10 thành tích nổi bật của ngành giáo dục Hà Nội năm 2022
Ngày 9/1/2023, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thông tin kết quả công tác giáo dục và đào tạo năm 2022.
Ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô xác định nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2021-2022 và của năm 2022 là: Vừa chủ động, linh hoạt thực hiện các giải pháp ứng phó với đại dịch COVID-19, vừa phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ năm học, tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo.
Trong năm 2022 vừa qua, tất cả các bậc học, cấp học trong toàn ngành đã nỗ lực, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đạt được nhiều thành tích nổi bật:
Thứ nhất, quy mô giáo dục Hà Nội tiếp tục được ổn định và có bước phát triển mạnh. Hà Nội đã hoàn thành công tác rà soát toàn bộ mạng lưới trường học trên địa bàn Thành phố đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Thành phố Hà Nội là địa phương có quy mô mạng lưới giáo dục lớn nhất cả nước với hơn 2.800 trường học, 29 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên; với hơn 65.000 lớp, 2,2 triệu học sinh; gần 139.000 giáo viên. Các trường đại học, cao đẳng thuộc các Bộ, ngành trên địa bàn thành phố có khoảng 120 trường với gần 1.000.000 sinh viên, học viên.
Thành phố có 298 đơn vị đang có hoạt động giáo dục nghề nghiệp (61 trường cao đẳng, 58 trường trung cấp, 54 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp/dạy nghề và 125 doanh nghiệp, loại hình khác). Số học viên hiện đang có mặt tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố là 192.590 người.
Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ dạy và học trong nhà trường tiếp tục được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại.
Thứ hai, triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, hoàn thành mục tiêu: Vừa đảm bảo an toàn phòng, chống, vừa thích ứng với dịch COVID-19, vừa hoàn thành kế hoạch năm học 2021-2022: Năm học 2021-2022, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã rà soát, trợ cấp, hỗ trợ, tặng quà 1.233 cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh với tổng số tiền hơn 4 tỉ đồng.
Chương trình "Sóng và máy tính cho em" đã tổ chức trao hơn 10.000 thiết bị gồm: Máy tính, điện thoại thông minh và máy tính bảng, ước tính trên 30 tỉ đồng giúp các em học sinh có điều kiện học trực tuyến. Cung cấp tài khoản học tập cho học sinh.
Tiếp tục triển khai "Trường học kết nối"; xây dựng "nguồn học liệu mở", góp phần đổi mới phương pháp dạy học trong trường học hiện nay. Tổ chức thành công diễn đàn tư vấn tâm lý học đường "Điều em muốn nói" hỗ trợ các em học sinh về tinh thần sau hai năm sống chung với đại dịch COVID-19 để trở lại cuộc sống bình thường mới.
Thứ ba, công tác tham mưu về cơ chế chính sách được thực hiện chủ động. Năm 2022: Sở đã chủ trì tham mưu, trình Uỷ ban nhân dân thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố ban hành 04 Nghị quyết với 05 chính sách quan trọng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Phối hợp các Sở, ngành tham mưu Uỷ ban nhân dân thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 08/4/2022 của Hội đồng nhân dân thành phố về bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, phân bổ Kế hoạch vốn năm 2022 thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo và một số dự án xây dựng cơ bản nhiệm vụ chi cấp thành phố, trong đó, lĩnh vực giáo dục và đào tạo dự kiến đầu tư 653 dự án.
Thứ tư, Hà Nội là một trong 4 tỉnh, thành phố đầu tiên trong cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3 tại thời điểm tháng 12/2021.
Thứ năm, công tác đầu tư cơ sở vật chất được quan tâm, tập trung thực hiện. Năm học 2021-2022, khối các trường trực thuộc Sở đã được Thành phố quan tâm xây mới, thành lập mới 6 trường học các cấp; cải tạo, sửa chữa 45 trường. Các quận, huyện, thị xã đã xây mới, thành lập mới 45 trường học các cấp học; cải tạo, sửa chữa được 560 trường học các cấp học.
Thứ sáu, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia và trường chất lượng cao được tập trung thực hiện.
