Học sinh gian lận khi thi tốt nghiệp trung học phổ thông bị xử lý thế nào?

Lam Linh
11:37 - 02/05/2024
Công dân & Khuyến học trên

Theo quy định của pháp luật, ngoài bị xử phạt hành chính, thí sinh có hành vi gian lận trong thi cử còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Gian lận thi cử là một trong các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 3 Điều 22 Luật Giáo dục năm 2019. Ảnh: Nhật Nam

Gian lận thi cử là một trong các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 3 Điều 22 Luật Giáo dục năm 2019. Ảnh: Nhật Nam

Gian lận thi cử là gì?

Pháp luật hiện hành không đưa ra định nghĩa cụ thể về gian lận thi cử. Tuy nhiên, từ thực tế có thể thấy, gian lận thi cử là hành vi thí sinh dự thi quay cóp bài; mang tài liệu vào phòng thi; mang và sử dụng các thiết bị công nghệ như máy ghi âm, ghi hình, tai nghe siêu nhỏ...; nhờ người khác thi hộ... nhằm đạt được điểm số cao hơn khả năng của mình.

Ngoài ra, hành vi gian lận trong thi cử không chỉ được thực hiện bởi học sinh mà còn có sự tham gia, đóng góp của một số ít giáo viên, phụ huynh với vai trò tiếp tay, tạo điều kiện cho học sinh gian lận.

Tuy chưa có một văn bản định nghĩa cụ thể gian lận thi cử là gì, song gian lận thi cử là một trong các trường hợp bị nghiêm cấm trong cơ sở giáo dục được quy định tại khoản 3 Điều 22 Luật Giáo dục năm 2019.

Tùy từng hành vi gian lận, mức độ gây thiệt hại mà pháp luật quy định các chế tài xử lý khác nhau với người thực hiện hành vi vi phạm.

Các mức phạt tiền đối với học sinh có hành vi gian lận trong thi cử

Khoản Điều 14 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP có quy định xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về thi như sau:

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vào khu vực tổ chức thi, chấm thi khi không được phép; mang tài liệu, thông tin, vật dụng không được phép vào phòng thi, khu vực chấm thi;
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi làm bài hộ thí sinh hoặc trợ giúp thí sinh làm bài;
- Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi viết thêm hoặc sửa chữa nội dung bài thi hoặc sửa điểm bài thi trái quy định nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi đánh tráo bài thi nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức chấm thi sai quy định nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Phạt tiền từ 14.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với hành vi thi thay hoặc thi kèm người khác hoặc nhờ người khác làm bài hộ hoặc thi thay, thi kèm.

Như vậy, tùy thuộc vào mức độ, tính chất của hành vi vi phạm trong thi cử mà sẽ áp dụng mức phạt tiền phù hợp đối với người vi phạm. 

Bên cạnh đó, ngoài bị phạt tiền theo quy định pháp luật nêu trên thì người có hành vi gian lận trong thi cử còn bị áp dụng một hoặc một số các biện pháp khắc phục hậu quả như: Hủy bỏ kết quả thi không đúng quy định; chấm lại bài thi; Khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi viết thêm, sửa nội dung bài thi; Chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục khác đủ điều kiện được phép hoạt động giáo dục hoặc hủy bỏ quyết định trúng tuyển, trả lại kinh phí đã thu cho người học nếu không chuyển được.

Ví dụ: Ngoài việc bị hủy bỏ kết quả thi theo quy chế thi thì thí sinh có hành vi làm giả căn cước công dân để nhờ người khác thi hộ còn bị xử lý hành chính với mức phạt tiền từ 14.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng.

Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi gian lận trong thi cử 

Ngoài việc bị xử phạt hành chính, đối với các hành vi gian lận trong thi cử có dấu hiệu hình sự thì các cơ quan quản lý giáo dục sẽ lập hồ sơ gửi đến cơ quan có thẩm quyền xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.

Theo đó, thí sinh có hành vi gian lận trong thi cử có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh như: Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước (Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015) với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 5-10 năm tù; Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức (Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015) với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 3-7 năm tù.

Ví dụ: Với hành vi mang điện thoại di động vào phòng thi tốt nghiệp trung học phổ thông rồi chụp ảnh phần đề thi để gửi qua ứng dụng Facebook/Zalo/Telegram.. cho người khác làm bài thi hộ, thí sinh A sẽ bị khởi tố về tội danh "Cố ý làm lộ bí mật nhà nước" theo quy định tại Khoản 2 Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bởi lẽ, tuy hành vi của thí sinh A dù không gây ảnh hưởng đến kết quả chung của kỳ thi nhưng đã vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Có thể thấy, dưới khía cạnh giáo dục, hành vi gian lận trong thi cử sẽ làm ảnh hưởng đến toàn bộ hội đồng thi trên cả nước, xâm phạm đến quyền của tất cả thí sinh cùng tham dự, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, an ninh và trật tự xã hội.

Do đó, là một thí sinh chuẩn bị tham gia thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì chúng ta cần nắm rõ và thực hiện đúng quy chế thi tốt nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành như nắm rõ các vật dụng không được mang vào phòng thi. 

Bên cạnh đó, thí sinh cần lưu ý khi nhận đề thi, phải kiểm tra kỹ số trang và chất lượng các trang in, nếu phát hiện thấy đề thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhòe, mờ phải báo cáo ngay với cán bộ coi thi trong phòng thi.

Thí sinh không được trao đổi, chép bài của người khác, sử dụng tài liệu trái phép để làm bài thi hoặc có những cử chỉ, hành động gian lận, làm mất trật tự phòng thi, nếu muốn có ý kiến phải giơ tay để báo cáo cán bộ coi thi...