5 Di sản Văn hóa Thế giới tại Việt Nam
Tính đến thời điểm hiện tại, nước ta tự hào khi sở hữu 5 Di sản Văn hóa Thế giới. Di sản Văn hóa của người Việt đã được thử thách, sàng lọc qua thời gian để chứng tỏ sự trường tồn bất tử của mình.
Quần thể di tích Cố đô Huế - Di sản Văn hóa Thế giới năm 1993
Ngày 11/12/1993, Quần thể Di tích Cố đô Huế chính thức được ghi vào Danh mục Di sản Thế giới của UNESCO. Đây là Di sản thứ 410 trong Danh mục và là di sản thế giới đầu tiên của Việt Nam được vinh danh.
Quần thể di tích Cố đô Huế có 29 điểm di tích nằm rải rác trên địa bàn thành phố Huế, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy và huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên-Huế) với gần 500 hạng mục công trình chủ yếu làm từ gỗ.
Trong gần 400 năm (1558-1945), Huế đã từng là Thủ phủ của 9 đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, là Kinh đô của triều đại Tây Sơn, rồi đến Kinh đô của quốc gia thống nhất dưới 13 triều vua Nguyễn.
Cố đô Huế ngày nay vẫn còn lưu giữ trong lòng những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam.
Suốt mấy thế kỷ, bao nhiêu tinh hoa của cả nước được chắt lọc hội tụ về đây hun đúc cho một nền văn hóa đậm đà bản sắc để hoàn chỉnh cho một bức cảnh thiên nhiên tuyệt vời sẵn bày sông núi hữu tình thơ mộng.
Quần thể di tích Cố đô Huế có 29 điểm di tích nằm rải rác trên địa bàn thành phố Huế, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy và huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên-Huế) với gần 500 hạng mục công trình chủ yếu làm từ gỗ. Ảnh: UNESCO
Bởi vậy, nói đến Huế, người ta nghĩ ngay đến những thành quách, cung điện vàng son, những đền đài miếu vũ lộng lẫy, những lăng tẩm uy nghiêm, những danh lam cổ tự trầm tư u tịch, những thắng tích thiên nhiên thợ trời khéo tạc...
Khu di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam) - Di sản Văn hóa Thế giới năm 1999
Khu di tích Mỹ Sơn (thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), là một quần thể kiến trúc nổi tiếng nhất của người Chăm ở Việt Nam. Khu di tích Mỹ Sơn được xây dựng từ cuối thế kỷ IV đến thế kỷ XIII.
Được khởi công từ thế kỷ IV bởi vị vua Bhadravarman (trị vì từ năm 349 đến năm 361) và kết thúc vào cuối thế kỷ thứ XIII, đầu thế kỷ XIV dưới triều vua Jaya Simhavarman III (Chế Mân), Mỹ Sơn là một quần thể với hơn 70 ngôi đền tháp mang nhiều phong cách kiến trúc, điêu khắc tiêu biểu cho từng giai đoạn lịch sử của vương quốc Chămpa.
Hầu hết các công trình kiến trúc, tác phẩm điêu khắc tại Mỹ Sơn đều chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo. Các đền tháp phần lớn quay về hướng đông-phương mặt trời mọc, chỗ trú ngụ của thần linh; ngoại trừ một vài tháp quay về hướng tây hoặc cả hai hướng đông-tây, thể hiện tư tưởng hướng về thế giới bên kia của các vị vua sau khi chết được phong thần và để tỏ lòng hoài niệm tổ tiên.
Bị chiến tranh tàn phá, đến năm 1975, Mỹ Sơn chỉ còn lại 32 công trình, trong đó khoảng 20 công trình còn giữ được dáng vẻ ban đầu. Đáng tiếc công trình lớn nhất là tháp A1 cao 24m, có 6 tháp phụ chung quanh, tháp này được đánh giá là kiệt tác của kiến trúc Chămpa đã bị bom Mỹ đánh đổ vào cuối năm 1969.
Những đền thờ chính ở Mỹ Sơn thờ một bộ Linga hoặc hình tượng của thần Shiva-Đấng bảo hộ của các dòng vua Chămpa. Vị thần được tôn thờ ở Mỹ Sơn là Bhadravarman, là vị vua đã sáng lập dòng vua đầu tiên của vùng Amaravati vào thế kỷ IV kết hợp với tên thần Siva, trở thành tín ngưỡng chính thờ thần-vua và tổ tiên hoàng tộc.
Những đền thờ chính ở Mỹ Sơn thờ một bộ Linga hoặc hình tượng của thần Shiva - Đấng bảo hộ của các dòng vua Chămpa.
