2/9 và "niềm vui kép" trong lễ khai giảng của cô trò nơi vùng cao Suối Giao - Xà Hồ

19:09 - 02/09/2023

Vòng vèo trên con đường đèo uốn khúc, quắt qoéo từ trung tâm Trạm Tấu lên độ cao 1.100m so mặt nước biển để tới thôn Suối Giao - Xà Hồ trong ngày Tết độc lập 2/9 để cảm nhận niềm vui phấn khởi của cô trò trường mầm non nơi đây khi được tặng ngôi trường mới từ năm học 2023-2024.

2/9 và "niềm vui kép" trong lễ khai giảng của cô trò vùng cao Suối Giao- Xà Hồ  - Ảnh 1.

Niềm vui ngày Lễ Quốc khánh 2/9 và đón nhận bàn giao lớp học điểm trường mầm non Suối Giao. Ảnh: MC

Mừng Quốc khánh 2/9 và Khai giảng năm học mới tại thôn vùng cao Suối Giao

Con đường rộng chừng 80cm chỉ đủ 1 chiếc xe máy di chuyển, nếu hai xe lên xuống gặp nhau thì một xe phải dừng lại nhường đường. Đoạn đường gần chục km từ trung tâm Trạm Tấu lên Xà Hồ vòng vèo quanh co không biết bao nhiêu đèo dốc, với những khúc cua tay áo ngoắt ngoéo, chúng tôi chia làm 2 nhóm: đi bộ mất hơn 2 tiếng, xe máy gần 1 tiếng mới tới nơi để kịp dự lễ khai giảng ý nghĩa đặc biệt ở điểm trường mầm non vùng cao Suối Giao.

Từ nơi trước đây là chiếc ao trong thôn - nay đã thành nhà lớp học khang trang che chở các em thơ. Từ nơi con dốc cao quánh đất đỏ - nay đã thành con đường trải bê tông đón bước các em vững chân tới trường. Ảnh: MC

Hôm nay, cô trò trường mầm non Hoa Hồng tại thôn Suối Giao cũng như các phụ huynh vui mừng đón đoàn đại diện Quỹ Tâm hồn đẹp (quận Long Biên, Hà Nội) lên bàn giao nhà lớp học điểm trường mầm non Suối Giao (xã Xà Hồ, Trạm Tấu, Yên Bái). Ngôi trường được khánh thành sau gần 3 tháng thi công - là món quà ý nghĩa cho cô trò cũng như bà con nơi đây trong dịp Lễ Quốc khánh 2/9 và Lễ khai giảng năm học mới 2023-2024.

Đứng từ điểm trường mới, cô giáo Nguyễn Thị Kim Thoa – Hiệu trưởng nhà trường chỉ tay sang đỉnh núi bên cạnh, nơi có ngôi trường cũ mái tôn đỏ ngay dưới chân thác nước trắng xóa, cô giáo Thoa bảo, từ nay, các con không phải vất vả leo dốc, trèo đèo lên đó học nữa, từ năm học này cô và trò đỡ vất vả hơn.

Ngày vui của cô trò thôn Suối Giao. Ảnh: MC

Cô giáo Thoa cho biết, điểm trường mầm non Suối Giao được Quỹ Tâm hồn đẹp (quận Long Biên, Hà Nội) quan tâm, tặng một nhà lớp học với đầy đủ chức năng và tiện nghi, đảm bảo tốt cho các con đến học tập và vui chơi. Để có được cơ ngơi khang trang như ngày hôm nay là cả một quá trình vất vả của Quỹ Tâm hồn đẹp, các cấp lãnh đạo, nhà trường và bà con thôn Suối Giao.

Nhớ lại khoảng thời gian xây trường, các cô giáo ở đây kể, trong điều kiện đường đi gập ghềnh, dốc đứng, những hôm mưa bão, mây mù vẫn phải vận chuyển vật liệu trên quãng đường gần chục km bằng xe máy, thậm chí có hôm phải khiêng vật liệu đi bộ với những thanh sắt to dài mà xe máy không thể chở lên dốc cao được. Tham gia vận chuyển không chỉ có lực lượng thanh niên trong thôn bản, mà còn có cả chị em phụ nữ lưng địu con mà vẫn chở từng bao xi, bao cát... thực sự vất vả. Nhưng chỉ với một tinh thần chung tay để các con có một ngôi trường đẹp, an toàn trong mùa mưa bão, ấm áp về mùa đông, mát mẻ về mùa hè - là tất cả mọi người đều hăm hở sốc tinh thần, giúp các hạng mục xây dựng được hoàn thiện một cách nhanh chóng nhất, kịp cho các con đón năm học mới 2023 2024.

