6 điểm mới của Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu
Theo bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương có 6 vấn đề mới về Dự thảo Nghị định thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu đáng chú ý.
Điểm mới của Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu thay thế Nghị định 83/2014/NĐ-CP và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014/NĐ-CP. Dự thảo được đề xuất để đảm bảo công khai, minh bạch trong điều hành hoạt động kinh doanh xăng dầu. Dự thảo cũng xác định rõ mục tiêu góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và nguyên tắc điều hành là theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước, hài hòa các lợi ích của doanh nghiệp, nhà nước, người tiêu dùng kinh doanh xăng dầu.
Dự thảo nghị định quy định các thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán lẫn nhau
Thời gian qua, việc thực hiện quan điểm, đường lối của Đảng về cơ chế, chính sách trong kinh doanh xăng dầu đã tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia vào cung ứng xăng dầu. Đã có nhiều thương nhân phân phối phát triển và họ có đóng góp cho đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho sử dụng trong nước.
Tuy nhiên hoạt động của thương nhân phân phối trong thời gian vừa qua cũng được các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra chỉ ra một số điểm cần chấn chỉnh, trong đó việc thương nhân phân phối mua bán lẫn nhau cũng dẫn tới nhiều tiêu cực. Theo đó, ở thị trường trong nước, việc mua bán xăng dầu lẫn nhau có nhiều thời điểm đã tạo ra số lượng tiêu thụ ảo, khiến cơ quan quản lý nhà nước không nắm được tổng nguồn.
Giải pháp là, nếu giao tổng nguồn cho các doanh nghiệp đầu mối để họ chủ động mua bán xăng dầu trong nước hoặc nhập khẩu về thì cơ quan quản lý sẽ giám sát được tổng nguồn cung và tiêu thụ thực tế, từ đó ban hành được kế hoạch và phân giao tổng nguồn hàng năm cho các doanh nghiệp thực hiện, cung ứng xăng dầu cho nền kinh tế, giúp minh bạch thị trường và kiểm soát được kế hoạch tiêu thụ đầu ra, đầu vào.
Dự thảo nghị định quy định các thương nhân phân phối không được mua bán lẫn nhau để đảm bảo doanh nghiệp có thể đáp ứng các yêu cầu do cơ quan quản lý nhà nước quy định và các doanh nghiệp cũng được đảm bảo lợi ích hài hoà, cân đối, không làm mất đi tính cạnh tranh.
Quy định này cũng tạo điều kiện cho các thương nhân phân phối làm tốt có thể nỗ lực để tiến tới một bước cao hơn là thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Được biết, Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu cũng đã thiết kế 3 cấp trong hệ thống kinh doanh xăng dầu. Cấp 1 là thương nhân đầu mối, thứ 2 là thương nhân phân phối và thứ 3 là bán lẻ. Với mỗi cấp, Dự thảo Nghị định cũng quy định về điều kiện tham gia thị trường, quy định quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp tham gia phân khúc nào thì họ phải duy trì điều kiện, thực hiện quyền và nghĩa vụ của họ tại phân khúc đó.
Thực hiện kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra, tại khâu trung gian phân phối, Dự thảo Nghị định bỏ quy định thương nhân được mua bán lẫn nhau, từ đó bỏ số liệu ảo trên thị trường. Việc này cũng giúp thương nhân đầu mối tính toán được lượng tiêu thụ thực tế, từ đó lên kế hoạch cụ thể để mua của doanh nghiệp trong nước hoặc nhập khẩu. Đồng thời, giúp cho cơ quan quản lý nhà nước xác định rõ được lượng tiêu thụ, xây dựng được tổng nguồn để phân giao cho doanh nghiệp với mục tiêu cao nhất là cung ứng đủ xăng dầu cho nhu cầu sử dụng trong nước.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/6-diem-moi-cua-du-thao-nghi-dinh-kinh-doanh-xang-dau-179241007075715882.htm