Sau bao nhiêu năm thăng trầm, biến thiên của lịch sử, ngày nay Thánh địa Mỹ Sơn vẫn còn là một di tích có giá trị văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc độc đáo của nhân loại, nó kết tinh của trí tuệ, tài hoa của nhiều thế hệ.
Khu di tích Mỹ Sơn đã được Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO chính thức công nhận là Di sản văn hóa Thế giới vào ngày 1/12/1999.
Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hóa Thế giới năm 1999
Hội An là một thị xã cổ của người Việt, nằm ở vùng hạ lưu ngã ba sông Thu Bồn thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30km về phía nam. Hội An từng được biết đến trên thương trường quốc tế với nhiều tên gọi khác nhau như Lâm Ấp, Faifo, Hoài Phố và Hội An.
Nhờ những yếu tố địa lý và khí hậu thuận lợi, Hội An từng là một thương cảng quốc tế sầm uất, nơi gặp gỡ của những thuyền buôn Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây trong suốt thế kỷ 17 và 18. Trước thời kỳ này, nơi đây cũng từng có những dấu tích của thương cảng Chăm Pa hay được nhắc đến cùng con đường tơ lụa trên biển.
Thế kỷ 19, do giao thông đường thủy ở đây không còn thuận tiện, cảng thị Hội An dần suy thoái, nhường chỗ cho Đà Nẵng khi đó đang được người Pháp xây dựng. Hội An may mắn không bị tàn phá trong hai cuộc chiến tranh và tránh được quá trình đô thị hóa ồ ạt cuối thế kỷ 20. Bắt đầu từ thập niên 1980, những giá trị kiến trúc và văn hóa của phố cổ Hội An dần được giới học giả và cả du khách chú ý, khiến nơi đây trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn của Việt Nam.
Là một kiểu cảng thị truyền thống Đông Nam Á duy nhất ở Việt Nam, hiếm có trên thế giới, Hội An giữ được gần như nguyên vẹn với 1.360 di tích bao gồm 1.068 nhà cổ, 11 giếng nước cổ, 38 nhà thờ tộc, 19 ngôi chùa, 43 miếu thờ thần, 23 đình, 44 mộ cổ loại đặc biệt và một cây cầu. Các kiến trúc vừa có sắc thái nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, vừa thể hiện sự giao lưu hội nhập văn hoá với các nước phương Đông và phương Tây.
Trải qua nhiều thế kỷ, những phong tục tập quán, nghi lễ, sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng cũng như các món ăn truyền thống vẫn lưu giữ, bảo tồn cùng với bao thế hệ người dân phố cổ. Hội An còn có một môi trường thiên nhiên trong lành, êm ả với những làng nhỏ ngoại ô xinh xắn, có nghề thủ công như mộc, làm đồ đồng, gốm…
Điều này khiến Hội An trở thành một địa danh độc nhất vô nhị trong biên niên sử thời hiện đại.
Tại kỳ họp thứ 23 từ ngày 29/11 đến 4/12/1999 ở Marrakesh (Maroc), Tổ chức Văn hoá - Khoa học - Giáo dục Liên hiệp quốc (UNESCO) đã ghi tên Hội An vào danh mục các Di sản Văn hoá Thế giới.
Hoàng thành Thăng Long - Di sản Văn hóa Thế giới năm 2010
Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long Hà Nội. Công trình kiến trúc đồ sộ này được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam.
Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, với diện tích vùng lõi của di sản là 18,395ha (bao gồm Khu di tích thành cổ Hà Nội và Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu) và diện tích vùng đệm là 108ha. Hai khu vực thuộc vùng lõi di sản là một hệ thống nhất nằm trong Cấm thành Thăng Long và cũng chính là trung tâm của Hoàng thành Thăng Long. Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là bộ phận quan trọng nhất của Kinh thành Thăng Long - Kinh đô của quốc gia Đại Việt từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 18.
Thăng Long - Hà Nội là nơi giao thoa các giá trị văn hóa của Đông Á với Đông Nam Á trong một quá trình lịch sử rất lâu dài. Sự giao thoa đó được thể hiện qua rất nhiều hiện vật lịch sử, công trình kiến trúc, cảnh quan đô thị mang bề dày 1000 năm.
Tổng quan mô hình đô thị, kiểu dáng kiến trúc và nghệ thuật của Thăng Long - Hà Nội mang giá trị độc đáo và tiêu biểu cho sự phát triển liên tục của một trung tâm quyền lực chính trị kiểu Châu Á. Rất nhiều sự kiện mang tầm vóc quốc tế, bao gồm sự phát triển của các nhà nước độc lập, các hình mẫu nhà nước kiểu Châu Á, ảnh hưởng của văn hóa phương Đông, phương Tây, của chủ nghĩa thực dân và các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc sau Chiến tranh thế giới thứ II đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm và còn có thể nhìn thấy được trong không gian chung của khu di sản.