2/9 và "niềm vui kép" trong lễ khai giảng của cô trò vùng cao Suối Giao- Xà Hồ  - Ảnh 3.

Bà Vũ Thị Thân – Trưởng Ban vận động Quỹ Tâm hồn đẹp. Ảnh: MC

Chung niềm vui với cô trò ở Suối Giao cũng như bà con Xà Hồ, bà Vũ Thị Thân – Trưởng Ban vận động Quỹ Tâm hồn đẹp chia sẻ, nhà lớp học điểm trường mầm non thôn Suối Giao là công trình thứ 5 Quỹ xây dựng trao tặng cho các học sinh vùng cao, như một món quà ý nghĩa, một lời động viên vô giá tới các thầy cô giáo đã không quản mưa nắng, vất vả bám lớp, yêu trò. Qua đó, các thành viên của Quỹ gửi gắm mong muốn những món quà ý nghĩa này góp phần giúp các thầy cô vùng cao dạy tốt hơn, các học trò yêu trường, gắn lớp và có điều kiện học tập, trang bị kiến thức tốt hơn.

Ông Giàng A Sáy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Xà Hồ cho biết, người dân ở đây 100% dân tộc Mông, đời sống còn khó khăn, vất vả, được tặng ngôi trường mới, không chỉ cô vui, trò vui, phụ huynh vui mà cả xã vui chung vì cơ sở hạ tầng này góp phần thu hút học sinh đến trường, nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn xã Xà Hồ.

Anh Thào A Kỷ, trưởng thôn Suối Giao, xã Xà Hồ trong ngày vui cũng đã nhiệt tình lái xe máy nhiều chuyến lên xuống đèo chở các thành viên Quỹ tới điểm trường để cùng cô trò nơi đây dự Lễ khai giảng đầu năm học mới. Anh Thào A Kỷ vui vẻ cho biết: "Các con mình được đến điểm trường khang trang sạch sẽ như thế này phụ huynh cũng thấy an tâm hơn, các con biết giữ gìn vệ sinh hơn, thích đi học hơn".

Lễ khai giảng ý nghĩa trong 10 năm dạy học ở vùng cao của cô giáo Hồng

2/9 và "niềm vui kép" trong lễ khai giảng của cô trò vùng cao Suối Giao- Xà Hồ  - Ảnh 4.

Cô Nguyễn Thị Hồng đón các bé mầm non lần đầu đến lớp. Ảnh: Trần Vũ

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng, sinh năm 1983 nhưng đã có 10 năm giảng dạy ở vùng cao và 4 năm cắm bản tại điểm Suối Giao này. Lễ khai giảng năm nay đặc biệt vui và cảm động với cô vfi được đón các trò ở nơi khang trang sạch đẹp. Ngôi trường trước đây ở trên núi cao, khuôn viên chật hẹp, chỉ có một gian nhà lợp mái tôn, bếp ăn nấu ngoài trời, cô và trò đến trường đều rất gian nan. 

Điểm trường này chỉ có 2 cô giáo, là cô Hồng và cô Lò Thị Thương sinh năm 1989, phụ trách 28 em nhỏ từ 3-5 tuổi. Nhà cô Hồng ở trung tâm Trạm Tấu, nhưng ngày nào cô cũng vượt con đường đèo dốc ngoằn ngoèo để lên với học sinh Suối Giao. Chồng cô giáo Hồng mất sớm, một mình cô nuôi 2 con, nhưng cô vẫn gắn bó với các em học sinh nơi đây, luôn được lãnh đạo xã và phụ huynh đề xuất cho cô bám thôn bản.

Những hôm mưa gió là những hôm vất vả nhất của cô trò Suối Giao, với cô giáo Hồng, chuyện bị ngã trên đường là… bình thường, có lần ngã đau, phải nhờ phụ huynh đưa lên với các trò. Chiếc xe máy của cô Hồng 1 tuần phải mang ra hiệu một lần thay dầu, sửa phanh, vì đường đèo quá hiểm trở, rất hại xe.

"Chính em cũng thấy em giỏi, vì chỉ ngã mà không thương tích gì, em chứng kiến nhiều người dân ở đây ngã xe trên đèo, gãy xương, thậm chí có một phụ nữ mang bầu, ngã xuống vực mà may mắn không ảnh hưởng đến em bé trong bụng" – cô giáo Hồng chia sẻ.

Làm nghề nhà giáo, yêu con trẻ là đương nhiên, nhưng tình yêu của các em dành cho các cô, thậm chí cả các phụ huynh nơi đây như "chất keo" kết nối cô giáo người Sơn La đến gắn bó cuộc đời với vùng cao Yên Bái.

