Ngày xưa, ba đi xin sách cũ cho tôi đi khai giảng...

Phan Thế Hoài
17:41 - 04/09/2023
Công dân & Khuyến học trên

Với thế hệ 8x chúng tôi, ngày Khai giảng là một mốc thời gian đặc biệt, là kết thúc kì nghỉ hè, được trở lại trường lớp. Cuộc sống ngày ấy tuy còn thiếu thốn nhưng với học sinh chúng tôi, "mỗi ngày đến trường là một ngày vui".

Tôi sinh ra ở mảnh đất Quảng Trị chỉ có hai mùa rõ nét: mùa hè và mùa đông. Khoảng 15/8 hằng năm, chúng tôi bắt đầu tựu trường để học bù cho những ngày phải nghỉ học vì bão, lũ ở trong năm. Thường là sau hơn hai tuần đi học, chúng tôi được nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 và chờ đến ngày khai giảng 5/9.

Tôi nhớ nhất là những mùa khai giảng, lúc tôi học bậc trung học cơ sở. Trước ngày khai giảng cả tuần lễ, mẹ thường may cho tôi 2 bộ quần xanh áo trắng cùng với một đôi dép nhựa mới tinh. Còn sách giáo khoa thì năm học nào ba cũng đi xin sách cũ từ người chị họ học trên tôi một lớp về cho tôi đi học...

Bố mẹ tôi đông con, nghèo khó nên những quyển sách giáo khoa luôn được tôi giữ gìn cẩn thận để còn cho các em sử dụng. Đến năm cuối cấp lớp 9, nhóm bạn chúng tôi có 4 người chỉ đủ tiền chung nhau mua hai quyển sách tham khảo là Toán và Văn để luyện thi lên lớp 10.

Ngày xưa, ba đi xin sách cũ cho tôi đi khai giảng... - Ảnh 2.

Kỉ niệm xưa về ngày lễ khai giảng luôn mang lại nhiều cảm xúc cho mỗi người. Minh hoạ: CDKH

Để chuẩn bị cho năm học mới, tôi đi xin những tờ giấy báo cũ về bọc lại sách, vở gọn gàng sạch đẹp. Tôi cũng tự tay thiết kế nhãn vở, nhãn sách và kẻ thêm những đường diềm trang trí cho bắt mắt. Suốt 4 năm học trung học cơ sở, năm nào đến kỳ khai giảng, tôi đều háo hức gom sách báo bọc vở, làm nhãn vở và nắn nót viết tên mình lên nhãn vở mới tinh. Sau ngày khai giảng có thời khoá biểu, những chiếc nhãn vở lại có thêm tên nhiều môn học mới, háo hức vô cùng. 

Bây giờ, lũ trẻ thường hỏi không hiểu sao ngày xưa, sách vở đều có bìa cả, sao vẫn phải bọc lại thêm một lượt nữa làm gì. Chúng không biết rằng, đến cuối năm học, khi bỏ tấm bọc bìa bên ngoài đã dãi nắng dầm mưa bao nhiêu bận cùng chúng tôi, lê la sân trường lớp học, thì cuốn sách giáo khoa lại như mới, lại có thể để lại cho các em khoá sau học tiếp. 

Riêng dụng cụ học tập, học sinh chúng tôi cũng chỉ được ba, mẹ mua cho vài thứ ít ỏi như bút bi xanh, đỏ, compa, thước kẻ… Và hầu như cả lớp chẳng có bạn nào có máy tính cầm tay. Đó cũng là lí do học sinh thế hệ chúng tôi tính nhẩm nhanh và sau nhiều năm ra trường vẫn giải được những bài toán như khai căn, nhân chia đa thức… khá thành thạo không phải phụ thuộc vào máy tính. 

Đêm trước ngày khai giảng, tôi đâu có ngủ được, cứ trằn trọc mãi, chỉ mong trời sáng thật mau để được mặc bộ quần áo mới đến trường tung tăng cùng bạn bè. Lễ khai giảng ngày ấy thật đơn giản nhưng đó là những kí ức tươi đẹp mà tôi không thể nào quên. Khó quên nhất là màu cờ Tổ quốc tươi đỏ mới tinh được treo lên trên cột cờ giữa sân trường, chao ôi, phấp phới như tâm hồn tôi lúc ấy vậy. 

Sau một hồi trống vang lên là học sinh chúng tôi tập trung thành hai hàng chỉnh tề trước sân trường. Bạn học sinh thấp nhất lớp đứng đầu hàng cầm cờ Tổ quốc tung bay phấp phới. Riêng lớp trưởng, lớp phó học tập và lớp phó kỉ luật thì chia nhau ở các vị trí để quản lí giúp lớp trật tự.

Khi thầy phụ trách hô "Quốc ca", tất cả thầy cô giáo, nhân viên trường học và học sinh chúng tôi đều hát vang bài "Tiến quân ca" mà không cần nhạc nền. Lá cờ đỏ sao vàng được hai bạn học sinh từ từ kéo lên trên đỉnh cột cờ khiến lễ chào cờ trang nghiêm, thiêng liêng, xúc động.

Sau nghi thức chào cờ, thầy hiệu trưởng tiến lên bục đọc diễn văn khai giảng. Có những câu nói của thầy hiệu trưởng cho đến tận bây giờ vẫn còn hằn sâu vào tâm trí tôi. "Sau ba tháng hè xa thầy, xa bạn, hôm nay thầy trò chúng ta tề tựu về đây để khai giảng năm học mới…".

Bác Hồ dạy: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em".

Buổi lễ khai giảng kết thúc bằng một hồi trống chào mừng năm học mới của thầy hiệu trưởng. Sau đó chúng tôi về lớp để nghe giáo viên chủ nhiệm dặn dò thêm về nội quy trường lớp. Cảm xúc của chúng tôi là thầy cô giáo chủ nhiệm luôn gần gũi, chan hòa và hết lòng vì học sinh thân yêu.

Vì vậy, những mùa khai trường xưa đã đi qua từ lâu nhưng mỗi khi nhớ lại tôi vẫn còn rất nhiều cảm xúc. Để rồi cứ vào mỗi đầu năm học mới, nhìn hình ảnh các em học sinh trong đồng phục mới háo hức đến trường, tôi lại cảm thấy bồi hồi khi được bắt gặp lại kí ức ngày khai giảng thân thương của mình đã qua.