Ngành Y tế sẵn sàng cho những bứt phá trong năm 2023

PV
16:50 - 22/01/2023

Năm 2022 khép lại, ngành Y tế đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19. Bước qua năm mới 2023, dù vẫn còn nhiều thách thức, tuy nhiên vị "tư lệnh" ngành cũng coi đây là cơ hội để ngành Y tế có những bứt phá trong năm mới.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan. Ảnh: Tư liệu

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan. Ảnh: Tư liệu

Nhân dịp Tết Quý Mão, chào đón Năm mới, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã có những chia sẻ về những kết quả ngành Y tế đã đạt được, đồng thời tập trung những nhiệm vụ trước mắt mà ngành sẽ triển khai trong thời gian tới. 

Bước qua một năm 2022 đầy thử thách với công tác y tế bởi dịch COVID-19 vẫn có những diễn biến khó lường, khó dự đoán. Trong nước, dịch sốt xuất huyết gia tăng, thường trực nguy cơ xâm nhập của một số dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi. Công tác y tế tại các cấp phát sinh  thêm nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, ngành Y tế đã nỗ lực vượt qua thách thức, đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, góp phần vào thành công chung của đất nước. 

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng thực hiện nhiều hạng mục công việc liên quan tới công tác điều hành, quản lý, đầu tư, xây dựng, bổ sung các quy chế, quy định, quản lý các hạng mục, đào tạo, phát triển mạng lưới; Nghiên cứu đề xuất các chế độ, chính sách thu hút nguồn nhân lực y tế; Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác quản lý môi trường y tế, phòng, chống HIV/AIDS, an toàn vệ sinh thực phẩm….; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số ngành Y tế.  

Tại Hội nghị Thủ tướng làm việc với ngành Y tế đã chỉ ra 14 nhóm vấn đề mà ngành tập trung thời gian tới. Bên cạnh đó, yêu cầu của Đảng, Nhà nước đối với ngành là rất lớn; kỳ vọng và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng cao. Trong khi đó, các cơ chế, chính sách hiện hành và nguồn lực triển khai chưa đáp ứng đầy đủ; những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 trong khoảng 3 năm vừa qua vẫn còn ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của nhân viên y tế. 

Một số vấn đề tồn tại, hạn chế cụ thể cần tập trung giải quyết như: Hệ thống văn bản pháp luật vẫn còn nhiều vướng mắc, chưa đầy đủ, đặc biệt là mua sắm, đấu thầu, xã hội hoá, tự chủ, quản trị bệnh viện công; giá dịch vụ y tế chậm điều chỉnh, ngân sách Nhà nước chi cho y tế và bảo hiểm y tế trong tổng chi chăm sóc sức khỏe bình quân đầu người còn  thấp. Tỷ lệ chi tiền túi hộ gia đình vẫn còn cao. Quỹ Bảo hiểm y tế có nguy cơ mất cân đối do mức đóng thấp. 

Nguồn kinh phí dành cho y tế còn thiếu chưa đáp ứng đủ yêu cầu nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. Các chương trình mục tiêu quốc gia trong lĩnh vực dân số thay đổi cách thức tổ chức thực hiện. Tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế, nhất là nhân lực có kinh nghiệm, trình độ tại các cơ sở y tế công lập; thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế cục bộ tại nhiều cơ sở y tế trên toàn quốc. Tồn đọng hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc, trang thiết bị y tế.  

Năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng còn hạn chế. Một số bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng có số ca mắc gia tăng. Tỷ lệ tiêm chủng mở rộng ở một số địa bàn chưa bảo đảm, nhất là ở một số vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. 

Chất lượng công tác quản trị, điều hành và phục vụ người bệnh tại một số cơ sở y tế còn chưa bảo đảm yêu cầu đặt ra. Vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị y tế cũng đã giải quyết được một phần, nhưng còn chưa triệt để. Công nghiệp dược, công nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế trong nước còn hạn chế. Việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin chưa bảo đảm được yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra, nhất là ứng dụng trong triển khai các dịch vụ khám, chữa bệnh, liên thông dữ liệu… 

Những nhiệm vụ trọng tâm trong Năm mới

Năm 2023, Bộ Y tế sẽ tập trung giải quyết cả những tồn tại trước mắt và những vấn đề mang tính lâu dài để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết 20, 21 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. 

