng được ghi trong sử sách từng là pháo đài phòng chống cướp biển Tàu Ô.

Qua những trang sử liệu mà Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ – nguyên Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi tiếp cận được, thì tên gọi Cổ Lũy xuất hiện lần đầu tiên trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư do nhiều nhà sử học thuộc các triều đại biên soạn, từ Lê Văn Hưu đời nhà Trần, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên thời Lê sơ, đến Phạm Công Trứ, Lê Hy... đời vua Lê Hy Tông (1663 - 1716). Trong bộ sách này, tên Cổ Lũy được nhắc đến khi các sử gia viết về sự kiện vào tháng 6 năm Quý Tỵ  (1353), vua Trần Dụ Tông cử đại binh đi chinh phạt Chiêm Thành, nhưng khi "đến Cổ Lũy thì quân thủy chở lương gặp trở ngại phải quay về". 

Còn trong cuốn sách Vương quốc Chàm (Le Royaume de Champa) của Georges Maspero xuất bản ở Pháp năm 1914, tên gọi Cổ Lũy cũng được đề cập đến khi tác giả viết về chuyện hoàng tử của Chiêm Thành là Chế Mỗ lánh nạn ở Đại Việt từ năm 1346, đến năm 1353 thì quân của Đại Việt đưa Chế Mỗ về giành lại vương quyền vốn đã bị mất vào tay Trà Hoa Bố Để, nhưng đến Cổ Lũy vì hết lương thực và quân nhu, nên phải rút quân về.

Trong Đại Nam thực lục (được soạn từ năm 1821- năm Minh Mạng thứ hai) có nhắc đến sự kiện liên quan đến cửa Cổ Lũy như: Chuyện tướng Trần Viết Kết nhà Tây Sơn mang hơn trăm chiến thuyền vào cửa Sa Huỳnh để tiến đánh quân Nguyễn Ánh, nhưng sau đó bị gió bão, nhiều thuyền bị đắm chìm nên phải lui về cửa Cổ Lũy phòng thủ; chuyện tướng Lê Văn Lợi, cũng của nhà Tây Sơn, đem một nghìn quân và 20 thớt voi đánh Nguyễn Ánh, nhưng không thành, phải lui về Cổ Luỹ cố thủ. Khi viết về các sự kiện này, các tác giả sách này còn chú giải: Cổ Lũy là tên cửa biển của tỉnh Quảng Ngãi. Cũng trong Đại Nam thực lục còn ghi về chuyện tướng Nguyễn Văn Trương của Nguyễn Ánh đem thủy binh tiến vào cửa Cổ Lũy ở Quảng Ngãi để cướp quân lương của nhà Tây Sơn.

Thêm nữa là một nhà biên khảo đáng tin cậy, ông Phạm Trung Việt, trong sách Non nước xứ Quảng: Xưa kia Cổ Lũy ở trên cửa sông Trà là một đồn phòng thủ kiên cố của Chiêm Thành. Sau khi người Chiêm nhường đất thì quân Việt đóng, dùng Cổ Lũy làm trụ sở hành chánh. Khi trụ sở dời đi thì đồn bị bỏ hoang. Tiếc thay, những tư liệu về Vương quốc Chiêm Thành cũng bị vùi lấp bởi chiến tranh ly loạn thời phong kiến nên Cổ luỹ chỉ còn duy nhất dấu tích thành cổ. Di tích này đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích Quốc gia năm 2009.

Cổ Luỹ trong thi ca

Cổ Luỹ nằm trên núi Phú Thọ hay còn gọi là Thạch Sơn cao chưa đến trăm mét so với mực nước biển. Trên núi có nhiều khối đá xám với nhiều kích cỡ và hình dạng đẹp mắt. Danh sĩ Quảng Ngãi ngày xưa thường nói "Nhất bộ dị trạng" (mỗi bước một đổi thay hình dạng) để diễn tả vẻ đẹp độc đáo của Cổ Luỹ Cô thôn ở mỗi góc nhìn, mỗi khoảnh khắc thời gian.

Cũng có lẽ vì thế nhiều thi nhân mặc khách trên con đường thiên lý Bắc – Nam, đã dừng chân ở Cổ Luỹ để ngắm cảnh đề thơ. Theo thống kê của Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi đã sưu tầm được 19 bài thơ cổ của các bậc học giả viết về Cổ Luỹ. 