Kết quả thực hiện đến tháng 12/2022: Đã công nhận đạt chuẩn quốc gia cho 22 trường; đã công nhận kiểm định chất lượng giáo dục, hoàn thành các thủ tục để trình Uỷ ban nhân dân thành phố công nhận đạt chuẩn quốc gia cho 7 trường, công nhận lại 5 trường; đang thực hiện Đánh giá ngoài theo quy trình cho: Công nhận mới: 43 trường; công nhận lại: 109 trường.
Đến thời điểm này, toàn thành phố đã công nhận được 23 trường chất lượng cao, trong đó có 17 trường công lập (có 7 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 5 trường trung học cơ sở và 2 trường trung học phổ thông) và 6 trường ngoài công lập.
Triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp tiên tiến, hiện đại có diện tích 5 ha trở lên trên địa bàn thành phố.
Thứ bảy, chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được nâng lên; 100% cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học của Hà Nội đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục 2005. 92% cán bộ quản lý, giáo viên Mầm non, 91,7% cán bộ quản lý, giáo viên Tiểu học; 94,5% cán bộ quản lý, giáo viên trung học cơ sở và 100% cán bộ quản lý, giáo viên cấp trung học phổ thông đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục 2019.
Tổ chức lớp "Bồi dưỡng, nâng cao phương pháp dạy học, công nghệ thông tin ở nước ngoài cho giáo viên đạt điểm IELTS từ cao xuống thấp" tại nước Úc cho 200 giáo viên.
Thứ tám, công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giáo dục và đào tạo có sự tiến bộ vượt bậc.
Ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập phù hợp với tình hình thực tế.
Chỉ số cải cách hành chính của Sở Giáo dục và Đào tạo tăng 8 bậc từ xếp vị trí thứ 17 lên xếp vị trí thứ 9/22 Sở, ngành, cơ quan thuộc Thành phố. Tổ chức triển khai trung tâm Điều hành giáo dục thông minh (IOC) phục vụ công tác quản trị, điều hành các hoạt động giáo dục trên toàn Thành phố.
Thứ chín, tổ chức an toàn, nghiêm túc, đúng Quy chế hai Kỳ thi: Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2022-2023 với tổng số học sinh dự tuyển sinh là 129.000 (tăng 19.000 so với năm học 20221-2022); đảm bảo đủ chỗ học tất cả các em học sinh trên tinh thần đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân Thủ đô, thực hiện nghiêm túc phân luồng học sinh sau trung học cơ sở.
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 với 97.988 thí sinh tham gia. Kết quả: Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 đạt 99,1% (năm 2021, đạt 98,9%); có 31.048 bài thi đạt từ 9 điểm trở lên, trong đó có 401 bài thi đạt điểm 10; nhiều thủ khoa là thí sinh Hà Nội, đặc biệt, 1 học sinh Trường Trung học phổ thông Quốc Oai, huyện Quốc Oai đạt số điểm 30/30 ở tổ hợp A00 - Toán, Lý, Hóa, đồng thời là thí sinh duy nhất trong cả nước dành số điểm tuyệt đối ở một tổ hợp môn xét tuyển đại học năm 2022.
Thứ mười, học sinh Thủ đô đã khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia, Quốc tế với 125 học sinh đạt giải tại các Kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia và 82 huy chương, giải thưởng quốc tế; đạt giải Nhất toàn đoàn Hội thi "Giai điệu tuổi hồng toàn quốc lần thứ XII-2022".
Tổ chức thành công Lễ Tuyên dương, khen thưởng học sinh giỏi Thủ đô năm học 2021-2022; Lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022); tuyên dương các điển hình tiên tiến, nhà giáo tiêu biểu ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội năm 2022.
Công tác tuyển sinh trực tuyến vào các lớp đầu cấp năm học 2022-2023 đảm bảo nghiêm túc, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân, thích ứng với tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
Kết quả: Số học sinh tuyển sinh trực tuyến lớp 1 đạt 107.200/132.435 học sinh, đạt 81%; Số học sinh tuyển sinh trực tuyến lớp 6 đạt 112.795/131.255 học sinh, đạt 86%.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/10-thanh-tich-noi-bat-cua-nganh-giao-duc-ha-noi-nam-2022-179230110102404304.htm