63 công nhân nhập viện, cảnh giác với ngộ độc thực phẩm mùa hè
63 công nhân tại Khu công nghiệp Nam Đồng Phú, huyện Đồng Phú, Bình Phước đã phải nhập viện cấp cứu nghi ngộ độc thực phẩm sau bữa trưa 23/7. Nguy cơ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp/khu chế xuất, bếp ăn tập thể trường học là vấn đề cấp thiết.
63 công nhân nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm
Một trong số các công nhân phải nhập viện cho biết: Sau khi ăn cơm trưa ngày 23/7, nhiều công nhân có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, sau đó là tê môi, miệng, lưỡi, mặt... Trong số các suất cơm được kiểm tra phát hiện có mùi hôi, nhớt, đồ ăn trong cơm gồm có thịt kho đậu hũ.
Theo thông tin từ địa phương cho biết, đã có 63 công nhân phải nhập viện và điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Đồng Phú, Bình Phước. Trong đó, 48 ca đang điều trị tại trung tâm, 15 ca nhẹ hơn đã ổn định nên được ra về.
Hiện tại, các đơn vị y tế trên địa bàn đang tập trung lực lượng, nỗ lực điều trị cho các công nhân; về phía lực lượng Công an cũng vào cuộc xác minh nguyên nhân để thông báo và xử lý kịp thời.
Trước đó, trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra với công nhân tại Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam thuộc Khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã xảy ra khiến 350 người mắc, phải nhập viện điều trị.
Được biết, sau bữa ăn trưa với súp lơ xào, dưa chua, thịt bò xào và canh rau giá, hàng trăm công nhân tại Vĩnh Phúc có biểu hiện chóng mặt, buồn nôn, phải nhập viện cấp cứu. Ước tính, có khoảng hơn 300 người đã phải nhập viện cấp cứu điều trị ngộ độc thực phẩm.
Một số công nhân Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam cho biết: Sau khi ăn, nhiều người bị đau bụng và nôn mửa, một số khác cảm thấy chóng mặt và buồn nôn, mệt mỏi.
Cảnh giác với nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong trường học, khu công nghiệp
Hiện nay, tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề đặc biệt quan trọng, nhất là tại các khu công nghiệp, trường học số vụ ngộ độc thực phẩm ngày càng nhiều chủ yếu là do thực phẩm bẩn nhiễm hóa chất, các cơ sở nấu ăn không đảm bảo an toàn vệ sinh…. ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Cử tri đề nghị Bộ Y tế tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Mùa hè nắng nóng với nền nhiệt độ cao rất dễ khiến thức ăn bị ôi thiu, nhiễm vi khuẩn, nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa do ngộ độc thực phẩm tăng cao, không chỉ từ các bữa ăn tập thể mà còn ở từng gia đình.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả các giải pháp ngăn ngừa, phòng chống ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân:
Thực hiện nghiêm túc ăn chín, uống chín. Chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.
Người dân khi sử dụng các sản phẩm đóng hộp nếu gặp phải các triệu chứng nêu trên cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Đối với nhu cầu đối với bếp ăn tập thể và các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn hiện là rất lớn, không ngừng gia tăng. Nguy cơ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp/khu chế xuất, bếp ăn tập thể trường học có thể xảy ra là rất lớn.
Một số nguyên nhân của những tồn tại trên là do:
(i) Xu thế các bữa ăn tập thể, bữa ăn công nghiệp trong các khu công nghiệp/khu chế xuất ngày càng tăng tuy nhiên trong đó một bộ phận lớn các cơ sở có nhu cầu, chấp nhận sử dụng thực phẩm giá chỉ từ 10.000 – 12.000 đồng/suất.
(ii) Nguồn thực phẩm nguyên liệu cung cấp cho bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp/khu chế xuất, bếp ăn tập thể trường học đa dạng, khó kiểm soát an toàn thực phẩm triệt để nếu người tiếp nhận, chế biến thực phẩm cố tình gian dối.
(iii) Các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn không ngừng gia tăng, nhiều cơ sở quy mô nhỏ, điều kiện cơ sở rất thủ công, khó kiểm soát yêu cầu về an toàn thực phẩm (phương tiện, dụng cụ chế biến, bảo quản, thời gian vận chuyển...).
(iiii) Trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm của chính quyền địa phương các cấp, Ban giám hiệu nhà trường, Ban quản lý khu công nghiệp/khu chế xuất, chủ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ ăn uống chưa cao, chưa thường xuyên:
- Không nắm rõ hoạt động bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn trên địa bàn, trong khu vực quản lý.
- Chủ doanh nghiệp, Ban giám hiệu nhà trường còn khoán công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cho nhà thầu cung cấp suất ăn; khoán cho bộ phận hành chính nên công tác bảo đảm an toàn thực phẩm hiệu quả thực hiện thường thấp và thực hiện thì không triệt để.
(iiiii) Hiệu quả, hiệu lực quản lý an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, cơ sở chế biến xuất ăn sẵn ở một số địa phương còn chưa cao, chưa thường xuyên (tổ chức, biên chế, nhân lực, trang thiết bị, ngân sách và kinh nghiệm hạn chế); tình trạng cơ sở trên địa bàn đã được phân công quản lý nhưng khi xảy ra sự cố an toàn thực phẩm mới phát hiện được các vi phạm của cơ sở…
Trước tình hình trên, Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp sau:
- Tăng cường công tác thanh tra, hậu kiểm, xử lý nghiêm vi phạm theo Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, công khai các cơ sở vi phạm và rút giấy phép sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
- Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, giáo dục về bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm.
- Khuyến cáo tăng giá trị khẩu phần bữa ăn cho công nhân. Ủy ban nhân dân các cấp, Ban quản lý khu công nghiệp/khu chế xuất, Ban giám hiệu nhà trường kiên quyết không để các cơ sở không bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn cung cấp suất ăn cho công nhân.
- Tăng cường hoạt động giám sát phát hiện sớm nguy cơ ô nhiễm thực phẩm để cảnh báo và dự phòng; Mời công đoàn các công ty, doanh nghiệp, hội phụ huynh học sinh tham gia quá trình giám sát an toàn thực phẩm để nâng cao trách nhiệm và đảm bảo quyền lợi của học sinh, công nhân.
- Hướng dẫn, tổ chức, xây dựng mô hình bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp/khu chế xuất, bếp ăn tập thể trường học ở một số tỉnh/thành phố. Xây dựng kế hoạch, kịch bản, tổ chức diễn tập xử lý, khắc phục hậu quả với vụ ngộ độc thực phẩm lớn ở bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp/khu chế xuất.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/63-cong-nhan-nhap-vien-canh-giac-voi-ngo-doc-thuc-pham-mua-he-179240724082222262.htm