Quãng đường không biết bao nhiêu con đèo, cái dốc mà thầy cô giáo lên với học trò vùng cao Suối Giao. Ảnh: Trần Vũ

Trong những ngày mưa gió, cô giáo đi xe máy từ dưới trung tâm lên gặp đường trơn ngã, đau, khóc, nhưng vẫn nhờ phụ huynh đưa lên với các con. Còn học trò thì đến trường trong cảnh lem luốc bùn đất, không có quần áo thay, có những lần cô phải mang quần áo của con mình lên cho các bé mặc, để giặt bộ đồ lấm lem đất đỏ cho các bé, vì có bé chỉ có 1 bộ quần áo mặc cả tuần.

Mưa gió là khoảng thời gian vất vả nhất của cô trò nơi đây, học sinh quá nhỏ, nhưng hầu hết phải tự đến trường. Những hôm như vậy, 1 cô ở trường trông học sinh, 1 cô mang áo mưa đi đón học sinh. Cô giáo Hồng kể, có bé Thào A Sèo mới 4 tuổi nhưng hàng ngày dắt 3 người em (gồm em ruột và em họ) tới trường, trách nhiệm như một người anh trưởng thành, vì gia đình Sèo nghèo, bố mẹ đi nương sáng sớm đến tối mịt.

Cũng theo cô giáo Hồng, trẻ em ở đây đến trường hầu hết là tự đi bộ, dù là học sinh mầm non, tuổi từ 3-5 còn rất bé nhỏ. Nhưng các em đã quen với việc tự thân, bởi được đến trường là được vui, được chơi và dạy dỗ những điều mới lạ, ý nghĩa.

Khó khăn của cô trò tại điểm trường Suối Giao là bản 100% con em người dân tộc Mông, nên giao tiếp cũng không dễ dàng, nhất là thời điểm lần đầu tiên đón các bé đến lớp, các bé chưa biết nói tiếng Việt. Giờ học bao giờ cũng phải dùng 2 ngôn ngữ, chính cô Hồng ban đầu cũng phải học tiếng Mông cùng học trò của mình, vì cô là người Kinh. Nhưng đó cũng là sự mới mẻ, thú vị, để cô trò tìm hiểu về nhau, hỗ trợ nhau cùng dạy tốt, học tốt.

Các bé thôn Suối Giao rất yêu thích điểm trường mới. Ảnh: MC

Các cô giáo chia sẻ, học sinh ở đây ăn ngoan, ngủ ngoan, tự biết lấy chăn, trải chiếu trong giờ ngủ. Đặc biệt các em rất ham học, thích các môn thể dục, múa hát, các hoạt động ngoài trời, học tiếng Việt, học steam… Những tháng đầu năm học luôn là khoảng thời gian vất vả nhất của cả cô và trò nơi đây, vì các con em mới đến lớp còn lạ lẫm, khóc suốt. Có những bé không nhớ đường về, cô lại phải đưa con về rồi mới lên xe xuống đèo về với các con mình.

Yêu nghề, thương trò, chung tay xây dựng xã hội học tập - nên quãng đường lên vùng cao Suối Giao tuy ngoằn ngoèo, trắc trở, nhưng không ngăn được bước chân của các thầy cô, và của cả những người luôn hết lòng chăm lo vun đắp cho các thế hệ tương lai của đất nước.

Một số hình ảnh Công dân và Khuyến học ghi nhận ngày Tết độc lập 2/9 và Ngày hội tới trường tại thôn vùng cao Suối Giao:

2/9 và "niềm vui kép" trong lễ khai giảng của cô trò vùng cao Suối Giao- Xà Hồ  - Ảnh 7.

Tình cảm người miền xuôi gửi tới gia đình các học sinh vùng cao Suối Giao trong ngày Quốc khánh 2/9 và khai giảng năm học mới 2023-2024. Ảnh: MC

2/9 và "niềm vui kép" trong lễ khai giảng của cô trò vùng cao Suối Giao- Xà Hồ  - Ảnh 8.

Niềm vui nhân đôi ngày khai trường. Ảnh: MC

2/9 và "niềm vui kép" trong lễ khai giảng của cô trò vùng cao Suối Giao- Xà Hồ  - Ảnh 9.

Lần đầu các em nhỏ Suối Giao được chơi đu quay. Ảnh: Trần Vũ

2/9 và "niềm vui kép" trong lễ khai giảng của cô trò vùng cao Suối Giao- Xà Hồ  - Ảnh 10.

Các em nhỏ vùng cao Suối Giao sẽ đón năm học mới với tinh thần học mà chơi, chơi mà học đầy hứng khởi. Ảnh: Trần Vũ


Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/2-9-va-niem-vui-kep-trong-le-khai-giang-cua-co-tro-vung-cao-suoi-giao-xa-ho-179230902190952342.htm