66 ngày liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca tử vong do COVID-19
Trong số các trường hợp mắc COVID-19 đang được theo dõi, giám sát, số bệnh nhân đang thở oxy là 4 ca. Đến nay, đã tròn 66 ngày liên tục Việt Nam không ghi nhận ca tử vong do COVID-19.
Số ca mắc COVID-19 tiếp tục giảm
Theo bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 5/3 của Bộ Y tế, Việt Nam có 4 ca mắc mới COVID-19, giảm mạnh so với ngày trước đó. Đây cũng là ngày có số ca mắc mới thấp nhất kể từ ngày 27/2 đến nay.
Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 5/3 là 2 ca, nâng tổng số ca mắc COVID-19 được điều trị khỏi tại Việt Nam là 10.614.790 ca.
Trong số các trường hợp đang theo dõi, giám sát, số bệnh nhân đang thở oxy là 4 ca, trong đó: Thở oxy qua mặt nạ: 3 ca; Thở oxy dòng cao HFNC: 1 ca. Con số này tăng nhẹ so với những ngày trước đó.
Đến nay, đã tròn 66 ngày liên tục Việt Nam không ghi nhận ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.526.966 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.489 ca nhiễm).
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 3 ASEAN).
266,4 triệu liều vaccine COVID-19 đã được tiêm
Trong ngày 4/3, cả nước có 2.826 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 266.417.369 liều, trong đó:
Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.922.853 liều: Mũi 1 là 71.082.960 liều; Mũi 2 là 68.707.696 liều; Mũi bổ sung là 14.534.367 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 51.977.076 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 17.620.754 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.894.808 liều: Mũi 1 là 9.127.824 liều; Mũi 2 là 8.957.355 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 5.809.629 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 18.599.708 liều: Mũi 1 là 10.279.300 liều; Mũi 2 là 8.320.408 liều.
Hơn 680 triệu ca mắc COVID-19 trên thế giới
Theo trang thống kê COVID-19 trực tuyến worldometers.info lúc 13 giờ 15 phút ngày 6/3 (giờ Hà Nội), tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới hiện nay là 680.677.987 trường hợp. Tổng số ca đã tử vong là 6.805.251 trường hợp. Tổng số ca đã phục hồi sau khi mắc bệnh là 653.528.520 ca.
Tổng số bệnh nhân đang được điều trị là 20.344.216 ca, trong đó, 99,8% (20.303.546 ca) số bệnh nhân mắc COVID-19 trong tình trạng nhẹ và chỉ có 0,2% ca mắc trong tình trạng nặng hoặc nguy kịch (40.670 ca).
Về tình hình điều trị, đã có 653.528.520 ca hồi phục và xuất viện, chiếm 99% trong tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới.
Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn là nước ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất trên thế giới với 105.396.817 trường hợp, theo sau đó là Ấn Độ với 44.687.820 trường hợp. Pháp xếp thứ 3 trên thế giới với 39.638.159 trường hợp. Xếp thứ 4 là Đức với 38.210.850 ca; thứ 5 là Brazil với 37.076.053 ca mắc COVID-19.
Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-BYT quy định COVID-19 là bệnh nghề nghiệp, được hưởng bảo hiểm xã hội. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/4/2023. COVID-19 được xem là một loại bệnh nghề nghiệp, bệnh phát sinh trong quá trình lao động do người lao động tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 có trong môi trường lao động.
Theo đó, người lao động làm nghề, công việc thường gặp và nguồn tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 gồm: Người làm nghề, công việc tại cơ sở y tế; Người làm nghề, công việc trong phòng thí nghiệm, lấy mẫu, vận chuyển mẫu, xử lý, bảo quản và tiêu hủy mẫu có chứa virus SARS-CoV-2; Người làm nghề, công việc phòng, chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm virus SARS-CoV-2; Người làm nghề, công việc trực tiếp trong khu cách ly tập trung, cách ly y tế tại nhà, cách ly y tế vùng có dịch, hỗ trợ chăm sóc người bệnh COVID-19 tại nhà; Người vận chuyển, phục vụ người bệnh COVID-19; Người vận chuyển, khâm liệm, bảo quản, hỏa táng, mai táng thi hài người bệnh COVID-19; Người giám sát, điều tra, xác minh dịch COVID-19; Nhân viên hải quan, ngoại giao, nhân viên làm công tác xuất nhập cảnh; Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng và viên chức quốc phòng; Chiến sĩ, sĩ quan thuộc lực lượng công an; Người làm nghề, công việc khác được cử tham gia phòng, chống dịch COVID-19.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/66-ngay-lien-tiep-viet-nam-khong-ghi-nhan-ca-tu-vong-do-covid-19-179230306135549195.htm