Nhiều nét văn hóa và mỹ thuật độc đáo được hình thành tại Thăng Long và chính những giá trị đó đã làm cho khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long nổi lên như một trong những di sản văn hóa lớn nhất của dân tộc Việt Nam và mang tầm vóc quốc tế. Nhiều dấu tích nền móng cung điện, lầu gác và nhiều loại hình di vật độc đáo của Hoàng cung qua các thời kỳ lịch sử được các nhà khảo cổ học tìm thấy dưới lòng đất thuộc khu vực trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã phản ánh sinh động về lịch sử phát triển lâu dài của Kinh đô Thăng Long.
Trải qua thời gian và những biến cố của lịch sử, thành Thăng Long đã có nhiều thay đổi, biến dạng, nhưng đến nay vẫn còn thấy được cả di tích trên mặt đất, dưới lòng đất, di tích lịch sử cách mạng, di tích khảo cổ, di tích kiến trúc nghệ thuật… tạo thành hệ thống các di tích được đánh giá là quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích đô thị cổ, trung, cận, hiện đại của nước ta.
Vào lúc 20 giờ 30 ngày 31/7/2010 theo giờ địa phương tại Brazil, tức 6 giờ 30 ngày 1/8/2010 theo giờ Việt Nam, Ủy ban di sản thế giới đã thông qua Nghị quyết công nhận khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là Di sản Văn hóa thế giới.
Thành nhà Hồ (Thanh Hóa) - Di sản Văn hóa Thế giới năm 2011
Thành nhà Hồ (còn gọi là thành Tây Đô) ở xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, là một trong những công trình kiến trúc bằng đá độc đáo bậc nhất của Việt Nam và thế giới.
Công trình được Hồ Quý Ly xây dựng vào năm 1397, còn được gọi là Tây Đô để phân biệt với Đông Đô (Thăng Long - Hà Nội), từng được coi là kinh đô, trung tâm văn hóa chính trị xã hội của nước Đại Ngu dưới triều Hồ.
Không phải công trình duy nhất trong nước và khu vực có lối kiến trúc bằng đá, nhưng Thành Nhà Hồ là minh chứng "vô tiền khoáng hậu" về kỹ thuật xây dựng khác biệt, độc đáo.
Toàn bộ tường thành và bốn cổng chính của Thành nhà Hồ được xây dựng theo kiến trúc hình vòm với những phiến đá xanh, đục đẽo tinh xảo, vuông vức, xếp chồng khít lên nhau.
Các phiến đá có chiều dài trung bình 1,5m, dày 1m, nặng từ 15-20 tấn.
Các cổng được gọi tên theo bốn hướng chính: cổng Nam, cổng Bắc, cổng Đông, cổng Tây (hay còn gọi là: Tiền, Hậu, Tả, Hữu).
Thành Nhà Hồ biểu hiện sự giao lưu quan trọng các giá trị ảnh hưởng Nho giáo Trung Hoa đối với một biểu tượng vương quyền tập trung ở thời kỳ cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15. Thành thể hiện những bước phát triển mới trong phong cách kiến trúc trên phương diện kỹ thuật và quy hoạch đô thị trong môi trường Đông Á và Đông Nam Á, tận dụng triệt để điều kiện thiên nhiên xung quanh và đưa thêm vào các công trình và cảnh quan đô thị của mình những yếu tố riêng biệt của Việt Nam và Đông Nam Á.
Đây là một ví dụ nổi bật về một quần thể kiến trúc giữa một cảnh quan thiên nhiên, minh chứng cho sự phát triển nở rộ của Tân Nho giáo thực hành cuối thế kỷ 14 của Việt Nam ở một thời kỳ mà tư tưởng này đã lan rộng khắp Đông Á và trở thành một triết lý có tầm ảnh hưởng lớn đối với việc cai trị trong khu vực.
Việc sử dụng những khối đá lớn chứng tỏ sức mạnh tổ chức của một nhà nước Tân Nho giáo, cho thấy sự giao lưu về kỹ thuật xây dựng trong khu vực Đông Nam Á, và sự thay đổi hướng trục chính làm nên điểm khác biệt về thiết kế của Thành Nhà Hồ so với các chuẩn mực Trung Hoa.
Năm 2011, Thành Nhà Hồ được ghi vào Danh sách Di sản Thế giới thuộc Công ước UNESCO về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới. Sự có mặt trong Danh sách khẳng định Giá trị Nổi bật Toàn cầu của di sản văn hóa hoặc thiên nhiên cần được bảo vệ vì lợi ích của cả nhân loại.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/5-di-san-van-hoa-the-gioi-tai-viet-nam-179230918153157685.htm