Trong số đó, có nhiều bài thơ còn nổi tiếng, còn lưu truyền đến này nay như: Cổ Luỹ Cô thôn của Nguyễn Cư Trinh (1716-1767). Ông tên thật là Nguyễn Đăng Nghi, húy là Thịnh, tự là Cư Trinh, là danh tướng, danh sĩ thời chúa Võ vương Nguyễn Phúc Khoát và Định vương Nguyễn Phúc Thuần. Được biết đến là vị tướng trấn giữ biên cương miền Nam và góp phần to lớn trong công cuộc Nam tiến của các chúa Nguyễn, ông nổi tiếng là người liêm chính, giỏi việc chính trị, doanh điền, ngoại giao, thơ ca và có phong độ của một trạnh thần (bầy tôi dám can ngăn).  Nguyễn Cư Trinh từng là Tuần phủ Quảng Ngãi, có bài thơ nôm ca ngợi Cổ Lũy Cô thôn, được người đời truyền tụng:

Giặc giã đời mô đã dẹp rồi

 Lũy xưa còn đắp xóm mồ côi

Đá xây quanh quất theo bờ biển

Người ở cheo leo dưới cửa lồi

Trông thấy thuyền tình ba bốn phía,

Vẳng nghe trống giục một đôi hồi

Hỏi thăm tạo hóa bao giờ đó,

Thạch trận về đây mới đắp bồi...

Một thi phẩm khác của nhà thơ Phạm Thiên Thư cũng nổi danh trên thi đàn thơ ca hiên đại viết về Cổ Luỹ Cô thôn. Phạm Thiên Thư tên thật là Phạm Kim Long, ông từng đi tu và rồi hoàn tục, nên có kiến thức khá thâm thúy về đạo Phật. Ông được coi là "người thi hóa kinh Phật" (dịch kinh Phật ra thơ) và là tác giả của nhiều bài thơ phảng phất triết lý mà ông đã tin theo. Bài thơ "Thành xưa xóm vắng" của ông cũng theo mạch triết lý ấy:

Một dãy trường thành trấn ải biên

Còn viền dương lạnh gác bên triền

Cô thôn trúc lạnh - sương nhoà khói

Cổ Luỹ thành trơ - gió thoảng nền

Buồm cá nâu vênh - bờ bến đậu

Đàn cò trắng nổi - cụm tùng lên

"Cô thôn Cổ Luỹ" hư mà thực

Dù chỉ nghe qua cũng chạnh niềm.

Không chỉ trong thơ ca, mà trong kho tàng ca dao tục ngữ của người dân Quảng Ngãi vẫn còn truyền miệng đến ngày nay hàng trăm bài về Cổ Luỹ Cô thôn. Trong đó có nhiều câu ca dao nằm lòng của người dân Quảng Ngãi như: "Ai về Cổ Luỹ Cô thôn/Nước sông Trà Khúc sóng dồn tung tăng" hay "Ai về Cổ Lũy xóm Câu/ Nhớ mua đôi chiếu rước dâu về làng"...

Một người con tài danh của vùng đất Cổ Luỹ Cô thôn là Thạnh quận công Trương Đăng Quế (1793-1865) cũng đã có nhiều thơ ngợi ca vẻ đẹp quê hương. Trương Đăng Quế là danh thần trải 4 triều Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức trong lịch sử Việt Nam. Trong 43 năm làm quan, có 20 năm ông giữ trọng trách lớn (có hai lần nhận di chiếu tôn phò vua mới). Ngoài ra, ông còn là nhà thơ, nhà sử học, là thầy học của vua Thiệu Trị. Vốn có một kiến thức uyên bác, một tâm hồn nhạy cảm và yêu thơ nên đi đến đâu ông cũng để lại nhiều bài thơ, được sử Nguyễn khen là "bình hòa điển nhã", được Phan Thanh Giản khen là: "Không có sách nào là ngài không đọc, lại sở trường thơ ca". Tuy nhiên khi ông về trí sĩ ở Cổ Luỹ Cô thôn, đọc thơ người xưa, đã thốt lên đầy tự hào "Nhất Huế, nhì đây!".

Tương truyền Nguyễn Cư Trinh khi làm Tuần phủ Quảng Ngãi (1750), ông đã vịnh "thập cảnh" Quảng Ngãi. Các nho sĩ địa phương vịnh hai cảnh đẹp khác, hình thành nên 12 cảnh và gọi chung là "Cẩm Thành thập nhị cảnh". Cổ Lũy Cô thôn là một trong mười hai danh thắng của tỉnh Quảng Ngãi. Đây là một cảnh đẹp hiếm thấy, hội đủ các yếu tố: Sông biển, núi non và làng mạc.


Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/ai-ve-co-luy-co-thon-179220811161103444.htm