10 điểm nổi bật về tình hình kinh tế - xã hội trong 8 tháng năm 2023
8 tháng vừa qua, kinh tế vĩ mô nước ta tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Khu vực nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, là điểm sáng và là bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong khó khăn...
Ngày 9/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023.
Tại phiên họp, Chính phủ tập trung thảo luận một số nội dung chính: Tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2023, triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; các báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025); các báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công, thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự kiến kế hoạch đầu tư công, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và đánh giá giữa kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025…
Các báo cáo và ý kiến tại phiên họp thống nhất đánh giá, trong tháng 8, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tập trung triển khai quyết liệt các Nghị quyết, Kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ.
Trong đó, đã tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, với việc tổ chức phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8/2023 (phiên thứ 7 năm 2023); ban hành 15 văn bản quy phạm (11 Nghị định và 4 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ); 24 Nghị quyết, 1 Chỉ thị. Tính chung 8 tháng, Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành 84 văn bản quy phạm (61 Nghị định, 23 Quyết định quy phạm của Thủ tướng Chính phủ) và 1.061 Quyết định cá biệt, 24 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng cũng đã thành lập Tổ công tác thực hiện Nghị quyết số 101/2023 của Quốc hội về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Cùng với đó, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể, đã tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; chỉ đạo hoàn thiện, trình Quốc hội ban hành các nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn đối với các dự án giao thông đường bộ; thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu...
Tập trung chỉ đạo, đôn đốc các dự án trọng điểm (khởi công nhà ga Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, thông xe một số tuyến cao tốc, khánh thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2…); đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; kết nối các tuyến đường bộ cao tốc; chú trọng chỉ đạo về các vấn đề quan trọng, cấp bách phát sinh, đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững, phòng ngừa, ngăn chặn "tín dụng đen", rửa tiền; ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sụt lún, sạt lở đất, khô hạn, ngập úng, bảo đảm an toàn hồ đập; bảo đảm sách giáo khoa, giáo viên cho năm học mới…
Thường trực Chính phủ có nhiều cuộc họp thảo luận về công tác xây dựng thể chế, các nhiệm vụ, giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong những tháng cuối năm 2023...
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức các hội nghị, diễn đàn, cuộc họp tham vấn ý kiến về phát triển kinh tế - xã hội, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, giảm lãi suất, tăng khả năng tiếp cận tín dụng; khắc phục sạt lở vùng Đồng bằng sông Cửu Long; họp các Ban chỉ đạo quốc gia, Ban Chỉ đạo Nhà nước về các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm và an toàn, an ninh mạng…
Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ tham dự nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa, giáo dục, thể thao. Hoạt động đối ngoại diễn ra sôi động.
10 điểm nổi bật trong 8 tháng đầu năm
Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2023, phiên họp thống nhất đánh giá, trong bối cảnh quốc tế, trong nước rất khó khăn, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng, tình hình tháng 8 tiếp tục xu hướng tích cực, nhiều lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với tháng 7, duy trì đà "tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước", đóng góp vào kết quả chung của 8 tháng đầu năm 2023.
Trong đó, nổi bật là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm.
Cụ thể, lạm phát tiếp tục xu hướng giảm dần, CPI bình quân 8 tháng tăng 3,1% (so với bình quân 7 tháng là 3,12%, 6 tháng 3,29%, 5 tháng 3,55%, 4 tháng 3,84%; 3 tháng 4,18%; 2 tháng 4,6% và tháng 1 là 4,89%); thấp hơn mục tiêu đề ra (khoảng 4,5%); qua đó tạo dư địa cho các chính sách tiền tệ, tài khóa thúc đẩy tổng cầu và tăng trưởng kinh tế. Tỷ giá, thị trường ngoại tệ được kiểm soát tốt; mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm. Thị trường chứng khoán hồi phục. Phát hành trái phiếu doanh nghiệp lũy kế từ đầu năm đạt 132.000 tỷ đồng, trong đó trái phiếu riêng lẻ là 115.000 tỷ đồng.
Thu ngân sách nhà nước 8 tháng đạt trên 1,12 triệu tỷ đồng, bằng 69,4% dự toán trong điều kiện phải thực hiện giãn, hoãn, miễn giảm thuế, phí, lệ phí (tổng số tiền miễn, giảm, gia hạn khoảng 200.000 tỷ đồng; đến hết tháng 8 ước tính là 132.000 tỷ đồng). Nợ công, nợ chính phủ, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt.
Xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trở lại. Trong tháng 8, xuất khẩu tăng 7,7% so với tháng 7, nhập khẩu tăng 5,7%; xuất siêu gần 3,82 tỷ USD. Tính chung 8 tháng, xuất khẩu đạt 227,7 tỷ USD, nhập khẩu đạt 207,5 tỷ USD; xuất siêu gần 20,2 tỷ USD.
An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm; xuất khẩu 5,9 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 3,2 tỷ USD, tăng 123% về lượng và 137,3% về giá trị so với cùng kỳ. Thị trường lao động phục hồi tốt, cân đối cung cầu lao động được bảo đảm.
Thứ hai, khu vực nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, là điểm sáng và là bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong khó khăn. Năng suất lúa mùa tăng 0,9 tạ/ha; đàn lợn tăng 3,5%; sản lượng gỗ tăng 4,8%, thuỷ sản tăng 1,9%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản 8 tháng đạt 33,21 tỷ USD, xuất siêu 6,72 tỷ USD; trong đó xuất khẩu rau quả đạt gần 3,5 tỷ USD, tăng 59,3% và cao hơn cả năm 2022.
Thứ ba, khu vực công nghiệp tiếp tục đà phục hồi; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 tăng 2,9% so với tháng 7 và tăng 2,6% so cùng kỳ (tháng 7 tăng 2,3%), trong đó ngành chế biến chế tạo tăng 3,5%.
Đặc biệt, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất trong tháng 8 (do S&P Global công bố) đạt 50,5 điểm so với 48,7 điểm vào tháng 7; thể hiện lĩnh vực sản xuất được mở rộng với số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng tăng trở lại.
Thứ tư, khu vực thương mại, dịch vụ tiếp tục tăng khá cao; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 8 tăng 0,9% so tháng 7 và tăng 7,6% so cùng kỳ; tính chung 8 tháng tăng 10%. Khách quốc tế tháng 8 đạt 1,2 triệu lượt, tăng 17,2% so tháng 7 và gấp gần 2,5 lần so cùng kỳ; tính chung 8 tháng thu hút được 7,8 triệu lượt khách quốc tế, gấp 5,4 lần so cùng kỳ.
Lãnh đạo các bộ, ngành phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: VGP
Thứ năm, đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, là một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng đạt gần 297,7 nghìn tỷ đồng, đạt 42,1% kế hoạch, tăng 2,95% về tỷ lệ và tăng 85.000 tỷ đồng về số tuyệt đối. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện nguồn ngân sách nhà nước 8 tháng đạt 49,4% kế hoạch năm, tăng 23,1% so với cùng kỳ - cao hơn so với số giải ngân do thủ tục thanh toán. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan đẩy nhanh thủ tục thanh toán.
Tổng vốn FDI đăng ký đạt 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ (trong đó vốn đăng ký cấp mới đạt 8,87 tỷ USD, tăng 69,5%; vốn đăng ký điều chỉnh đạt 4,54 tỷ USD, giảm 39,7% và vốn góp, mua cổ phần đạt 4,74 tỷ USD, tăng 62,8%). Tổng vốn FDI thực hiện 8 tháng đạt 13,1 tỷ USD, tăng 1,3% và tăng dần qua hằng tháng.
Thứ sáu, tình hình phát triển doanh nghiệp ngày càng tích cực hơn, tháng 8 có trên 14.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 2,3% về số doanh nghiệp và tăng 6,6% về vốn đăng ký so với tháng 7. Tính chung 8 tháng có 149.400 doanh nghiệp gia nhập thị trường (gồm 103,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 45.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động), cao hơn số 124.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Thứ bảy, tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9; lễ khai giảng năm học mới diễn ra tốt đẹp trên khắp cả nước. Các lĩnh vực văn hoá - xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; các loại dịch bệnh được kiểm soát; đời sống người dân được cải thiện, tỉ lệ hộ có thu nhập không thay đổi và tăng lên là 94,2%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2022 là 82,2%.
Thứ tám, tình hình chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm. Tai nạn giao thông, thiệt hại do thiên tai, cháy nổ giảm.
Thứ chín, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh; góp phần củng cố niềm tin của nhân dân và toàn xã hội.
Thứ mười, đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam tiếp tục được củng cố và tăng lên.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/10-diem-noi-bat-ve-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-trong-8-thang-nam-2023-179230909173509585.htm