Cụ thể: Thứ nhất, tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý, thể chế, các dự án luật. Trước mắt, tập trung trình Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi và xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn luật; nghiên cứu sửa đổi Luật Dược, Luật Dân số, Luật Bảo hiểm y tế…; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các văn bản theo thẩm quyền. 

Thứ hai, tập trung công tác phòng chống dịch bệnh; đổi mới y tế dự phòng và nâng cao sức khỏe. Tiếp tục bám sát tình hình dịch COVID-19, không để dịch bùng phát trở lại, không để "dịch chồng dịch"; duy trì, thực hiện hiệu quả Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia. Tăng cường năng lực giám sát và dự báo dịch bệnh, hạn chế tàn tật và tử vong sớm do mắc các bệnh không lây nhiễm; làm tốt công tác an toàn thực phẩm, quản lý môi trường y tế. Đổi mới công tác dân số và phát triển. 

Thứ ba, nâng cao năng lực quản trị bệnh viện, chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh. Phát triển các kỹ thuật y khoa chuyên sâu; phát huy lợi thế y học cổ truyền, kết hợp chặt chẽ y học cổ truyền với y học hiện đại. Sớm ban hành Danh mục kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh, xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật. 

Thứ tư, từng bước đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy ngành Y tế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Kiện toàn cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế, các đơn vị thuộc, trực thuộc; các đơn vị cấp khu vực, vùng. Xây dựng, hoàn thiện các Quy hoạch, chiến lược phát triển ngành Y tế trong thời gian tới; trong đó có Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Cùng với đó triển khai các giải pháp phát triển nhân lực y tế, đổi mới đào tạo nhân lực y tế theo hướng hội nhập quốc tế; đặc biệt, nghiên cứu, đề xuất các chính sách nâng cao chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế. 

Thứ năm, rà soát giá dịch vụ theo hướng tính đúng, tính đủ, giải quyết các vướng mắc trong xã hội hóa, đổi mới phương thức chi trả; đổi mới cơ chế tài chính y tế dự phòng, hoàn thiện Gói dịch vụ y tế cơ bản. Triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. 

Thực hiện lộ trình bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân; đảm bảo việc thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế phù hợp. 

Thứ sáu, đẩy mạnh cải cách hành chính gắn liền với ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số. Cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế, nhất là trong lĩnh vực dược, trang thiết bị y tế. Đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, truyền thông, tranh thủ sự đồng thuận của toàn xã hội. 

Theo Bộ trưởng, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước, tuy nhiên năm 2023 cũng mở ra cơ hội để Ngành nhận thức rõ hơn những khiếm khuyết, tồn tại, hạn chế, là thời cơ để đổi mới, tạo ra những bước đột phá mới. 

"Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành Y tế là nòng cốt".
Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII

Bộ Trưởng cho biết, trong thời gian tới, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành Y tế mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hơn nữa của Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng hành, ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, địa phương; sự chia sẻ và đồng thuận của người dân trong triển khai các chủ trương, chính sách của ngành; để ngành Y tế phát triển nhanh, bền vững, thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. 

Bộ trưởng cũng mong muốn và kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành; đoàn kết, chung sức, đồng lòng, vượt qua khó khăn, thách thức; nâng cao y đức, rèn luyện chuyên môn, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; để mỗi bệnh viện, cơ sở y tế, mỗi người cán bộ y tế thực sự là những hy vọng, niềm tin, mang lại sức khỏe, hạnh phúc cho nhân dân. 

Nguồn: Bộ Y tế

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/6-nhiem-vu-truoc-mat-cua-nganh-y-te-179230122171243663.htm